Sử dụng chất cấm đã giảm
Theo báo cáo tại Hội thảo: “Giải pháp quản lý chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi” diễn ra ngày hôm nay 5-4, tại Hà Nội, sau đợt ra quân rầm rộ ngăn chặn chất cấm thì hiện nay, tình trạng sử dụng chất cấm trong đại bộ phận người chăn nuôi đã giảm đáng kể.
Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), ông Nguyễn Văn Việt, cho biết tổng hợp năm 2015 và 2 tháng đầu năm 2016 về kết quả kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi cho thấy, có tổng số gần 1.900 cơ sở bị kiểm tra, trong đó số cơ sở vi phạm hiện chỉ chiếm khoảng 3,1%.
Theo ông Việt, việc triển khai các đợt cao điểm và kiểm soát chất lượng vật tư và an toàn nông sản đã có tác dụng tích cực, góp phần giảm thiểu rõ rệt tỉ lệ các mẫu dương tính với chất cấm trong chăn nuôi. Trong đó, thức ăn chăn nuôi (TACN) dương tính với chất cấm chỉ còn 1,3% so với 5-6% các tháng đầu năm, nước tiểu chỉ còn 3,9% so với thời gian cao điểm lên tới 16-25% mẫu kiểm tra dương tính… Các chất cấm trong chăn nuôi chủ yếu là Salbutamol và một số ít là vàng o.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT cho hay, điều tra trong thời gian qua cho thấy, thương lái đóng vai trò rất lớn trong việc tiếp tay sử dụng kháng sinh, chất tạo nạc. Tuy nhiên, hành vi này đã được ngăn chặn và hiện nay các tỉnh làm rất quyết liệt, xử lý đội ngũ thương lái thông qua phát hiện tại lò mổ, từ lò mổ truy ra nguồn gốc con heo ở đâu, ai chở con heo đó đến lò mổ..., tất cả đều bị xử lý nghiêm.
Ông Hoàng Thanh Vân thừa nhận, việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi với mục đích kích thích tăng trưởng đang để lại nhiều hậu quả, trong đó có thể xảy ra tình trạng kháng thuốc ở động vật, xa hơn là kháng thuốc ở người. Việc sử dụng chất tạo nạc, chủ yếu là Salbutamol, cũng để lại tồn dư lớn trong thịt heo, gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Kiểm soát từ con giống
Có mặt tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hanh, chủ trang trại nuôi heo thịt và heo giống Minh Phú tại Hoài Đức, Hà Nội cho hay, việc sử dụng kháng sinh, chất tạo nạc đã diễn ra trong nhiều năm qua do thương lái và người chăn nuôi được hưởng lợi lớn so với những hộ dân không sử dụng. Trung bình, mỗi kilogram heo hơi, người chăn nuôi có sử dụng chất cấm được hưởng chênh lệch so với không sử dụng là 2.000 đồng.
Ông Hanh thừa nhận, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã giảm mạnh trong thời gian qua chủ yếu là do thanh kiểm tra và tuyên truyền của cơ quan chức năng. Nhưng nếu không giải quyết được bài toán tăng năng suất và mẫu mã đẹp của con heo, thì việc sử dụng chất cấm có thể sẽ quay trở lại.
Theo ông Hanh, phân khúc giống chất lượng cao đang nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, ông Hanh đề nghị, để giải quyết tận gốc vấn đề, cần có các biện pháp để cung cấp con giống đủ chất lượng, để nông dân không cần dùng chất cấm vẫn có thể tạo ra những con heo nạc, mẫu mã đẹp.
Ngoài ra, Cục Chăn nuôi sẽ triển khai quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo con vật sinh trưởng bình thường, an toàn; tăng cường hoạt động kiểm tra đột xuất của cơ quan quản lý Nhà nước, kiểm soát chặt chẽ cơ sở sản xuất kháng sinh, cơ sở sản xuất thức ăn…
Cách nhận biết thịt có chất cấm
Xem độ dày lớp mỡ bên dưới da miếng thịt. Thông thường heo có chứa chất tạo nạc có lớp mỡ mỏng, có khi chưa tới 1cm, trong khi thịt heo bình thường có lớp mỡ khoảng 1,5 đến 2 cm.
Màu sắc thịt có chứa chất tạo nạc có màu đỏ khác thường, sáng bóng và có quầng đỏ thâm dưới da.
Quan sát xem chỗ liên kết giữa phần nạc và mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có nước dịch màu vàng rỉ ra, chắc chắn đó là thịt siêu nạc có sử dụng hóa chất.
theo Saigon Times
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã