Là cây leo thân gỗ, lâu năm; dịch quả có hương vị đặc biệt hấp dẫn, chứa nhiều chất bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe nên được thị trường ưa chuộng, sản xuất chanh leo sử dụng dịch quả làm nước giải khát (trong đó dạng nước quả cô đặc là chính, một phần nhỏ sử dụng dạng quả tươi), hương liệu thực phẩm...
Tuy là cây trồng hàng hóa mới phát triển nhưng định hướng thị trường xuất khẩu là chủ yếu; với sự tham gia của một số doanh nghiệp lớn như Công ty Cổ phần TPXK Đồng Giao-DOVECO, Công ty Nafoods Group… đều coi chanh leo là một trong những mặt hàng sản xuất chính; quan tâm đầu tư liên kết chuỗi sản xuất từ khâu giống, trồng trọt, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Đặc biệt là đầu tư hệ thống kho lạnh bảo quản, nhà máy chế biến với dây chuyền công nghệ tiên tiến, nỗ lực tìm kiếm mở rộng thị trường…, đã và đang góp phần xây dựng thương hiệu, phát triển ngành hàng chanh leo Việt Nam có vị thế, thị phần lớn trên thế giới. Trước nhu cầu cao của thị trường, nhiều đơn vị đã ký kết hợp đồng đầu tư, thu mua, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, diện tích trồng chanh leo được tăng lên đáng kể. Tổng diện tích chanh leo cả nước năm 2019 đạt khoảng 10,5 nghìn ha; Tổng sản lượng (quả tươi) ước đạt 222,3 nghìn tấn, có vị trí thứ 17 trong số các loài cây ăn quả có quy mô diện tích sản xuất lớn trên 10 nghìn ha ở nước ta; Năng suất chanh leo bình quân cả nước đạt 20,32 tấn/ha. Trong đó vùng Tây Nguyên đạt bình quân 26,1 tấn/ha, một số địa bàn đạt bình quân trên 40 tấn/ha (Lâm Đồng), cá biệt có các mô hình đạt trên 70 - 100 tấn/ha;...
Về giá trị xuất khẩu, chanh leo nước ta tăng trưởng cao, năm 2018 đạt khoảng 66 triệu USD, tăng hơn 3 lần so với năm 2015 (19,5 triệu USD), có thị trường khá rộng rãi; nhu cầu sử dụng sản phẩm đa dạng, gồm các sản phẩm chế biến và quả tươi, trong đó sản phẩm sơ, chế biến hiện là chủ yếu (khoảng trên 80%).
Với những lợi thế về cây ăn quả xuất khẩu như đã nêu trên nhưng cho tới thời điểm hiện nay, ở nước ta, sản xuất chanh leo chưa được quan tâm nghiên cứu, đầu tư đầy đủ về giống, nhân giống và kỹ thuật canh tác; là cây trồng dễ bị các loại dịch hại tấn công, trong khi quy trình canh tác, thực hành nông nghiệp tốt chưa được áp dụng phổ biến ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cũng như ATTP quả. Ngoài ra, thực tiễn sản xuất thời gian qua, một số nơi nông dân chạy theo phong trào khi giá thu mua cao, lợi nhuận cao đã tự phát đầu tư mở rộng sản xuất trong khi không có hợp đồng tiêu thụ, đã làm gia tăng diện tích, sản lượng, ảnh hưởng đến cung cầu và giá cả; khi giá thu mua thấp nhiều vườn hộ giảm và không đầu tư chăm sóc, cùng với việc chưa được tiếp cận, nắm vững kỹ thuật sản xuất nên năng suất, hiệu quả thấp.
Để phát triển sản xuất chanh leo bền vững trong thời gian tới, tập trung sản xuất hàng hóa, hiệu quả cao; trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng lợi thế điều kiện tự nhiên của từng vùng, địa phương; gắn với phát triển công nghiệp chế biến, xuất khẩu và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến năm 2025 - 2030 ổn định diện tích chanh leo cả nước 12 - 15 nghìn ha, sản lượng quả tươi hàng năm đạt 300 - 400 nghìn tấn. Ngày 03/7/2020 tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy phát triển sản xuất chanh leo bền vững”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội Rau quả Việt Nam; Lãnh đạo UBND một số tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT sản xuất chanh leo chủ lực hiện nay (Gia Lai, Sơn La, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng); Đại diện cơ sở, doanh nghiệp, HTX, nông dân sản xuất, sơ/chế biến, tiêu thụ chanh leo tiêu biểu trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Nguyên cùng nhiều cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đưa tin về Hội nghị.
Tại Hội nghị đã bàn và đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành hàng chanh leo bền vững như sau:
(1) Về tổ chức sản xuất: Các tỉnh có kế hoạch phát triển cây chanh leo hàng hóa cần có kế hoạch vùng trồng gắn với yêu cầu điều kiện sinh thái theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với hệ thống cơ sở sơ chế, chế biến để định hướng cho các doanh nghiệp, người dân đầu tư sản xuất, tránh tình trạng phát triển tự phát; Đẩy mạnh xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị chanh leo; sản xuất, tiêu thụ theo hợp đồng, gắn kết trách nhiệm, lợi ích của nông dân và doanh nghiệp làm cơ sở tăng cường ứng dụng TBKT nâng cao năng suất, chất lượng, ATTP và hiệu quả; Xúc tiến thành lập Hiệp hội Chanh leo Việt Nam bao gồm đại diện các doanh nghiệp sơ chế, chế biến, xuất khẩu, đại diện nông dân và địa phương trồng chanh leo…
(2) Giống, cung ứng và quản lý chất lượng cây giống: Đầu tư nhập nội, khảo nghiệm, nghiên cứu lai tạo nhằm đa dạng hóa bộ giống cho năng suất, chất lượng, mẫu mã phù hợp theo hướng sử dụng cho ăn tươi, chế biến, giống chống chịu dịch hại đặc biệt là bệnh virus, phù hợp yêu cầu thị trường; Đối với nguồn cây giống nhập khẩu, tăng cường công tác kiểm dịch, đảm bảo cây giống chất lượng, sạch bệnh; Khuyến khích đầu tư sản xuất giống chanh leo trong nước nhằm chủ động cung ứng trên cơ sở đảm bảo yêu cầu chất lượng, sạch bệnh, theo đúng các quy định hiện hành về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả lâu năm; Hoàn thiện xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn về khảo nghiệm, nguồn giống, vườn ươm và chất lượng cây giống chanh leo; Các địa phương sản xuất chanh leo tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân lựa chọn giống, cơ sở cung ứng giống đảm bảo chất lượng, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm; Đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống: đảm bảo thực hiện đúng các quy định hiện hành về sản xuất kinh doanh giống cây ăn quả lâu năm.
(3) Kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại: Xây dựng và phổ biến gói kỹ thuật trồng, chăm sóc chanh leo theo hướng đảm bảo năng suất, chất lượng, ATTP; giảm chi phí giá thành, tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, chú ý các biện pháp kỹ thuật làm giàn, cắt tỉa, bón phân, tưới và tiêu nước hợp lý, tiết kiệm,… tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, sinh học; hạn chế tối đa lạm dụng phân bón vô cơ, hóa chất BVTV; hoàn thiện quy trình kỹ thuật quản lý phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại chanh leo; Tăng cường công tác dự tính dự báo sâu bệnh hại làm cơ sở phòng trừ kịp thời, hiệu quả; Đẩy mạnh sản xuất chanh leo theo hướng an toàn, chứng nhận sản phẩm (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,...) phù hợp theo yêu cầu thị trường.
(4) Sơ chế, chế biến: Đối với chanh leo, chất lượng đạt tốt nhất khi quả chín đầy đủ, rụng xuống; vì vậy cần tránh đưa vào sơ chế quả không được chọn lọc kỹ, quả xanh… ảnh hưởng tới chất lượng, hương vị sản phẩm; Rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thu hái, sơ chế đảm bảo chất lượng, ATTP; Tăng cường kiểm tra điều kiện ATTP của các cơ sở sơ chế, chế biến, sản xuất nguyên liệu quả chanh leo nhằm nâng cao chất lượng, ATTP, từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu, nâng cao thị phần sản phẩm chanh leo Việt Nam trên thị trường thế giới.
(5) Phát triển thị trường tiêu thụ: Phát triển chanh leo gắn với mở rộng xuất khẩu, đồng thời phát triển thị trường tiêu thụ trong nước; Tiếp tục quan tâm xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thông tin, hỗ trợ xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường mới cho xuất khẩu chanh leo trong đó có sản phẩm quả tươi, nhằm gia tăng giá trị sản xuất chanh leo.
(6) Chính sách: Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại, nông dân sản xuất, kinh doanh tiếp cận có hiệu quả các chính sách của nhà nước; Các địa phương tiếp tục quan tâm, ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư; lồng ghép, huy động các nguồn lực phát triển sản xuất, sơ chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm chanh leo trên địa bàn.
Với giá trị tăng trưởng mạnh, cây chanh leo đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế so với nhiều cây trồng khác, tạo công ăn việc là và mang lại nguồn thu lớn cho nông dân và doanh nghiệp. Hiện là cây trồng đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu của Việt Nam, dự kiến vượt mốc 100 triệu USD trong năm 2020. Tuy có nhiều lợi thế và phát triển mạnh mẽ nhưng để phát triển bền vững, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, phát triển chanh leo cần căn cơ, bài bản hơn và có sự phối hợp chặt chẽ từ cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu đến các doanh nghiệp và người sản xuất chanh leo, tiến tới trong tương lai gần thành lập Hiệp hội Chanh leo Việt Nam. Về phía Bộ Nông nghiệp và PTNT, các địa phương cũng cần xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam cũng như đề án phát triển cây trồng, đưa thương hiệu chanh leo Việt Nam đứng vững trên thị trường quốc tế.
Thanh Thủy
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia/ http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã