Theo bà Lưu Thị Hằng - Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Chi cục BVTV Hà Nội), trong số 25 mô hình có 13 xã, phường diện tích từ 50ha trở lên, 12 xã phường diện tích dưới 50ha, xã có diện tích lớn nhất là Văn Đức (Gia Lâm) 250ha và diện tích nhỏ nhất là Chu Minh (Ba Vì) 5ha.
Mô hình rau an toàn áp dụng PGS tại huyện Mê Linh |
Sau gần một năm triển khai mô hình PGS, ngành nông nghiệp Hà Nội đã hình thành cho bà con nông dân trồng rau an toàn thói quen làm việc nhóm, ghi chép nhật ký đồng ruộng, lên kế hoạch sản xuất là những biểu hiện rõ nhất cho thành quả mô hình PGS mang lại.
Chia sẻ về việc ghi nhật ký đồng ruộng khi triển khai PGS, ông Bùi Thế Hiền, Trưởng nhóm RAT thôn Hoàng Long, xã Đặng Xá (Gia Lâm) cho biết, nhờ tư vấn trực tiếp của cán bộ BVTV cộng việc mỗi lần đi mua thuốc bà con mang theo sổ nhờ nhân viên cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV ghi giúp tên thuốc BVTV nên bà con bắt đầu quen dần với việc ghi chép nhật ký đồng ruộng.
Cũng theo ông Hiền, PGS còn tạo động lực để người dân bắt đầu biết xây dựng kế hoạch SX, kế hoạch tiêu thụ, phân công công việc, tính tự giác chấp hành quy trình SX. Dù những kế hoạch vẫn còn ở mức ngắn hạn nhưng bước đầu với người nông dân vốn chỉ quen làm theo tự phát đã là thành công lớn.
Có xuất phát điểm từ một liên nhóm sản xuất rau an toàn theo mô hình PGS, bà Nguyễn Thị Ngư và hơn 20 hộ nông dân ở xã Đặng Xá (Gia Lâm) đã chuyển đổi nâng lên thành HTX Rau an toàn và kết nối cung cầu Gia Lâm, trở thành một trong những nhà cung cấp ưu tú của VinEco.
Theo bà Nguyễn Thị Ngư, khi trở thành đối tác của VinEco, bà và các xã viên trong HTX buộc phải chuyên nghiệp đến từng thứ nhỏ nhất, phải làm những công việc mà với thói quen của người nông dân ngày trước bà ít khi phải động chân động tay đến.
Rất may, nhờ đã quen với việc vận hành của PGS nên các thành viên trong HTX của bà nhanh chóng thích nghi và thường xuyên trở thành nhà cung cấp ưu tú của VinEco với mức thưởng cao nhất hàng tháng lên tới 25%/tổng giá trị hợp đồng.
Và để đạt được danh hiệu nhà cung cấp ưu tú của VinEco, theo bà Ngư, điều quan trọng nhất là các thành viên phải đoàn kết, quyết tâm và đặc biệt chỉ nên sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học vì độ an toàn cao, trong khi rau củ quả có thời gian sinh trưởng và cách ly rất ngắn. Bên cạnh đó, phải có tinh thần trách nhiệm, tính tự giác rất cao trong quá trình sản xuất, sơ chế, nhưng yêu cầu bắt buộc khi áp dụng mô hình PGS.
Là một doanh nghiệp đang thu mua rau từ HTX áp dụng mô hình PGS, bà Đàm Thị Dịu, Giám đốc Cty TNHH Sản xuất dịch vụ Liên Anh cho biết rất cảm kích các cán bộ Chi cục BVTV Hà Nội đã “cầm tay chỉ việc” không quản ngày đêm hướng dẫn bà con nông dân tại HTX Tiền Lệ (Hoài Đức), nơi bà đăng ký kết nối tiêu thụ rau các quy trình, nguyên tắc của PGS. Bởi nếu không có các cán bộ Chi cục BVTV, phía doanh nghiệp không biết phải thuê hay cắt cử người để giúp đỡ, giám sát bà con nông dân kỹ thuật, quy trình chuẩn như thế nào.
Ảnh: N.H |
Lấy dẫn chứng câu chuyện thay đổi tư duy nhận thức nhờ áp dụng mô hình PGS, ông Nguyễn Hồng Tuyển, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Đông Anh tâm sự, trước đây xã Vân Nội, huyện Đông Anh luôn là điểm nóng về hoạt động sản xuất, sơ chế, kinh doanh rau an toàn. Tuy nhiên, sau khi áp dụng mô hình PGS cộng việc ký cam kết 4 nhà nên các vùng rau của Vân Nội nói riêng và Đông Anh nói chung có sự chuyển biến rõ rệt.
Trong khi thời gian đầu vẫn có những hộ vi phạm bị bêu tên lên hệ thống loa truyền thanh của xã, từ nhiều tháng nay cơ bản không còn hộ dân vi phạm. Bản thân Trạm BVTV Đông Anh cũng như Chi cục BVTV Hà Nội thường xuyên lấy mẫu rau ngẫu nhiên tại các vùng test dư lượng đều cho kết quả về cơ bản an toàn trong ngưỡng cho phép. Do đó, từ diện tích ban đầu 20ha hiện rau an toàn tại Đông Anh áp dụng PGS đã tăng lên 50ha, mỗi ngày cung cấp ra thị trường Hà Nội 25 - 28 tấn rau.
Theo số liệu Chi cục BVTV Hà Nội cung cấp, vừa qua đơn vị đã lấy ngẫu nhiên 260 mẫu rau tại 25 mô hình đang triển khai áp dụng hệ thống PGS để kiểm tra chất lượng ATTP. Hiện đã có kết quả 180 mẫu đều đảm bảo ATTP, không vượt mức giới hạn dư lượng thuốc BVTV theo giới hạn quy định cho phép. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã