Ông Lê Văn Tha kiểm tra lưới bao
Nhiều năm nay, gia đình ông Lê Văn Tha ở ấp Qui Lân 5, xã Thạnh Quới tận dụng mùa nước nổi để nuôi cá lóc. Gia đình ông canh tác hơn 7 công đất, sau khi thu hoạch lúa hè thu, ông thả nước vào ruộng và đưa cá giống vào. Để cá sống khỏe và lớn nhanh, ông đã ươm cá giống trong mùng trước khi cho lên ruộng, cá sống trong môi trường tự nhiên tự tìm kiếm thức ăn từ rong tảo. Đến thời điểm nước rút cũng là lúc thu hoạch cá. Tùy theo mùa nước nổi cao hay thấp, cuối vụ thu hoạch, ông đạt lợi nhuận từ 8 đến hơn 10 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập đáng kể trong những tháng nông nhàn. Ông Lê Văn Tha cho biết: “Vụ này, tôi cũng không sạ lúa vụ 3 mà dành hết diện tích để nuôi cá ruộng. Năm nay nước lũ về nhiều, hy vọng hiệu quả sẽ cao hơn các năm trước”.
Theo ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, năm nay nước lũ về sớm và cao hơn mọi năm nên các mô hình sản xuất trong mùa nước nổi của bà con huyện Vĩnh Thạnh nhộn nhịp hơn các năm trước. Thời điểm này, nhiều diện tích không sản xuất lúa vụ 3, nông dân tận dụng hoặc cho thuê để nuôi cá trên chân ruộng. Anh Nguyễn Văn Minh ở ấp Qui Lân 2, xã Thạnh Quới thuê khoảng 20ha đất liền canh trong khu vực đê bao để thả nuôi hơn 150kg cá giống mè hoa và cá chép. Bên cạnh đó, gia đình anh còn nuôi thêm 800 con vịt đẻ lấy trứng, mỗi ngày thu nhập từ bán trứng vịt hơn 600.000 đồng. Anh Nguyễn Văn Minh cho biết: “Nuôi cá trên chân ruộng không cần tốn chi phí mua thức ăn do cá ăn rong, tảo. Lúa chét thì làm thức ăn cho vịt. Tôi hy vọng năm nay nước lũ tràn đồng, cá sẽ lớn nhanh để có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống và lo cho con cái đi học”.
Đến nay, huyện Vĩnh Thạnh đã phát triển được hơn 205ha cá ruộng, tăng 52ha so với năm 2016. Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Không chỉ tăng về diện tích nuôi, năm nay các hộ nuôi cá còn thả nuôi thêm cá chép giòn, một loại cá có giá thị trường cao hơn gấp nhiều lần so với cá chép thường. Thêm vào đó, khi nuôi cá với diện tích lớn, người nuôi cá sẽ tận dụng được khuôn viên đê bao nên đỡ tốn chi phí mua lưới bao như nuôi nhỏ lẻ theo từng thửa ruộng như trước đây. Nếu hiệu quả, 1ha nuôi cá ruộng cho lợi nhuận từ 7 – 10 triệu đồng”.
Vào thời điểm này nhiều hộ dân ở một số tuyến kênh tận dụng nguồn nước dồi dào để nuôi cá lóc trong mùng lưới. Chỉ riêng tuyến Kênh Ông Cò, thuộc ấp Qui Lân 2, xã Thạnh Quới đã có đến hàng chục hộ nuôi cá lóc trong mùng lưới. Theo nhiều người dân, đây là mô hình có vốn đầu tư ít, dễ chăm sóc, thu nhập ổn định và phù hợp với vùng ngập lũ. Với mô hình này bà con cũng không tốn chi phí mua thức ăn, chủ yếu tìm nguồn thức ăn từ thiên nhiên để giảm chi phí. Anh Nguyễn Văn Sáu một trong những hộ nông dân ở đây vừa thả nuôi 6.000 con cá lóc trong mùng lưới, cho biết: “Năm nay, nước về nhiều và sớm hơn mọi năm nên việc tìm mồi cho cá gặp thuận lợi hơn. Khi nước lên đồng nhiều cũng đồng nghĩa với việc cá, ốc cũng nhiều hơn. Hơn nữa mực nước dưới sông càng cao, cá càng ít bị bệnh và lớn nhanh, nếu thuận lợi một hộ nuôi từ 6.000 - 7.000 con cá giống sẽ thu lợi nhuận từ 15 - 20 triệu đồng”.
Hiện tại mực nước lũ đang dâng cao trên các kênh rạch ở huyện đầu nguồn Vĩnh Thạnh, các mô hình sản xuất “ăn theo” mùa nước nổi cũng nhộn nhịp hẳn lên. Ngoài nuôi thủy sản, trên nhiều tuyến đê bao, bờ kênh kiên cố, bà con tận dụng đất trống để trồng hoa màu như: bầu, bí, ớt, rau ăn lá,… để tăng thêm thu nhập.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã