Từ xóa đói giảm nghèo đến… gây thua lỗ
Do đất ở xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa pha cát và vôi, tương đồng với đất ở đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) nên từ năm 1995, nhiều người dân Lý Sơn đến đây trồng tỏi, định cư. Ngoài thổ nhưỡng, tỏi giống được lấy từ Lý Sơn nên chất lượng tỏi ở Ninh Phước cũng trắng, thơm nồng, không gắt, nhiều tép nhỏ…, được thị trường ưa chuộng như tỏi trồng ở Lý Sơn.
Từ đó, Ninh Phước được người dân trong vùng gọi là “xã tỏi” với hơn 100 hộ trồng, diện tích lúc cao nhất lên đến 200 ha. Không chỉ Ninh Phước, nhiều xã lân cận như Ninh Vân, Ninh Thủy, Ninh Hải, Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa) cũng trồng tỏi. Có hộ còn chở đất từ Ninh Phước đến các xã lân cận để trồng loại cây mang lại thu nhập cao này.
Những năm trước, cây tỏi mang lại lợi nhuận kha khá cho người dân nơi đây. Trung bình mỗi hecta, người trồng thu được khoảng 200 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên hiện nay, nghe nhắc đến tỏi, ông Phan Phùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Phước, ngao ngán: “Năm nay, toàn xã trồng chưa đến 100 ha, giảm nhiều so với năm ngoái. Vựa tỏi Lý Sơn ở Khánh Hòa đang gặp hạn bởi càng trồng càng lỗ”.
Bà Lê Thị Lý (ngụ thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước) cho biết trồng tỏi ngày càng kém hiệu quả. Năm 2015, 1 sào tỏi, gia đình bà thu được 1,2 tấn, trong khi năm nay chưa tới 500 kg. Với 8 sào tỏi, vụ này gia đình bà lỗ khoảng 50 triệu đồng. Bà Lê Thị Bảy (ngụ thôn Ninh Yển, xã Ninh Phước) bộc bạch: “Năm ngoái, mỗi sào tỏi thu hơn 30 triệu đồng. Năm nay, dù giá tỏi khá cao nhưng do sản lượng thấp nên thu vẫn không đủ chi”.
Không chỉ Ninh Phước, ông Nguyễn Văn Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Vân, cho biết vụ tỏi năm nay, năng suất ở đây giảm từ 50%-70% so với năm trước, nhiều nơi gần như mất trắng.
Tìm cách giúp dân
Theo ông Phùng, vài năm trở lại đây, dịch bệnh liên tục tấn công cây tỏi gây cháy lá, ảnh hưởng đến quá trình tạo củ. Cùng với đó, nhiều đợt hạn gay gắt khiến cây tỏi kiệt sức, ngã đổ, gốc bị xé bẹ, lép củ. Cây tỏi thích hợp với thời tiết mát mẻ nên nông dân thường xuống giống vào tháng 10 âm lịch. Tuy nhiên, thời tiết 2 năm trở lại đây biến đổi theo hướng bất lợi cho cây trồng này. “Thời tiết thất thường, sâu bệnh hoành hành đẩy chi phí đầu tư lên quá cao, trong khi năng suất giảm khiến người trồng tỏi lỗ nặng” - ông Phùng đúc kết.
Theo Phòng Kinh tế- UBND thị xã Ninh Hòa, 300 ha tỏi ở địa phương gần đây liên tục sụt giảm sản lượng, người trồng khốn đốn. Ông Bùi Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, cho biết sáng 29-2, đoàn cán bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đến khảo sát nhiều ruộng tỏi ở địa phương để triển khai phương pháp tưới nước tiết kiệm nhằm chống chọi với khô hạn kéo dài. “Phương pháp này đã thành công ở nhiều nơi, hy vọng có thể cứu được cây tỏi, giúp người trồng vượt quá khốn khó” - ông Bình nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã