Thị trường tiềm năng
Theo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nấm Việt Nam, với dân số trên 9 triệu dân, nhu cầu sử dụng nấm của người dân Hà Nội lên tới 60 tấn/ngày, tương đương 22.000 tấn/năm. Với giá bình quân khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg thì tổng giá trị cho sản phẩm nấm tại thị trường Hà Nội lên tới 50 triệu USD (1.100 tỷ đồng/năm). Nếu tính trên địa bàn toàn quốc thì con số tiêu thụ có thể lên tới cả tỷ USD. Có thể thấy, đây là thị trường đầy tiềm năng cho sản phẩm nấm.
Cần phát triển nghề trồng nấm theo chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.
Bên cạnh đó, trong xu hướng phát triển chung, nấm không chỉ là sản phẩm phục vụ thị trường các đô thị lớn mà còn được ưa dùng ở tất cả các tỉnh, thành, khu vực bởi tính bổ dưỡng, dễ sử dụng. Thứ thực phẩm “ăn như thịt, lành như rau” này ngày càng được ưa chuộng, nhiều món ăn có sử dụng nấm đã trở nên phổ biến. Nhu cầu dùng nấm không chỉ gói gọn ở quy mô hộ gia đình mà nhu cầu thương mại nấm đã thực sự phát triển. Với thị trường tiềm năng như thế, nghề trồng nấm đang phát triển khá mạnh ở ngoại thành Hà Nội nói riêng và các địa phương lân cận nói chung.
Tại Quốc Oai, nhiều nông dân đang trồng các loại nấm theo mùa. Mùa hè trồng nấm rơm, thu đông trồng nấm sò, nấm mỡ, nhiều hộ trồng được cả nấm linh chi. Hiện, mỗi tháng các hộ và hợp tác xã trồng nấm tại Quốc Oai cung cấp ra thị trường trên 7 tấn nấm tươi. Việc trồng nấm đã và đang được người dân quan tâm, đầu tư bài bản bởi thu nhập bình quân của nông dân có thể ổn định ở mức 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Hơn nữa, việc tận dụng nguồn nguyên liệu phụ phẩm sẵn có trong sản xuất nông nghiệp cũng giúp môi trường sống bớt ô nhiễm hơn.
Đông Anh cũng là địa phương có sản lượng nấm tươi cung cấp ra thị trường Hà Nội tương đối lớn. Chỉ riêng Công ty TNHH Đầu tư thương mại và sản xuất Đông Giang đã cung cấp ra thị trường trên dưới 2 tấn nấm thương phẩm, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng. Cơ sở này cũng đã và đang mở rộng sản xuất bởi đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các huyện Ba Vì, Phú Xuyên, Sóc Sơn cũng có sản lượng trồng nấm khá cao. Bình quân mỗi tháng các huyện trên địa bàn thành phố cung ứng ra thị trường khoảng 600 tấn nấm tươi, đáp ứng 35% nhu cầu thị trường. Phần còn lại được đáp ứng bởi các địa phương khác như Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình (khoảng 28%) và phần còn lại (37%) là từ thị trường trôi nổi, chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Đây chính là điều băn khoăn lớn với các cơ quan quản lý thị trường cũng như với người tiêu dùng bởi chất lượng sản phẩm chưa hoặc khó được kiểm soát.
Đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng
Hiệu quả kinh tế trong sản xuất nấm là không thể phủ nhận, song quy mô còn nhỏ. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này một phần là do hiện tại, sản xuất nấm phần lớn vẫn ở quy mô hộ gia đình nên chưa đạt tới sự chuyên nghiệp, cũng như chưa xây dựng được thương hiệu. Điều này không chỉ làm lãng phí tiềm năng mà còn khiến nghề nấm phát triển thiếu bền vững. Mặt khác, do tâm lý của bà con sợ làm ra nhiều không có đầu ra, trong khi trồng nấm với quy mô lớn đòi hỏi chi phí đầu tư khá lớn cho nhà xưởng và các thiết bị phục vụ việc bảo quản, sơ chế nấm tươi.
Làm sao để khai thác hiệu quả thị trường nội địa, đồng thời khai thác tốt hơn điểm mạnh của một quốc gia sản xuất nông nghiệp với nhiều phụ phẩm có thể phục vụ sản xuất nấm (rơm, rạ), PGS.TS.Phạm Thị Huyền, Khoa Marketting (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm nấm sạch là hướng đi đúng của nông dân Hà Nội nói riêng và các địa phương lân cận nói chung. Trong đó, đặc biệt chú ý tới 3 khâu chủ chốt gồm: sản xuất, phân phối, tiêu dùng. Theo đó, ở khâu sản xuất, các cơ sở sản xuất cần đảm bảo nguồn cung ứng ổn định, chất lượng đảm bảo và vệ sinh an toàn thực phẩm tốt; đầu tư nhiều hơn vào công nghệ, thiết bị nuôi trồng giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; quan tâm kiểm soát chi phí nhằm đảm bảo giá thành phù hợp.
Ở khâu phân phối, cần thiết lập chuỗi phân phối sản phẩm có sự hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên. Có thể cần các hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hợp đồng cung cấp sản phẩm dài hạn với mức giá ổn định và được thu gom đóng gói theo tiêu chuẩn của khách hàng hoặc nhà phân phối. Các gói nấm nên được bao gói cẩn thận với hộp chống dập, chống ôxy hóa và phù hợp với 1 lần tiêu thụ của khách hàng (khoảng 200-300 g/gói, tùy loại). Thông tin về ngày, người, nơi sản xuất, cách thức sử dụng sản phẩm cần minh bạch, rõ ràng để đảm bảo tính chuyên nghiệp và hướng tới thị trường cao cấp hơn.
Ở khâu tiêu dùng, bản thân người tiêu dùng cần có những kiến thức nhất định về phân biệt, lựa chọn và sử dụng nấm để có thể chọn cho mình sản phẩm nấm Việt đảm bảo chất lượng.
Nguyễn Hạnh
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã