Đó là khó khăn chung của nhiều bà con ở các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, việc chuyển đổi canh tác cây trồng, vật nuôi là giải pháp tối ưu được các địa phương áp dụng và dần phát triển mạnh mẽ. Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đã chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần.
Với 4 ha đất ruộng chuyên trồng lúa, thu nhập bấp bênh, không ổn định, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn anh Tăng Tấn Hưng (xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu) đã chuyển sang trồng bưởi da xanh và thu về lợi nhuận “khủng”, mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.
Anh Hưng cho biết: “Ngày trước trồng lúa bị thất mùa, giá cả bấp bênh. Một công lời chừng một triệu đồng là nhiều. Con đi học rất tốn kém, xoay xở không được”. Nhờ “cái khó ló cái khôn”, anh Hưng đắn đo suy nghĩ tìm ra giải pháp “vực dậy” kinh tế gia đình, thay đổi cuộc sống trên mảnh ruộng vốn có của mình.
Lúc đầu, anh chuyển một số diện tích đất trồng lúa sang trồng cỏ để nuôi bò nhưng cũng không khá hơn bao nhiêu. Lòng say mê và tinh thần ham học hỏi của anh không dừng ở đó. Anh Hưng đã tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật trồng cây ăn trái ở nhiều địa phương về áp dụng.
"Đi tham quan thấy người ta làm, mình về làm theo. Trồng bưởi vất vả nhưng hiệu quả hơn trồng lúa. trồng bưởi giá cả ổn định, thu nhập cao có tiền nhiều hơn lúa nên cũng dư dả”, anh Hưng chia sẻ.
Sau khi nghiên cứu, đầu năm 2013, anh đã mạnh dạn đầu tư trồng hơn 400 gốc bưởi da xanh trên diện tích đất của gia đình. Thấy hiệu quả, anh tiếp tục mở rộng và tăng lên hơn 1400 gốc bưởi da xanh. Qua hơn 3 năm canh tác, năng suất, sản lượng trái bưởi ngày càng gia tăng. Năm vừa qua, vườn bưởi của anh thu hoạch khoảng 25 tấn trái, với giá bình quân 40.000 đ/kg, thu nhập mang lại cho gia đình hơn 1 tỷ đồng.
Với tinh thần nghị lực, dám nghĩ, dám làm, anh Tăng Tấn Hưng đã thành công với mô hình chuyển đổi đây lúa sang trồng cây ăn trái mang lại thu nhập cao đã đưa gia đình anh vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. Nhiều năm liền, anh được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh.
Hiện nay, mô hình trồng bưởi da xanh của anh đã được nhiều nông dân trong và ngoài địa phương học hỏi và làm theo. Bên cạnh việc chăm lo vườn cây trái của nhà mình, anh Hưng còn cung ứng giống bưởi và hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều bà con có nhu cầu chuyển đổi từ lúa sang trồng bưởi. Nhờ sự nhiệt tình đó, nhiều bà con đã vươn lên thoát nghèo có cuộc sống đầy đủ, ấm no
Ông Lê Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Phú Vĩnh đánh giá mô hình chuyển đổi canh tác của anh Hưng, là mô hình đi đúng hướng, phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. “Hiện nay làm lúa hiệu quả không cao và nó rất bấp bênh, mà diện tích trồng cây ăn trái rất ít. Toàn xã có gần 1.300 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đến nay nông dân đã chuyển đổi được 25 ha đất lúa sang trồng cây ăn trái. Trong thời gian tới chúng tôi có định hướng vận động tuyên truyền, thuyết phục người dân, đối với diện tích nhỏ lẻ, ít, làm lúa kém hiệu quả thì sẽ định hướng chuyển đổi trồng cây ăn trái nhiều hơn nữa để tăng thu nhập góp phần cải thiện đời sống của người dân”, ông Tùng cho biết.
Mô hình chuyển đổi canh tác sang trồng cây ăn trái đã mở ra một triển vọng mới trong việc chuyển đổi vùng đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả cao hơn. Qua đó giúp người nông dân gia tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, góp phần vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh An Giang đang đẩy mạnh khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi đất lúa sang trồng nhiều cây trồng khác hiệu quả hơn với mục tiêu đến năm 2020 sẽ có khoảng 46.000ha (chiếm 20%) đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh chuyển sang trồng cây ăn trái và rau màu.
Cụ thể, năm 2017 diện tích chuyển đổi hơn 9.000ha; năm 2018 chuyển đổi gần 11.000ha; năm 2019 chuyển đổi hơn 11.000ha và năm 2020 chuyển đổi hơn 16.000ha. Trong đó, qui hoạch một số vùng chuyên canh sản xuất, tiêu thụ theo hướng công nghệ cao.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã