Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện bệnh chết héo cây keo đã xuất hiện và gây hại ở một số địa phương tại 15 tỉnh ở cả 3 miền cả nước gồm: Cầu Ham (Hà Giang); Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương (Tuyên Quang); Yên Bình, Chấn Yên (Yên Bái); Chợ Mới (Bắc Kạn); Hoành Bồ (Quảng Ninh); Lương Sơn, Yên Thủy, Lạc Thủy, Lạc Sơn, Tân Lạc (Hòa Bình); Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng (Phú Thọ); Thường Xuân, Thọ Xuân, Như Xuân, Triệu Sơn (Thanh Hóa); Nghi Lộc, Quỳ Châu, Quỳ Hợp (Nghệ An); A Lưới, Phú Lộc (Huế), Ba Tơ (Quảng Ngãi); Tuy An (Phú Yên); La Ngà, Xuân Lộc (Đồng Nai); Bình Long, Đồng Phú, Lộc Ninh (Bình Phước); U Minh (Cà Mau). Tỷ lệ cây bị bệnh trên những lô bị bệnh từ 20-45%.
Ngoài ra, bệnh vàng lá cũng đã ghi nhận tại vườn ươm, vườn vật liệu và rừng trồng tại Tân Lạc (Hòa Bình); Yên Sơn (Tuyên Quang); Đoan Hùng (Phú Thọ); Nghi Lộc (Nghệ An); Ba Tơ (Quảng Ngãi) và Quy Nhơn (Bình Định), tỷ lệ từ 20-90%.
Kết quả điều tra của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho thấy: Bệnh chết héo cây keo ở nước ta bắt đầu xuất hiện từ năm 2008, xuất hiện ở tất cả các loài keo, mức độ bị bệnh từ cao tới thấp là keo tai tượng, keo lai, keo lá tràm và keo lá liềm.
Cây keo chủ yếu bị bệnh ở giai đoạn 1-3 năm tuổi. Kết quả gây bệnh nhân tạo cho thấy, cây 1 năm tuổi ở vườn ươm sau khi nhiễm bệnh 3 tháng sẽ bị chết, cây lớn hơn 2 tuổi bị chết sau 6 tháng nhiễm bệnh.
Tại cuộc họp báo cáo Bộ NN-PTNT triển khai các giải pháp phòng chống đối với bệnh chết héo cây keo hôm nay (16/7), GS.TS Phạm Quang Thu (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) cảnh báo: Nếu như trước năm 2020, bạch đàn là cây lâm nghiệp chủ lực của nước ta thì từ năm 2000 trở lại đây, cây keo đã thay thế thống trị. Đến nay, diện tích keo cả nước rất lớn, với khoảng trên 1,6 triệu ha (trong tổng số trên 4 triệu ha rừng trồng của cả nước).
Trải qua thời gian trên 20 năm phát triển nóng, tại nhiều nơi, cây keo đã liên tục được trồng đi trồng lại 4-5 chu kỳ trên cùng một diện tích, cộng với quy trình thâm canh chưa được chú trọng, nhiều diện tích đất lâm nghiệp đã bị “bào mòn” về dinh dưỡng, khiến keo phát triển kém do thiếu các dưỡng chất, nguyên tố vi lượng cần thiết. Điều này khiến đa số đất lâm nghiệp trồng keo hiện nay khó tránh khỏ nguy cơ bị ủ nhiều mầm bệnh nguy hiểm.
Đến nay, thống kê đã có khoảng 14 loài sinh vật gây hại chính trên các loài keo, trong đó có 3 bệnh có khả năng bùng phát thành dịch gồm: Bệnh chết héo cây keo (do nấm Ceratocystis manginecans), bệnh phấn hồng hại thân do nấm Corticium salmonicolor và bệnh vàng lá do các loài nấm thuộc chi Phytophthora. Đây đều là các bệnh do nguồn nấm đã tồn tại từ rất lâu tại nước ta. Các loài nấm này không chỉ gây hại trên các cây thân gỗ, cây lâm nghiệp và còn gây hại trên nhiều đối tượng cây trồng.
Cụ thể như nấm Ceratocystis manginecans gây bệnh chết héo cây keo, đã từng ghi nhận việc gây hại rất rộng trên cây keo và nhiều loại cây trồng khác trên thế giới, xuất hiện ở tất cả các châu lục. Ở Indonesia, trước khi gây thiệt hại nặng trên cây keo, nấm này đã từng gây hại diện rộng đối với các loại cây như cà phê, bạch đàn, sưa, lát hoa, thậm chí cây ăn quả như xòai... Ở Việt Nam, nấm này cũng gây hại trên khoai sọ, khoai lang khiến thối củ.
Với bệnh chết héo cây keo, bệnh đã lần đầu tiên được Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam ghi nhận và công bố gây hại trên cây keo tại Việt Nam từ năm 2008. Đến năm 2015, bệnh đã gây hại tại nhiều tỉnh và đã được Bộ NN-PTNT, Cục Bảo vệ thực vật có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng chống. Đến nay, bệnh đã lây lan và gần như có mặt tại tất cả các tỉnh có trồng keo lớn.
GS.TS Phạm Quang Thu đặc biệt lưu ý, bệnh chết héo cây keo có nguy cơ bùng phát và lây lan trên diện rộng tại các vùng trồng keo có lượng mưa lớn (đặc biệt các vùng có lượng mưa cao trên 3.000 mm/năm) như Ba Tơ (Quảng Ngãi); một số vùng ở Tuyên Quang, Yên Bái, Phó Thọ, Thừa Thiên Huế, các tỉnh Đông Nam Bộ và Cà Mau.
Tại Indonesia, khu vực trồng keo có lượng mưa rất lớn như Sumatra đã từng ghi nhận những thiệt hại nặng nề nhất do bệnh chết héo. Không chỉ bệnh chết héo cây keo, các khu vực có lượng mưa cao cũng có nguy cơ rất nguy hiểm đối với các bệnh nấm gây hại trên cây keo như bệnh vàng lá do nấm Phytophthora, bệnh phấn hồng hại thân do nấm Corticium salmonicolor...
Cũng theo GS Thu, việc xử lí thực bì, đốt bỏ sản phẩm phụ sau khi thu hoạch rừng có thể giảm thiểu được nguy cơ lây lan bệnh chết héo ở keo. Ở nước ta, cũng đã ghi nhận tình trạng bệnh chết héo cây keo có thể gây hại mạnh hơn đối với các diện tích rừng trồng lại nhưng không được xử lý, đốt bỏ thực bì, hoặc không được xử lí đất, cày đất...
Cảnh báo không chủ quan trước nguy cơ lây lan của bệnh chết héo trên keo, tuy nhiên GS.TS Phạm Quang Thu cũng cho rằng đây là bệnh không nên quá lo lắng, và hoàn toàn có thể kiểm soát nếu có các giải pháp kỹ thuật được triển khai phù hợp.
Theo đó trước mắt, các chủ rừng cần thực hiện các biện pháp phòng trừ tổng hợp nhằm hạn chế các nguy cơ phát sinh, lây lan của bệnh như: Xử lí đất, vệ sinh rừng sau khi thu hoạch và trồng lại; thực hiện chăm sóc tỉa cành, phát cành keo đúng kỹ thuật như không phát tỉa cành lúc cây đã lớn, gây tổn thương mạnh cho cây; không phát tỉa cành vào mùa mưa, độ ẩm cao...; đặc biệt là sử dụng giống keo sạch bệnh, nhất là các giống keo có khả năng chống chịu với bệnh chết héo...
“Ở nước ta, rất may là lượng mưa nhìn chung không quá lớn như Indonesia, nên nguy cơ bùng phát bệnh chết héo thành dịch ở mức độ, quy mô lớn sẽ phần nào được hạn chế. Về dài hơi, cần phải chọn tạo được các giống keo có khả năng chống chịu, kháng được bệnh, bởi đến nay chúng ta chưa có giống chống chịu được thực sự với bệnh chết héo cây keo.
Bên cạnh đó, cần tuân thủ các kỹ thuật nhằm tránh bệnh phát sinh lây lan, nhất là sử dụng giống ít bị bệnh, chú trọng khâu làm đất. Ví dụ ở Công ty Lâm nghiệp La Ngà (Đồng Nai), đất trồng keo sau thu hoạch được cày lại hoàn toàn để loại bỏ hết gốc cũ, kết hợp với kỹ thuật xử lí đất trước khi trồng mới, nên rừng phát triển rất tốt, chưa bao giờ xẩy ra bệnh chết héo”, GS Phạm Quang Thu cho biết.
Tại cuộc họp ngày 16/7 với các đơn vị khoa học và Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Bảo vệ thực vật... bàn giải pháp chỉ đạo phòng chống nguy cơ bệnh chết héo cây keo, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đánh giá: Đến nay, bệnh đã xuất hiện trên diện rộng ở nước ta và có nguy cơ diễn biến thành dịch. Nếu bệnh bùng phát thành dịch, sẽ là nguy cơ rất lớn đối với cây keo vốn là cây lâm nghiệp chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong ngành lâm nghiệp, nhất là chế biến gỗ hiện nay.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai một số giải pháp để Bộ NN-PTNT sớm có chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến cáo các địa phương cũng như cho các chủ rừng các biện pháp ứng phó.
Theo đó, tiếp tục làm rõ các triệu chứng nhận biết điển hình của bệnh giúp chủ rừng sớm nhận biết; có hướng dẫn cụ thể về biện pháp xử lí cho chủ rừng khi phát hiện bệnh, cũng như thông báo cho cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lí; các biện pháp phòng bệnh, nhất là khuyến cáo chủ rừng sử dụng các giống sạch bệnh, giống có khả năng chống chịu tốt với bệnh; khuyến nghị các giải pháp về canh tác (như xử lí đất, diệt trừ nguồn nấm gây bệnh, hướng dẫn trồng mới... nhằm giảm thiểu nguy cơ phát sinh lây lan của bệnh.
Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện các kỹ thuật để phổ biến cho chủ rừng như: Phương pháp xử lí đối với rừng bị nhiễm bệnh tùy theo các mức độ, tỉ lệ gây hại, xác định mức độ gây hại nào thì cần phải phá bỏ, hướng dẫn xử lí rừng sau khi phải phá bỏ tiêu hủy hoàn toàn...
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm nghiên cứu để khuyến cáo cho chủ rừng sử dụng các loại thuốc, kèm quy trình xử lý phòng trừ bệnh... Đồng thời, sẽ đề nghị cơ quan quản lí nhà nước ở địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các điểm phát sinh bệnh; tăng cường công tác quản lí nhằm đảm bảo có nguồn giống keo sạch bệnh, có khả năng chống chịu tốt với bệnh chết héo để đưa ra sản xuất.
Tổng cục Lâm nghiệp sớm rà soát, tổng hợp tình hình gây hại của bệnh trên cây keo, cũng như đối với các cây trồng khác mà nấm Ceratocystis manginecans có nguy cơ gây hại trên cả nước để có cảnh báo tại các địa phương...
LÊ BỀN/ Nông nghiệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã