Đi đầu trong việc tiếp cận với TMĐT để bán hàng ra thế giới vào những năm 2000 (thời điểm TMĐT ở Việt Nam mới phát triển) có các công ty: Agifish, Navico, Tafishco, Cửu Long… Thông qua TMĐT, cá tra fillet của các DN đã có mặt ở 133 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ở lĩnh vực lúa gạo, ngoài Angimex, Hunglamrice và Afiex, còn có rất nhiều DN khác xây dựng trang web để giới thiệu và bán hàng. TMĐT đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu. “Nhiều người vẫn nghĩ TMĐT là điều gì đó cao xa nhưng thực chất, nó chỉ là một hình thái hoạt động thương mại bằng phương pháp điện tử. Bản chất giống như hoạt động thương mại truyền thống nhưng qua đây, các hoạt động thương mại được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả hơn, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, còn không gian kinh doanh được mở rộng” - ông Nguyễn Hoàng Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị– Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Lâm, chia sẻ.
Nhờ thương mại điện tử phát triển, sản phẩm cá tra fillet của DN trong tỉnh đã có mặt ở 133 quốc gia trên thế giới
TMĐT mang đến rất nhiều lợi ích cho DN nói chung và người sử dụng nói riêng. Trước hết, nó giúp cho việc quảng bá thông tin, tiếp thị trên thị trường toàn cầu với chi phí cực thấp. TMĐT còn cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho khách hàng, tăng doanh thu, giảm chi phí hoạt động và mua hàng hiệu quả hơn. Ngoài ra, sử dụng TMĐT sẽ cập nhật thông tin nhanh chóng, không tốn kém, tăng lợi thế cạnh tranh… Năm 2015, doanh thu từ TMĐT ở Việt Nam đạt trên 4 tỷ USD. “Khi sử dụng TMĐT, mình có thể mua hàng hay sử dụng dịch vụ nhanh chóng, truy cập thông tin ở khắp mọi nơi. Hàng hóa, dịch vụ được cung ứng dồi dào, đa dạng, mang lại nhiều sự lựa chọn hơn và giá rẻ hơn…” – chị Nguyễn Thị Thùy Linh (phường Long Châu, TX. Tân Châu) chia sẻ.
Vẫn còn e ngại
“Từ trước đến nay, tâm lý của người mua hàng là phải được xem trực tiếp và thử hàng, phải tận mắt thấy sản phẩm mới quyết định mua. Tâm lý này đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt nên rất khó thay đổi. Vì vậy, chúng tôi vẫn còn e ngại trong việc tiếp cận với loại hình TMĐT để bán hàng ” – ông Nguyễn Văn Đức, chủ cơ sở sản xuất khô Đức Phát (xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu), bộc bạch.
Các hợp tác xã trong tỉnh vẫn bán lúa cho thương lái là chính, không sử dụng thương mại điện tử
E ngại cũng đúng thôi, bởi một trong những điều mà người mua hàng rất quan tâm là chất lượng sản phẩm. Thực tế cho thấy, kể từ khi TMĐT phát triển ở Việt Nam (năm 2000) đến nay, nhiều người mua hàng qua website đã gặp phải một số vấn đề không hài lòng. Đó là có sự khác biệt quá lớn giữa món đồ mà họ nhìn được trên mạng với món đồ mà họ nhận được khi mua. Những sự cố này đã đánh mất lòng tin của khách hàng. Chỉ cần vài người gặp sự cố cũng khiến cho uy tín của các website ảnh hưởng rất nhiều. Đối với một số khách hàng tiêu dùng, các kênh thương mại trực tuyến là nơi để họ tham khảo giá hơn là “click” chuột để mua sắm.
An Giang hiện có 152 HTX thuộc 4 lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tín dụng và giao thông- vận tải nhưng số HTX xây dựng trang web để bán hàng, giao dịch vẫn rất ít. Đây là một hạn chế làm cho phong trào kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh chậm phát triển bởi đầu ra cho sản phẩm, dịch vụ bị giới hạn. Tiếp cận TMĐT để bán hàng là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Muốn vậy, Nhà nước cần tổ chức tập huấn, giới thiệu về TMĐT đến với các HTX, doanh nghiệp nhỏ trong tỉnh và có cơ chế hỗ trợ các HTX xây dựng trang web, mua tên miền, thiết bị để giới thiệu sản phẩm của mình ra thế giới bên ngoài. Qua trang web, HTX sẽ tiếp nhận được nhiều thông tin đặt hàng để từ đó tổ chức sản xuất hiệu quả, tránh tình trạng sản xuất ra sản phẩm nhưng không biết bán cho ai, bán giá bao nhiêu, số lượng mua nhiều hay ít…
“Trong lĩnh vực marketing, TMĐT giúp DN quảng bá sản phẩm trên phạm vi toàn cầu với chi phí rẻ bất ngờ. Khối lượng thông tin không giới hạn, dễ cập nhật. Chi phí marketing thấp, đặc biệt là dễ đo lường hiệu quả hơn so với những cách marketing truyền thống. Xét trên phương diện bán hàng, phạm vi phục vụ của TMĐT là không giới hạn, giúp DN có thể tiếp cận đối tượng khách hàng trên phạm vi toàn cầu. Khi đó, khoảng cách địa lý không phải là vấn đề quan trọng, khối lượng thông tin, sản phẩm trưng bày và thời gian phục vụ không giới hạn, trong khi chi phí bán hàng rất thấp” – ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam, chia sẻ.
MINH HIỂN
Nguồn tin: Báo An Giang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã