Năm 2017, Việt Nam có tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản là 36,5 tỉ đô la Mỹ, xếp thứ 2 trong danh sách các nước ở châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay đã có gần 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng theo giáo sư Lê Hùng Lân, Viện trưởng Viện ứng dụng công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, sự tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu nhờ tăng diện tích, tăng vụ và nhờ vào các yếu tố đầu vào truyền thống như lao động, vốn, vật tư và nguồn lực tự nhiên. Mô hình tăng trưởng nông nghiệp hiện nay mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều nhưng giá trị thấp, hiệu quả sử dụng đất đai và tài nguyên chưa cao, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Điều này khiến sản xuất suy giảm và giảm khả năng cạnh tranh so với các nước.
Theo giáo sư Võ Tòng Xuân thuộc trường Đại học Cần Thơ, tình trạng chạy theo công nghệ 4.0 trong nông nghiệp vẫn còn chưa thực tế. Trước tiên là điều kiện kinh tế không cho phép áp dụng hệ thống công nghệ rộng rãi, kế đến là điều kiện về nhân lực nắm bắt được kỹ thuật trong đông đảo nông dân vẫn còn thiếu. Đầu tư vào nguồn kỹ sư có thể viết ra phần mềm ứng dụng IoT (internet kết nối vạn vật), kết nối được nguồn dữ liệu lớn (big data) để tạo ra một quy trình chuỗi sản xuất và tiêu thụ cũng cần nhiều kinh phí.
Do vậy, nên chăng các doanh nghiệp, nông dân cần áp dụng công nghệ ở mức độ phù hợp với khả năng tài chính và nhân lực của mình. Cụ thể, nông dân có thể áp dụng công nghệ sinh học để cải tiến tập quán sản xuất. Ví dụ như sử dụng các chế phẩm sinh học để phục hồi điều kiện nhiên nhiên, cải tạo đất và chống sâu bệnh thay vì sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón vô cơ.
Lãnh đạo của Ba Huân và các vị đại diện doanh nghiệp khác cho rằng việc việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân sản xuất hàng hóa theo quy trình tiên tiến khép kín cũng là một trong những cách ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, tạo vốn cho nông dân sản xuất.
Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ba Huân, cho hay doanh nghiệp đã hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho nông dân bằng cách đầu tư vào hệ thống chuồng trại hợp quy chuẩn thú y, tổ chức các chuyên gia tập huấn cho nông dân về các phương pháp khoa học mới trong chăn nuôi. Hiện nay, doanh nghiệp đã có thêm trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao ở Bình Dương, nhà máy thực phẩm Ba Huân ở Long An, nhà máy xử lý trứng gia cầm công nghệ cao ở Phúc Thọ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, để xây dựng nền công nghiệp thông minh vẫn còn phải đầu tư nhiều vào các lĩnh vực khác nhau tạo sự cộng hưởng để phát triển, bao gồm hệ thống công nghệ, thương mại điện tử, đóng gói và vận chuyển hàng hóa… Theo các diễn giả, công nghệ tạo ra giá trị tăng cao chính là nông nghiệp công nghệ cao, nên mỗi tỉnh nên lựa chọn công nghệ phù hợp với tỉnh của mình để gia tăng giá trị sản xuất.
Mỹ Huyền/thesaigontimes.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã