Văn Lâm là huyện công nghiệp, trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động, giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân sở tại, đóng góp vào ngân sách địa phương.
Xe gom rác đẩy tay và cuốn ép rác lưu động |
Tuy nhiên, bên cạnh những cái được thì việc có nhiều lao động từ khắp các tỉnh, thành tập trung về Văn Lâm lưu trú, làm việc tại các khu công nghiệp đã làm gia tăng dân số cơ học tại chỗ rất lớn, kèm theo là nhiều hệ luỵ khác, trong đó có sự gia tăng đột biến rác thải dân sinh, xả thải tuỳ tiện xuống ao hồ, cống rãnh, ven đường... gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan làng quê, phố thị.
Trước thực trạng trên, Phòng TN - MT huyện Văn Lâm đã tham mưu, đề xuất UBND huyện các giải pháp thu gom, xử rác thải, bảo vệ cảnh quan môi trường, như xã hội hoá các nguồn lực đầu tư thu gom, xử lý rác. Tập huấn, tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các tầng lớp nhân dân; vận động các hộ dân phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình; củng cổ các tổ, đội vệ sinh môi trường.
Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người làm công tác thu gom rác thải tại nông thôn; ký hợp đồng vận chuyển, xử lý rác với Công ty Urenco 11 và Công ty Môi trường đô thị Hưng Phát; xây dựng các điểm tập kết rác container; tăng cường xe thu gom rác đẩy tay và xe cơ giới cuốn ép rác lưu động...
Nhờ vậy, bước đầu công tác thu gom, xử lý rác thải nông thôn đã thu được nhiều kết quả rất khả quan. Có 7 xã, thị trấn trọng điểm về rác thải dân sinh trong huyện đã thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác hàng ngày. Các xã còn lại được thu gom, xử lý rác với tần suất 3 lần/tuần (thứ 3, 5, 7). Lao động trong các tổ/đội vệ sinh môi trường thôn/xóm đã được UBND tỉnh hỗ trợ mua bảo hiểm y tế.
Quan trọng nhất là ý thức về bảo vệ môi trường của người dân đã được nâng lên một bước. Hiện tượng vứt bỏ rác tuỳ tiện ra môi trường đã giảm thiểu căn bản. Hầu hết các hộ dân đều sẵn sàng đóng góp tăng thêm phí vệ sinh môi trường, góp phần giải quyết vấn nạn rác thải nông thôn.
Xã Lạc Hồng là một trong những cơ sở có dân số cơ học cao nhất huyện Văn Lâm (trên 4.000 người), có lượng rác thải dân sinh lớn (khoảng 7 tấn/ngày), đã tạo áp lực rất lớn cho công tác vệ sinh môi trường của địa phương.
Nhưng nhờ cấp uỷ Đảng và chính quyền xã tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, ngành và thực hiện xã hội hoá sâu rộng nguồn lực đầu tư cho công tác vệ sinh môi trường, nên xã đã xây mới được 2 điểm thu gom rác container, 40 xe gom rác đẩy tay (huyện hỗ trợ 25 chiếc, xã hội hoá được 15 chiếc), lập được 5 tổ vệ sinh môi trường gồm 12 lao động, người dân đã tự nguyện góp phí thu gom rác thải sinh hoạt gia đình 5.000 đồng/hộ (qui định của UBND tỉnh là 2.000 đồng/hộ).
Điểm thu gom rác thải |
Ông Đặng Duy Sơn, Trưởng phòng TN - MT huyện Văn Lâm cho biết: Đạt được những kết quả nổi bật nói trên, là nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong toàn huyện, sự ủng hộ thiết thực của ngành chuyên môn, trực tiếp là Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN- MT Hưng Yên).
Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường của Văn Lâm vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn, không dễ giải quyết trong ngày một ngày hai, như đang tồn tại hàng loạt các làng nghề tái chế nhựa, kim loại màu, chế biến thực phẩm đều nhỏ lẻ và tự phát trong khu dân cư, nên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao.
Một số hộ dân đã mua phế liệu có lẫn rác thải (từ nhà máy) về phân loại, sau đổ lẫn rác phế liệu với rác dân sinh, gây khó khăn cho công tác thu gom xử lý. Có trường hợp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không ký hợp đồng xử lý rác thải với đơn vị chức năng. Ngoài ra, kinh phí sự nghiệp môi trường phân bổ cho huyện hàng năm chưa đáp ứng đủ chi phí cho thu gom xử lý rác thải.
Từ những khó khăn trên, ông Sơn kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt được đầu tư từ nguồn ngân sách, để đảm bảo thu nhập cho người làm công tác vệ sinh môi trường, đồng thời tăng kinh phí sự nghiệp môi trường cho huyện.
Theo ông Trần Đăng Anh, PGĐ Sở TN-MT Hưng Yên, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, thường phát sinh từ các địa phương có nhiều doanh nghiệp đầu tư, có nhiều làng nghề. Vì vậy, các địa phương này cần được ưu tiên phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường lớn hơn các địa phương có ít doanh nghiệp đầu tư. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã