Do nước lũ rút chậm cộng thêm những cơn mưa lớn trái mùa, nên tiến độ xuống lúa vụ Đông Xuân ở ĐBSCL đang khá chậm. Theo kế hoạch của Bộ NN-PTNT, trong tháng 11, diện tích xuống giống toàn vùng ĐBSCL phải đạt 700 ngàn ha, nhưng chỉ thực hiện được 560 ngàn ha. Kế hoạch chung cho cả 2 tháng 11 và 12-2011 là 1,3 triệu ha, nhưng đến ngày 22-12 mới đạt 950 ngàn ha.
Ở nhiều tỉnh sản xuất lúa trọng điểm, diện tích lúa Đông Xuân đã xuống giống còn khá thấp so với kế hoạch. Ở Long An, kế hoạch là 254 ngàn ha, nhưng đến ngày 26-12 mới xuống giống được 75 ngàn ha, đạt 37% so với kế hoạch và chỉ bằng 54% so với cùng kỳ năm 2010. Tỉnh Đồng Tháp có kế hoạch xuống giống 206 ngàn ha, nhưng đến giữa tháng 12 mới thực hiện được 118 ngàn ha đạt 57,4% kế hoạch. Cũng đến giữa tháng 12, An Giang mới xuống giống được khoảng 70 ngàn ha, chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái tới 40 ngàn ha và chưa bằng 1/3 so với kế hoạch đề ra (235 ngàn ha)...
Để hạn chế dịch hại, lúa đạt năng suất, chất lượng tốt và nhất là không làm chậm thời gian xuống giống các vụ sau, Bộ NN-PTNT và UBND các tỉnh, TP ở ĐBSCL vẫn khuyến cáo nông dân không nên xuống giống lúa Đông Xuân sau ngày 31-12-2011. Nhưng với tiến độ quá chậm như trên, chắc chắn nhiều tỉnh, TP ở ĐBSCL sẽ phải kéo dài thời gian xuống giống sang đầu tháng 1-2012. Điều này còn gây ra mối lo ngại không nhỏ về nguy cơ khô hạn cuối vụ. Theo dự báo của Cục Trồng trọt, cuối vụ Đông Xuân 2011-2012, có khoảng 620 ngàn ha ở các tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang... có khả năng bị thiếu nước tưới do ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Trong đó, có khoảng 100 ngàn ha có nguy cơ nhiễm mặn cao nhất, tập trung ở Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Chợ Gạo, Tân Phú Đông (Tiền Giang); Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành (Trà Vinh); Mỹ Xuyên, Long Phú (Sóc Trăng); Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai (Bạc Liêu); An Minh, An Biên, Hòn Đất (Kiên Giang); Long Mỹ, Vị Thủy, Ngã Bảy, Vị Thanh (Hậu Giang)...
Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL đang khẩn trương khuyến cáo, vận động nông dân chủ động tìm mọi biện pháp bơm rút nước ra khỏi đồng ruộng để xuống giống kịp thời vụ. Bộ cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố cần khẩn trương giải ngân ngay nguồn kinh phí 500 tỷ đồng hỗ trợ của Chính phủ để các huyện hỗ trợ kịp thời cho nông dân ở những khu vực đang cần phải bơm rút nước ra khỏi đồng ruộng.
Lo lúa phẩm cấp thấp
Cũng do việc xuống giống bị chậm mà tình trạng sử dụng giống lúa phẩm cấp thấp IR 50404 đang tăng đột biến ở nhiều tỉnh ĐBSCL. Theo ông Trương Văn Vinh, Chủ nhiệm HTX Hậu Thạnh Đông (Tân Thạnh, Long An), giống IR 50404 có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng 85-90 ngày. Vì thế, trong tình trạng xuống giống đang bị trễ như hiện nay, nhiều nông dân chọn giống IR 50404 để cho kịp thời vụ. Lúa IR 50404 lại cho năng suất cao hơn các giống lúa chất lượng cao, việc sản xuất cũng dễ dàng hơn, nên giá thành thấp hơn các giống chất lượng cao khoảng 700-1.000 đ/kg. Đã thế, trong năm 2011, lúa IR 50404 lại luôn có mức giá bán khá cao, có thời điểm đã lên tới trên 7.000 đ/kg và giá bán lúa này thường chỉ thấp hơn lúa chất lượng cao khoảng 200-300 đ/kg. Bởi vậy, nông dân vẫn đổ xô vào giống lúa IR 50404 dù biết giống lúa này dễ gặp rủi ro lớn mỗi khi thị trường xuất khẩu có vấn đề.
Ông Đoàn Trí Vững, PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, diện tích xuống giống lúa IR 50404 ở tỉnh này là khá lớn. Những vụ trước, giống IR 50404 thường chiếm 30-40% diện tích lúa ở Đồng Tháp, nhưng trong vụ Đông Xuân này, tỷ lệ giống IR 50404 có thể lên tới 50%. Ở Hậu Giang, trong số 57 ngàn ha đã xuống giống, lúa IR 50404 chiếm tới 40%. Theo nhận định của một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo, giống IR 50404 có thể chiếm tới 50% diện tích lúa vụ Đông Xuân 2011-2012.
Trong khi đó, theo ông Phạm Văn Dư Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, mỗi giống lúa không nên vượt quá 15-20% diện tích lúa. Bởi nếu vượt quá tỷ lệ nói trên, nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất lớn. Như vậy, với diện tích lúa IR 50404 quá lớn như trên, vụ Đông Xuân 2011-2012 ở ĐBSCL vừa phải đối mặt với khả năng xảy ra dịch bệnh trên diện rộng, vừa có thể sẽ dẫn tới khả năng khó tiêu thụ. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Việt Nam đang rất khó cạnh tranh trên thị trường gạo cấp thấp thế giới, vì giá gạo cùng loại của Ấn Độ và Pakistan đang rẻ hơn khoảng 100 USD/tấn. Bằng chứng là trong mấy tháng cuối năm 2011, Việt Nam hầu như không thâm nhập được vào thị trường châu Phi, nơi tiêu thụ chính của gạo phẩm cấp thấp. Các lô hàng gạo đã ký hợp đồng giao hàng trong những tháng đầu năm 2012, toàn là gạo phẩm cấp từ trung bình trở lên. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA, không dấu nổi lo lắng "Sản xuất quá nhiều giống IR 50404 trong vụ Đông Xuân này là quá nguy hiểm”.
SONG TRẦN
Nguồn:daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã