Niềm vui của các em học sinh khi được đi học trên cây cầu mới. Ảnh: Huy Hùng |
Xây cầu, xây ước mơ
Còn nhớ ngày 5/9/2018, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) có bài phản ánh về việc học sinh bản Huổi Hạ (tỉnh Điện Biên) phải chui túi nylon vượt suối lũ tới trường cho kịp ngày khai giảng, còn người dân bản thì phải căng dây thừng, dùng bè tre vượt qua dòng Nậm Chim để mưu sinh… Những hình ảnh như vậy đã khiến nhiều người hình dung được sự khó khăn, vất vả tại những vùng quê, vùng núi của Việt Nam.
Ngay sau khi nhận được phản ánh, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT tỉnh Điện Biên kiểm tra, xác minh sự việc. Ngày 6/9, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký có Văn bản hỏa tốc số 10047 đề nghị tỉnh Ðiện Biên phối hợp với Tổng cục Ðường bộ Việt Nam cân đối nguồn vốn, khẩn trương xây dựng cầu dân sinh vượt suối Nậm Chim, nâng cấp tuyến đường vào bản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân và học sinh trong khu vực.
Thực hiện chỉ đạo nêu trên, tháng 6/2019, Tổng cục Ðường bộ Việt Nam đã có quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng cầu Huổi Hạ bắc qua suối Nậm Chim với tổng mức đầu tư trên 5,6 tỷ đồng, quy mô gồm 4 nhịp, dài 24 m, mặt cầu rộng 3 m, đường 2 đầu cầu đổ bê tông rộng 3 m. Ngày 25/10/2019, hạng mục cầu bê tông vĩnh cửu Huổi Hạ đã được khởi công xây dựng trong sự trông đợi của người dân bản Huổi Hạ và các thầy cô giáo, học sinh Trường Tiểu học Na Sang.
Sau 4 tháng thi công, công trình cầu Huổi Hạ đã hoàn thành và hình ảnh các cháu học sinh chèo bè, đu dây, chui túi nylon vuợt sông đã chỉ còn trong ký ức.
Tương tự như cầu Huổi Hạ, cầu dân sinh bản Nà Nọi 2 cũng là một cây cầu được xây dựng trong niềm mơ ước của nhân dân như vậy.
Trước đây, ước mơ về một cây cầu bê tông cốt thép bắc qua suối Nậm Rốm nối 2 nhóm dân cư với Quốc lộ 279 là mong ước nhiều năm nay của người dân bản Nà Nọi 2, xã Nà Nhạn (huyện Ðiện Biên). Mùa khô, cây cầu tạm được người dân xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại nhưng đến mùa mưa, nước suối Nậm Rốm dâng cao, chảy xiết cuốn trôi cầu tạm, dân bản Nà Nọi 2 phải cùng nhau làm lại cầu ít nhất mỗi năm 1 lần, chưa kể đến những năm lũ lớn phải làm lại cầu 2-3 lần.
Năm 2018, cầu dân sinh bản Nà Nọi 2 được đưa vào danh mục dự án thành phần 5, thuộc Dự án LRAMP. Cầu bê tông cốt thép với bề rộng mặt cầu 3 m được khởi công xây dựng từ tháng 1/2019, dự kiến hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng vào tháng 12/2019.
Ông Lường Văn Nọi, bản Nà Nọi 2 phấn khởi cho biết: “Mong ước nhiều năm nay của dân bản Nà Nọi 2 đã thành hiện thực. Mặt cầu cao bằng mặt Quốc lộ 279 thì dù mưa lũ có to đến mấy cũng không thể ngập cầu. Người dân bản Nà Nọi 2 rất vui mừng vì được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cầu. Giao thông thuận tiện, bà con thêm hăng hái sản xuất, phát triển kinh tế”.
Một người dân ở ấp Thành Trung, xã Thành Long, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) lưu thông trên cây cầu Thành Trung được xây dựng theo Chương trình LRAMP cho biết, ở ấp này trước đây người dân canh tác trên cánh đồng ấp Thành Trung phải đi qua cây cầu bắc qua suối, tải trọng chỉ có 3 tấn, nhỏ hẹp. Mỗi khi muốn vận chuyển nông sản phải đi vòng qua ấp Kinh Tế để ra đường lớn, rất khó khăn. Cầu Thành Trung vừa hoàn thành có tải trọng 10 tấn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản.
Cầu Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang mới được đưa vào sử dụng. Ảnh: Huy Hùng |
Mới đây nhất, cầu dân sinh Mã Pì Lèng, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vừa được đưa vào sử dụng, đã góp phần xóa sự chia cắt bởi dòng sông Nho Quế chảy qua địa phương, kết nối giao thông, giao thương, tạo điều kiện thuận lợi, giúp bà không còn cảnh lội sông suối vào mùa nước lũ.
Qua tìm hiểu, trước khi có cầu Mã Pì Lèng, việc đi lại của bà con đồng bào dân tộc tại đây gặp nhiều khó khăn. Vào mùa mưa lũ, các hộ dân phải cùng nhau lắp ghép những cây tre, nứa thành bè để qua dòng nước xiết, nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt, kinh tế của bà con nơi đây phụ thuộc nhiều vào việc canh tác nông sản, mỗi vụ mùa thu hoạch, việc vận chuyển sản phẩm đi bán khó khăn. Nhiều mùa vụ, nông dân phải chứng kiến sản phẩm thu hoạch phải vứt bỏ, vì không thể đưa hàng hoá qua dòng nước dữ…
Dự án có sức lan toả mạnh mẽ
Sau 10 năm (2010-2020) thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, công tác phát triển giao thông nông thôn đã đạt kết quả khá toàn diện, nhiều công trình giao thông nông thôn được xây dựng mới, nâng cấp và bảo trì; giảm sâu số xã chưa có đường đến trung tâm xã; tăng tỉ lệ cứng hóa các loại đường giao thông nông thôn, từ đó phát triển các phương tiện vận tải và đa dạng hình thức phục vụ.
Tuy nhiên, hệ thống giao thông nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong mùa mưa lũ. Rất nhiều khe, suối cần đầu tư xây dựng cầu để bảo đảm bà con, trẻ nhỏ đi lại thuận tiện, không bị cô lập trong mùa mưa lũ; nhiều cầu khỉ, cầu xuống cấp cần phải đầu tư xây dựng lại, bảo đảm an toàn giao thông.
Theo thống kê từ các địa phương, trên cả nước có khoảng 9.000 cầu dân sinh cần phải đầu tư xây dựng. Đến cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Xây dựng cầu dân sinh tại Quyết định số 2529/QĐ-TTg ngày 31/12/2015, trong đó xác định ưu tiên xây dựng trước 4.145 cầu dân sinh và giao Bộ GTVT tổ chức triển khai thực hiện.
Nhận thấy vai trò to lớn của giao thông nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án đầu tư vào tháng 3/2016, dự án LRAMP là công trình nhận được sự kỳ vọng to lớn của Chính phủ Việt Nam và nhà tài trợ là Ngân hàng Thế giới (WB), trong đó Bộ GTVT đóng vai trò chủ quản và điều phối chung của toàn bộ dự án.
Dự án có tổng vốn đầu tư là 408,93 triệu USD (9.203 tỷ đồng). Trong đó, 385 triệu USD (khoảng 8.664 tỷ đồng) vay vốn ODA từ WB và 23,93 triệu USD (538,58 tỷ đồng) là vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án gồm hợp phần khôi phục và cải tạo đường địa phương và hợp phần xây dựng cầu dân sinh, trong đó dành 5.798 tỷ đồng để xây dựng khoảng 2.174 cầu dân sinh trên phạm vi 50 tỉnh, thành phố trên cả nước trong thời gian từ năm 2016 đến năm 20121.
Điều đặc biệt là các cầu dân sinh được lựa chọn đưa vào Dự án LRAMP đều nằm trong chương trình xây dựng cầu dân sinh bảo đảm an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014-2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, LRAMP chính là dự án hạ tầng đường bộ vay vốn WB lớn nhất từng được triển khai tại Việt Nam có mục tiêu xây dựng cầu dân sinh bảo đảm an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014-2020.
Nhu cầu đi lại của bà con được cải thiện rõ rệt, khoảng 5,4 triệu người dân đã được hưởng lợi trực tiếp từ dự án. Ảnh: Huy Hùng |
Tính đến thời điểm hiện tại, đối với hợp phần đường, công tác khôi phục cải tạo, Tổng cục Đường bộ đã phê duyệt các dự án thành phần với tổng số 895 km đường, đã thi công hoàn thành 404,9 km đường (đạt 60% so với yêu cầu tối thiểu 676 km); giá trị thực hiện đến nay đạt khoảng 2.000 tỷ đồng (66% tổng mức đầu tư), giải ngân đến nay đạt 1.038 tỷ.
Với hợp phần cầu, tổng số cầu đã khởi công là 1.997/2.174 cầu, đạt 92% số lượng cầu tối thiểu của dự án. Số cầu đã hoàn thành khoảng 1.600 cầu (73% so với 2.174), bàn giao khai thác chính thức 1.056 cầu, đáp ứng kế hoạch chung của dự án và bảo đảm yêu cầu trong Hiệp định. Tổng giá trị thực hiện đạt khoảng 3.586 tỷ đồng (62% tổng mức đầu tư).
Đánh giá chung về dự án, tháng 11/2019 vừa qua, Bộ GTVT và Đoàn công tác của WB vừa tổ chức đáng giá dự án LRAMP và đưa ra kết luận: “Dự án đã được triển khai tích cực, qua việc thực hiện trong ba năm 2017-2019 là đáp ứng và vượt tiến độ so với yêu cầu chung của dự án và Hiệp định”.
Cụ thể, các điểm vượt sông suối, mất an toàn giao thông đã được xây dựng cầu, đem lại hiệu quả thiết thực cả về an sinh, xã hội, kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh... cơ bản giải quyết được các vấn đề cấp bách, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho việc sinh hoạt, chăm sóc sức khoẻ, đi lại của người dân cùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc có điều kiện khó khăn, đặc biệt trong mùa mưa lũ.
Trên hết, đoàn công tác ghi nhận, nhu cầu đi lại của bà con đã được cải thiện rõ rệt, khoảng 5,4 triệu người dân đã được hưởng lợi trực tiếp từ dự án; các cầu dân sinh sau khi đưa vào khai thác sử dụng đã góp phần tăng giá trị hàng hóa (nông sản, chăn nuôi, lâm nghiệp...) từ 15-20%; tăng cường các hoạt động xã hội, tỉ lệ trẻ em tới trường, người dân được khám chữa bệnh...; giảm thiểu tai nạn, chi phí, thời gian đi lại từ 10-15%...
“Trong bối cảnh dự án phân tán tại các vùng sâu, vùng xa, trải dài trên phạm vi cả nước, các địa phương đều đánh giá cao hiệu quả thiết thực của dự án, đáp ứng yêu cầu của cử tri. Đặc biệt, khi nguồn vốn địa phương hết sức khó khăn, việc xây dựng những cây cầu, đoạn đường có ý nghĩa hết sức quan trọng khi vừa đáp ứng nhu cầu rất cấp bách, vừa có ý nghĩa lan tỏa, tạo động lực để sử dụng các nguồn lực khác đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông”, đoàn công tác đánh giá.
Trên cơ sở đánh giá hiệu quả dự án, Bộ GTVT đang thực hiện các thủ tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính để xem xét mở rộng phạm vi và kinh phí thực hiện dự án trên cơ sở cân đối khoản vay bổ sung từ phía Nhà tài trợ Ngân hàng Thế giới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã