1. Nguyên nhân gây bệnh
Vi khuẩn Leptospira interrogans gây bệnh cho nhiều loài gia súc và người. Vi khuẩn Leptospira có hình xoắn (xoắn khuẩn). Ở nhiệt độ 500C xoắn khuẩn chết trong 30 phút, ở 600C chết ngay, ánh sáng chiếu trực tiếp vi khuẩn bị diệt trong 30 phút nhưng ở nhiệt độ (-700C) xoắn khuẩn sống vài năm, ở 200C tồn tại 4 giờ. Ở nước có pH > 7, xoắn khuẩn tồn tại vài tuần. Các dung dịch Cresyl 5%, xút 5%, cồn 20%, phenol 0,5%, formol 0,25% diệt xoắn khuẩn trong 5 phút.
2. Điều kiện lây lan bệnh
2.1. Động vật cảm thụ
Xoắn khuẩn gây bệnh cho người và nhiều loài động vật như trâu, bò, dê, lợn, chó, mèo, động vật hoang dã. Các serotype gây bệnh không có vật chủ cố định, chỉ một số serotype cảm nhiễm một số vật chủ nhất định.
2.2. Động vật mang mầm bệnh
Động vật mang trùng, chủ yếu là các gia súc nhiễm bệnh, động vật hoang dã mang bệnh, đặc biệt là chuột. Mầm bệnh được thải qua nước tiểu động vật, làm cho thức ăn, nước uống, nước rửa chuồng, nước tắm của gia súc, nước ao, hồ, mương, rãnh và môi trường bị nhiễm khuẩn.
Ở động vật mang trùng, xoắn khuẩn cư trú trong thận và bài thải qua nước tiểu hàng tháng, hàng năm hoặc dài hơn, đây là nguồn bệnh rất nguy hiểm.
2.3. Mùa phát bệnh
Bệnh xoắn khuẩn phát sinh và phát triển quanh năm, nhưng thường thấy bệnh xảy ra nhiều vào các tháng nóng ẩm, mưa nhiều từ mùa hè tới đầu mùa thu.
2.4. Đường truyền lây
Truyền lây trực tiếp: Do người, động vật khỏe tiếp xúc trực tiếp với người, động vật mang bệnh; đặc biệt là bệnh lây khi phối giống.
Truyền lây gián tiếp: Khi người, động vật khỏe tiếp xúc với nguồn nước hoặc môi trường nhiễm khuẩn, xoắn khuẩn xâm nhập qua niêm mạc miệng, mũi, giác mạc mắt và da bị sây sát, tổn thương để vào cơ thể gây bệnh.
3. Triệu chứng
3.1. Ở trâu, bò
Thời gian ủ bệnh: 3 - 6 ngày
Bệnh thường xảy ra đột ngột. Trâu, bò sốt cao 40,5 - 41,50C, có dấu hiệu thiếu máu, vàng da và niêm mạc; có thể chết trong vòng 1 - 4 ngày. Bê, nghé bị bệnh nặng hơn và tỷ lệ chết cao hơn trâu, bò trưởng thành. Ở bò sữa, bệnh cũng xảy ra đột ngột, bò sốt, di chuyển khó khăn, gầy sút, mệt mỏi, sản lượng sữa giảm, đôi khi trong sữa có máu.
Trâu, bò chửa sảy thai sau khi nhiễm xoắn khuẩn 6 - 12 tuần, tỷ lệ sảy thai trong đàn thường chiếm 5 - 10% vào giai đoạn thứ 3 của thời kỳ mang thai.
3.2. Ở lợn
Thời gian ủ bệnh từ 3 - 7 ngày. Lợn bị bệnh ở 2 thể.
- Thể cấp tính: lợn sốt cao 41 - 420C, trong 5 - 7 ngày, thở nhanh và mạnh, đi xiêu vẹo, thường nằm bệt, co giật và run từng cơn. Da và niêm mạc vàng (lợn nghệ), nước tiểu đỏ, sau vàng sẫm và ít dần. Lợn choai có thể có triệu chứng thần kinh (đi vòng tròn, húc đầu vào tường, kêu thét). Lợn chết sau 1 - 2 ngày.
- Thể mạn tính: lợn ăn kém dần hoặc bỏ ăn, đi táo, nước tiểu vàng và ít dần. Có thể sốt 40 - 410C, run rẩy, co giật nhẹ từng cơn. Các triệu chứng giảm dần, lợn gầy rạc, da và niêm mạc vàng, mặt và bụng thủy thũng, liệt chân sau. Cuối cùng lợn chết do kiệt sức. Lợn cái thường bị sảy thai hoặc chết lưu thai hoặc lợn con yếu, thường chết ngay sau khi sinh. Lợn đực giống mắc bệnh ngoài biểu hiện trên, dịch hoàn sưng to.
Lợn mắc bệnh có mùi khét đặc trưng.
3.3. Ở người
Người bị bệnh Leptospira thể hiện triệu chứng qua 2 giai đoạn: ở giai đoạn đầu, các triệu chứng giống như trường hợp nhiễm virus. Người bệnh sốt, trong máu có vi khuẩn. Giai đoạn này kéo dài 4 - 7 ngày. Giai đoạn tiếp theo kéo dài 30 - 31 ngày, đặc trưng là triệu chứng đau cơ, nôn mửa, chướng bụng, thể viêm màng não chiếm 80% số người mắc bệnh.
Người bệnh có triệu chứng vàng da và niêm mạc, sốt, có thể rối loạn chức năng gan, thận, dần dần suy thận, loạn nhịp tim, viêm phổi xuất huyết.
Tỷ lệ tử vong ở người có thể chiếm 5 - 40% số ca bệnh.
4. Bệnh tích
Hiện tượng vàng da và niêm mạc; rất rõ ở niêm mạc mắt. Trên da và niêm mạc miệng có những mảng hoại tử, loét. Tổ chức liên kết dưới da vàng, keo nhầy và thủy thũng.
Tích nước xoang ngực, xoang bụng, dịch có màu vàng.
Xuất huyết dưới da, niêm mạc ruột, phổi, tim, thận và lách, máu loãng.
Thận nhạt màu, giới hạn giữa vùng vỏ và tuỷ không rõ | Bàng quang chứa đầy nước tiểu màu vàng sẫm |
Thận nhạt màu, có những điểm hoại tử màu vàng xám xen kẽ, bổ ra thấy giới hạn giữa vùng vỏ và tủy không rõ. Bàng quang chứa đầy nước tiểu màu đỏ, vàng hoặc sẫm. Có khi bàng quang xẹp, không có nước tiểu.
Gan sưng, vàng, nát, có những đám hoại tử. Phần lớn túi mật teo, mật đặc quánh. Hạch lâm ba ruột sưng, phổi thủy thũng, phế quản, phế nang có nhiều nước.
5. Chẩn đoán
5.1. Chẩn đoán lâm sàng và dịch tễ: Người, gia súc mắc bệnh có biểu hiện vàng niêm mạc và da; mùi khét đặc trưng. Ở gia súc mang thai, có hiện tượng sảy thai. Căn cứ vào dịch tễ từng vùng.
5.2. Chẩn đoán huyết thanh học: cần có kháng nguyên của các serotyp gây bệnh (theo dịch tễ từng vùng).
Các phản ứng thường dùng như phản ứng vi ngưng kết tan trên phiến kính (MAT), dùng để kiểm tra toàn đàn; phản ứng ngưng kết trên phiến kính; phương pháp miễn dịch huỳnh quang (IFAT) là phương pháp nhanh và độ chính xác cao, thường dùng để chẩn đoán bệnh ở người, nhưng cũng có thể dùng để chẩn đoán bệnh ở gia súc. Phương pháp xét nghiệm miễn dịch hấp phụ enzyme (ELISA) và phản ứng chuỗi polymerase (PCR) có độ chính xác và độ nhạy cao.
6. Phòng và điều trị bệnh
6.1. Phòng bệnh
Vệ sinh phòng bệnh: Đảm bảo cách ly giữa người và vật nuôi; đặc biệt, người và gia súc không tiếp xúc với chuột. Thường xuyên diệt chuột, động vật tàng trữ và truyền xoắn khuẩn cho gia súc và người. Vệ sinh, tiêu độc khử trùng dụng cụ, môi trường chăn nuôi. Không để nước đọng ở quanh nhà ở, chuồng trại; phải đảm bảo môi trường luôn sạch và khô ráo.
Thường xuyên kiểm tra sức khỏe gia súc; định kỳ kiểm tra huyết thanh cho gia súc những nơi đã có dịch bệnh xoắn khuẩn hoặc nơi có nguy cơ cao để phát hiện những con có kết quả dương tính, cần nhanh chóng được cách ly, điều trị kịp thời.
Tiêm vắc xin phòng bệnh: Những nơi đã có dịch bệnh xoắn khuẩn hoặc nơi có nguy cơ cao, phải tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, vắc-xin chứa các serotype gây bệnh cho gia súc ở vùng đó (theo dịch tễ địa phương), liều lượng, cách dùng theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
Với gia súc nuôi sinh sản (nái và đực giống), định kỳ tiêm vắc xin 2 lần/năm.
6.2. Điều trị
Cần phải phát hiện sớm, cách ly tuyệt đối, điều trị kịp thời, triệt để cho người hoặc gia súc mắc bệnh xoắn khuẩn.
Có thể dùng kháng huyết thanh Lepto để điều trị nhưng chú ý kháng huyết thanh được chế từ các serotyp gây bệnh mới có hiệu quả điều trị cao.
Dùng 1-2 loại kháng sinh như Oxytetracyclin, Amoxycillin, Doxycyline, Pencillin, Streptomycin, Tetracyclin; trong những trường hợp nặng hơn nên dùng Cefotaxime hoặc Ceftriaxone; phối hợp với các vitamin, thuốc trợ sức, trợ lực, đặc biệt là Urotropin, Cafein; bổ gan, thận, liều lượng, cách dùng theo hướng dẫn sử dụng của hãng thuốc.
Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, cải thiện môi trường.
Chú ý những gia súc mắc bệnh, luôn thải mầm bệnh, đặc biệt qua nước tiểu, do đó cần cách ly tuyệt đối ngay khi phát hiện bệnh và sau khi điều trị khỏi bệnh ít nhất 3 tuần.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã