Nhiều chính sách hỗ trợ hộ nuôi tôm hùm
Theo báo cáo của UBND TP Nha Trang, do ảnh hưởng của bão số 12 cuối năm 2017, có 3.109 hộ của 9 xã, phường trên địa bàn thành phố bị thiệt hại cây trồng, vật nuôi, thủy sản với số tiền đề nghị hỗ trợ gần 132,4 tỷ đồng chi trả theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Qua thẩm tra hồ sơ đủ điều kiện theo Nghị định 02 hơn 67,1 tỷ đồng; hồ sơ không đủ điều kiện hơn 65,2 tỷ đồng.
Đến nay, thành phố đã thực hiện hỗ trợ để khôi phục sản xuất cho các hộ đáp ứng các điều kiện với số tiền hơn 67,1 tỷ đồng. Trong đó, riêng hỗ trợ giống thủy, hải sản gần 57 tỷ đồng cho phường Vĩnh Nguyên. Số tiền còn lại gồm hỗ trợ giống cây trồng (hơn 6,6 tỷ đồng) và vật nuôi (hơn 3 tỷ đồng), lâm nghiệp (hơn 515 triệu đồng) cho các xã, phường: Phước Đồng, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Lương, Vĩnh Hải, Vĩnh Thái, Vĩnh Phương.
Ngoài kinh phí hỗ trợ, để giúp người dân ổn định sản xuất, thành phố còn ban hành Nghị quyết về Quy hoạch phát triển ngành Thủy sản tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, quy hoạch vùng nuôi tôm hùm trên vịnh Nha Trang. Trước đây, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang có 5 vùng nuôi là: Bích Đầm, Đầm Bấy, Hòn Một, Vũng Ngán, Bãi Miễu.
Theo Nghị quyết số 10 ngày 11/5/2018 của HĐND tỉnh về Quy hoạch phát triển ngành Thủy sản tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, hiện nay, vịnh Nha Trang chỉ còn quy hoạch 3 vùng nuôi tôm hùm là: Trí Nguyên, Bích Đầm và khu vực giao giữa Đầm Bấy và Bích Đầm. Trong đó, khu vực Trí Nguyên, Bích Đầm có thể nuôi kiểu truyền thống, còn vùng giao giữa Đầm Bấy và Bích Đầm phải nuôi kiểu công nghiệp, vì khu vực này sóng gió lớn không thể nuôi kiểu truyền thống.
Ngày 31/3/2018, phường Vĩnh Nguyên đã thực hiện di dời các bè nuôi ở các vùng nuôi không còn trong quy hoạch về các vùng nuôi đúng quy hoạch. Đến nay, khu vực Bãi Miễu - Trí Nguyên với diện tích hơn 14ha đã lấp đầy với hơn 100 bè (trước đây khoảng 70 bè); khu vực Bích Đầm với diện tích khoảng 6ha hiện có hơn 30 bè (trước đây 25 bè); còn khu vực giao giữa Đầm Bấy và Bích Đầm với diện tích 25ha chưa có bè nuôi vì khu vực này phải nuôi theo công nghệ mới.
Tuy nhiên, ngư dân vẫn e dè khi nuôi tôm hùm. Sau cơn bão số 12, gia đình ông Lê Xuân Quang (ở tổ 3, phường Trí Nguyên, TP Nha Trang) bị thiệt hại 5 tỷ đồng khi 48 ô lồng nuôi 25.000 con tôm hùm bị bão đánh tan. Nay được Nhà nước hỗ trợ 500 triệu đồng và vay mượn, gia đình ông Quang làm lại được 40 ô lồng, nhưng mới thả nuôi vài nghìn con trong 20 ô lồng do thiếu vốn. Rút kinh nghiệm sau bão, ông Quang không làm nguyên 1 khối 40 ô lồng mà tách thành 2 khối để có thể dễ dàng di chuyển khi có bão.
Ngư dân trăn trở với nỗi lo thiếu vốn, thiếu giống
Cùng với thành phố Nha Trang, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa có điều kiện tự nhiên và môi trường thuận lợi để phát triển nghề nuôi lồng bè trên biển, nhất là nghề nuôi tôm hùm, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Từ 2.000 lồng nuôi tôm hùm tại xã Vạn Hưng vào năm 2000, sau đó nghề nuôi tôm hùm lan rộng ra các vùng nuôi khác như Đầm Môn (Vạn Thạnh), Vạn Thắng, Đại Lãnh… nâng tổng số lồng cả huyện lên đến hàng chục ngàn.
Cơn bão số 12 đổ bộ cuối năm ngoái khiến hầu hết lồng bè nuôi trên biển của ngư dân huyện Vạn Ninh bị thiệt hại hoàn toàn. Sau bão, bà con từng bước khôi phục lại sản xuất nhưng việc khôi phục của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Ngoài thiếu vốn để tái sản xuất thì giá cả vật tư (cây gỗ, lưới cụ…) tăng 20 - 30% và nguồn giống thủy sản (tôm hùm) cũng khan hiếm, chủ yếu nhập từ các nước lân cận.
Tháng 2/2018, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quy định tạm thời đối với các vùng nuôi trồng thủy sản. Theo đó, huyện Vạn Ninh được quy định tạm thời 6 vùng nuôi với tổng diện tích 550 ha, trên 8.000 lồng. Theo Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, từ 14 - 18/5/2018, Phòng đã phối hợp các Đồn Biên phòng Đầm Môn, Vạn Hưng và các xã Vạn Thạnh, Vạn Hưng và thị trấn Vạn Giã tiến hành công tác cắm mốc và bàn giao các mốc xác định vị trí cho các địa phương tuyên truyền và quản lý vùng nuôi. Tổng cộng đã thả 27 phao mốc và 13 biển chỉ dẫn trong bờ quy định tạm thời 6 vùng nuôi. Thời gian địa phương vận động di dời lồng bè vào vùng tạm thời từ nay đến hết tháng 8/2018. Đến cuối tháng 9/2018 hoàn thành việc thành lập các chi hội nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi tạm thời.
Theo Hoàng Phương/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã