Vừa qua, tại Gia Lai, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị "Thúc đẩy phát triển sản xuất chanh leo bền vững", hướng đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng tầm giá trị ngành hàng chanh leo Việt Nam.
Khẳng định tên tuổi chanh leo Việt Nam
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, đến năm 2019 tổng diện tích chanh leo cả nước ước đạt khoảng 10.500ha, sản lượng quả tươi ước đạt hơn 222.000 tấn. Năng suất chanh leo bình quân cả nước đạt 20,32 tấn/ha, trong đó vùng Tây Nguyên đạt năng suất cao nhất, bình quân 26,1 tấn/ha (một số địa bàn năng suất cực cao, đạt trên 40 tấn/ha như Lâm Đồng, cá biệt có các mô hình đạt trên 70 - 100 tấn/ha). Tại phía Bắc, năng suất bình quân thấp hơn, như: Sơn La 10,1 tấn/ha, Nghệ An 17,3 tấn/ha...
Về giá trị xuất khẩu chanh leo, năm 2018 đạt khoảng 66 triệu USD, tăng hơn 3 lần so với năm 2015 (19,5 triệu USD). Với giá trị tăng trưởng mạnh, cây chanh leo đã mang lại hiệu quả kinh tế cao so với nhiều cây trồng khác, tạo công ăn việc làm và mang lại nguồn lớn cho nhiều nông dân, doanh nghiệp.
"Để phát triển chanh leo bền vững cần sự phối hợp chặt chẽ từ cơ quan quản lý đến nhà doanh nghiệp và người dân. Về lâu dài, Bộ NNPTNT và các địa phương cần xây dựng đề án phát triển cây chanh leo để chủ động kiểm soát từ quy mô diện tích, cây giống, kỹ thuật chăm bón… đến chế biến, xuất khẩu; xây dựng tiêu chuẩn giống chanh leo Việt Nam".
Ông Lê Quốc Doanh -
Thứ trưởng Bộ NNPTNT
Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh bảy tỏ: "Năm 2015, nước ta chỉ có khoảng 1.500ha chanh leo nhưng 4 năm sau, diện tích đã tăng lên gấp 7 lần, đạt hơn 10.000ha. Năng suất chanh leo nước ta cũng cao hơn so với nhiều nước trên thế giới. Mặc dù Việt Nam đi sau ngành chanh leo toàn cầu nhưng đã sớm khẳng định tên tuổi trên "bản đồ chanh leo" thế giới với tỉ trọng chiếm 5% và đang tăng lên mạnh mẽ".
Hiện nay, chanh leo là loại cây ăn quả có vị trí thứ 17 trong số các loài cây ăn quả có quy mô diện tích sản xuất lớn ở nước ta, chiếm các vị trí đầu là các loại cây như: Chuối, xoài, cam, bưởi, nhãn, thanh long, sầu riêng, vải, dứa, mít, chanh, na, chôm chôm, quýt, bơ, ổi và chanh leo, riêng cây chuối đạt hơn 140.000ha.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng (thôn 1, xã Thành An, huyện Chư Prông, Gia Lai) chia sẻ: "Trước đây tôi trồng hồ tiêu nhưng thất bại, sau chuyển sang trồng 3ha chanh leo. Chính cây chanh leo đã tạo nên sự thay đổi lớn về thu nhập của gia đình tôi. Trung bình, mỗi ha chanh leo cho thu lãi 120-130 triệu đồng. Hiện tại tổ sản xuất chanh leo của tôi đã có hơn 80 thành viên, cung cấp cho nhà máy gần 1.000 tấn sản phẩm/năm, ai cũng ăn nên làm ra".
Lo dịch bệnh gây hại chanh leo
Tại hội nghị, rất nhiều đại biểu đều có chung quan điểm, băn khoăn làm thế nào để giải quyết bài toán về chất lượng nguồn giống, chất lượng sản phẩm và sâu bệnh gây hại trên cây chanh leo.
Trong nhiều năm nay, phần lớn nguồn cây giống chanh leo trong nước chủ yếu được nhập nội từ Đài Loan. Việc người dân ồ ạt trồng chanh leo ở một số địa phương cũng khiến việc kiểm soát chất lượng nguồn giống hết sức khó khăn, nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Theo Viện Bảo vệ thực vật, tất cả các vùng trồng chanh leo tập trung trên cả nước đều bị nhiễm virus từ 30-100%, các bệnh như thối quả, lở cổ rễ… và một số bệnh hại khác cũng gây hại ở mức độ nghiêm trọng, khó kiểm soát. Qua điều tra, đã ghi nhận 6 loại bệnh virus, 9 loại nấm, 1 loại vi khuẩn, 14 loại côn trùng và nhện gây hại. Do đó, sản xuất và trồng mới bằng giống sạch bệnh là yêu cầu bắt buộc để giảm thiểu thiệt hại.
Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Nafoods Group lo ngại: Thị trường chanh leo nước ta phát triển rất nhanh, nếu không quản lý chặt chẽ về chất lượng giống cũng như sản phẩm thì rất dễ bị các đối thủ nước ngoài "hạ bệ". Riêng đối với giống, cần đảm bảo giống sạch bệnh, năng suất cao.
Theo Cục Trồng trọt, ước tính với nhu cầu trồng mới, trồng thay thế giống chanh leo hàng năm hiện nay khoảng 5.000ha, các cơ sở sản xuất trong nước hiện chưa đáp ứng đủ. Các mô hình canh tác bền vững (canh tác sinh học, an toàn, sử dụng phân hữu cơ và vi sinh, canh tác an toàn, thực hành nông nghiệp tốt) còn hạn chế. Báo cáo từ các địa phương, diện tích chanh leo VietGAP hiện có 242ha, GlobalGAP 8ha.
Theo ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, để thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ chanh leo bền vững, Bộ NNPTNT và các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh. Đồng thời, mở rộng chế biến gắn với vùng nguyên liệu để đảm bảo tiêu thụ hết sản phẩm bà con sản xuất ra.
Đặc biệt, Bộ NNPTNT cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, đẩy nhanh tiến trình đàm phán với Trung Quốc, sớm đưa qua chanh leo VIệt Nam vào danh sách nhập khẩu chính ngạch.
Lê Kiến/danviet.vn
https://danviet.vn/4-giai-phap-phat-trien-ben-vung-cay-trieu-do-chanh-leo-20200705180501143.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã