Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại huyện Đầm Dơi, Cà Mau - Ảnh: Tấn Thái |
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo về những rủi ro về thời tiết, chưa kể nguy cơ giá tôm lại giảm mạnh.
Sau một thời gian dài “treo” ao, thậm chí san lấp ao, nhiều nông dân tại Cà Mau, Sóc Trăng và Kiên Giang đã quay trở lại với con tôm với hi vọng giá tôm sẽ tiếp tục đứng ở mức cao.
Giá tăng, đua nuôi tôm nghịch vụ
Ông Lê Hoàng Đảm (thị trấn Thứ 11, huyện An Minh, Kiên Giang) cho biết giá tôm thường có hiện tượng tăng cao vào cuối vụ nhưng năm nay giá tôm tăng cao kỷ lục do tình trạng khan hiếm tôm nguyên liệu.
“Đợt khô hạn vừa qua ít nhiều ảnh hưởng tới sản lượng tôm nuôi nên giá mới tăng cao như vậy. Giá tăng nhưng thực tế không có tôm nhiều để bán. Nông dân tụi tui không còn lạ gì hiện tượng “mất mùa được giá” thường xuyên diễn ra” - ông Đảm nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, từ đầu tháng 11 tới nay giá tôm nguyên liệu tại Kiên Giang tăng 30.000-50.000 đồng/kg tùy chủng loại.
Cụ thể, giá tôm sú loại 40 con/kg hiện khoảng 185.000-195.000 đồng/kg, loại 30 con/kg từ 210.000-220.000 đồng/kg, loại 20 con/kg (loại 1) từ 300.000-310.000 đồng/kg.
Riêng tôm thẻ chân trắng thả nuôi công nghiệp tập trung chủ yếu được cung cấp cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu.
Giám đốc một doanh nghiệp thu mua tôm chế biến xuất khẩu tại Cà Mau cho biết từ đầu tháng 12 đến nay, mỗi tuần giá tôm cứ tăng vài ngàn đồng, trong đó mức tăng mạnh nhất vào tuần đầu tiên của tháng này.
Trong đó, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg mua tại vuông tôm tăng đến 15.000 đồng/kg so với cuối tháng 11, lên tới 115.000 đồng/kg. Do giá tôm tăng mạnh, nhiều nông dân đã đua nhau cải tạo ao đầm trở lại để thả nuôi.
Tại vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung lớn nhất của tỉnh Cà Mau là huyện Đầm Dơi, người dân không còn “treo ao” khắp nơi như trước đây nữa.
Ông Võ Quốc Thống - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi - cho biết do ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn, nhiều nông dân từng phải “treo ao”, thậm chí có hộ san lấp ao luôn, nhưng nay người dân bắt đầu thả nuôi trở lại nhiều.
“Việc giá tăng hay giảm do nhiều yếu tố, chúng tôi không dự báo trước được nên chỉ khuyến cáo người dân thả nuôi theo lịch thời vụ, nuôi đảm bảo quy trình kỹ thuật, tránh rủi ro đến mức thấp nhất” - ông Thống nói.
Tương tự, nhiều nông dân ở Sóc Trăng cũng ồ ạt đua nhau nuôi tôm trở lại sau khi giá tôm tăng mạnh.
Ông Phạm Quang Bình (xã Hòa Tú, huyện Mỹ Xuyên) cho biết những ngày qua thương lái săn tìm mua tôm đông đá và tôm oxy (tôm sống) để bán ở các chợ nhưng không có hàng để bán.
Do đó, nhiều người dân đang đua nhau mở rộng diện tích nuôi tôm với hi vọng đến lúc thu hoạch vẫn còn bán được giá cao.
Nhiều rủi ro khi “thả tôm cầu may”
Ông Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang - cho biết diện tích nuôi tôm trên địa bàn đang tăng và sẽ còn tiếp tục gia tăng, chủ yếu tại các huyện vùng U Minh Thượng (An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng).
Theo ông Tâm, ngoài lý do giá tôm tăng, việc trồng lúa đang gặp khó khăn do tình hình biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ngày càng gay gắt hơn trong khi lợi nhuận thấp nên nông dân chuyển sang nuôi tôm.
Tuy nhiên, nhiều nông dân thừa nhận vừa làm vừa lo giá tôm lại giảm mạnh nếu diện tích nuôi tôm tăng.
Ông Phạm Quang Bình cho biết dù giá tôm quá hấp dẫn nhưng gia đình ông không dám mạo hiểm thả giống vào lúc này bởi thời tiết mấy ngày nay mưa liên tục, không thuận lợi cho việc thả giống.
“Giá tôm đang rất cao nhưng không chắc có thể giữ được trong khoảng vài tháng nữa. Hơn nữa việc dừng thả tôm lúc này vừa tránh được thời tiết không thuận lợi, vừa cho đất nghỉ ngơi vừa hạn chế được rủi ro” - ông Bình nói.
Ông Nguyễn Chí Công, phó chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), cho biết dù chưa thống kê cụ thể, nhưng có hàng trăm hecta thả nuôi tôm nghịch mùa.
“Chúng tôi đã khuyến cáo không thả tôm nuôi vào thời điểm này vì tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng nông dân không nghe. Hiện nay một số diện tích thả nuôi sớm có tôm chết lai rai” - ông Công cho biết.
Cũng theo ông Công, thường mọi năm giữa tháng 1 mới khuyến cáo thả giống, nhưng thấy giá tôm quá hấp dẫn, bà con thả sớm cầu may. Tuy nhiên việc thả nuôi sớm, tôm bệnh chết sẽ là nguy cơ xảy ra dịch bệnh ảnh hưởng đến vụ nuôi chính.
Bà Quách Thị Thanh Bình, phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, cho biết dự kiến trong tuần tới mới công bố lịch thời vụ thả nuôi tôm 2017, nhưng đến thời điểm này diện tích thả nuôi sớm khoảng 2.000ha.
Theo bà Bình, dự báo trong thời gian tới sẽ có những đợt không khí lạnh, nên nông dân cần thả giống theo phương châm thăm dò.
Ông Châu Công Bằng - phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau - khuyến cáo giá tôm tăng vào thời điểm này do các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua chế biến xuất khẩu phục vụ lễ Giáng sinh.
Vì vậy, người nuôi cần cân nhắc quy luật này mà có những tính toán thích hợp để thả nuôi.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, hiện diện tích nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn là 9.587ha, trong đó chỉ khoảng 40% diện tích đang thả nuôi (khoảng 175ha diện tích thả nuôi ứng dụng công nghệ cao). Sản lượng đáp ứng được 50 - 60% công suất các nhà máy chế biến xuất khẩu trên địa bàn. Trong khi đó theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, tổng diện tích thả nuôi tôm trên địa bàn trong năm nay đạt 106,61ha, vượt 5,55% so với kế hoạch. Trong đó diện tích nuôi theo mô hình tôm - lúa tăng 7,24% so với cùng kỳ 2015, chủ yếu do nông dân chuyển sang nuôi tôm, thu hẹp diện tích lúa vụ mùa tại các vùng nhiễm mặn. --- Thiếu nguyên liệu, doanh nghiệp tranh mua bằng mọi giá Theo ông Hồ Quốc Lực, tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản đang phải sản xuất cầm cự do thiếu tôm nguyên liệu. Nhiều doanh nghiệp phải tranh mua bằng mọi cách, đẩy giá tôm nguyên liệu cao ngất ngưởng. Nếu tháng trước, tôm cỡ 70 con/kg giá bán tới nhà máy chỉ 90.000 đồng, hiện tại tăng lên mức 140.000 đồng/kg. “Không có tôm chế biến, thu nhập của công nhân giảm sút. Tết này, công nhân đón tết không được vui” - ông Lực chia sẻ. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã