Nông dân vẫn phải tự “bơi”
Từ lâu, mãng cầu (na) của tỉnh Tây Ninh là món ăn đặc sản, được nhiều du khách ưa chuộng. Thực hiện phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng CNC, ngành nông nghiệp Tây Ninh đã triển khai trồng được 93ha mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGap. So với cách trồng thông thường, mặc dù có lãi và năng suất cao hơn trước từ 20% đến 30%, song nhiều nông dân vẫn chưa mặn mà. Năm 2017, gia đình ông Nguyễn Văn Quân, ngụ tại xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh được địa phương vận động đăng ký trồng 3ha theo hướng ứng dụng CNC. Tuy nhiên, khi đến thời điểm thu hoạch chính vụ, ông Quân chỉ bán cho doanh nghiệp được khoảng 60% sản lượng; số còn lại phải đem bán tại các chợ. Không chỉ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm mà quá trình trồng, chăm sóc, gia đình ông cũng phải tự tìm hiểu nhiều khâu trong quy trình kỹ thuật...
Mô hình trồng rau sạch tại xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. |
Không chỉ mô hình trồng mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGap, một số mô hình trồng rau, củ, quả sạch… cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Nguyễn Văn Đán, ngụ tại ấp Tam Hạp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, than phiền: "Gia đình tôi trồng 3ha rau theo tiêu chuẩn sạch, đầu tư, chăm sóc cao hơn so với trồng rau thường, nhưng giá bán cũng không cao hơn rau thường là bao, đôi khi còn khó tiêu thụ tại chợ. Các siêu thị có nhận mua, song số lượng cũng rất ít".
Đầu năm 2017, tỉnh Tây Ninh được Bộ NN&PTNT chọn thí điểm thực hiện chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng CNC, hội nhập thị trường quốc tế. Thực hiện đề án này, địa phương đã đồng loạt triển khai trồng 272ha cây ăn trái, rau theo tiêu chuẩn VietGap và thu hút được một doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến rau, củ, quả với công suất 500 tấn sản phẩm/ngày. Qua trao đổi với ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh, chúng tôi được biết, nguyên nhân của hạn chế trên là do tỉnh Tây Ninh có điểm xuất phát thấp, vốn, kỹ thuật hạn chế. Nhiều nông dân vẫn chưa thay đổi tập quán sản xuất cũ, nhỏ lẻ, chưa mạnh dạn, tin tưởng ứng dụng nông nghiệp CNC để chuyển đổi sản xuất. Trong khi đó, không ít hộ nông dân đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, ứng dụng CNC, nhưng quá trình sản xuất lại chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Thêm vào đó, các doanh nghiệp chủ yếu là vừa và nhỏ, sức mua thấp. Kinh nghiệm ứng dụng nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch, địa phương ít được phổ biến. Mặt khác, một số đơn vị, cơ quan chức năng chậm đổi mới phương thức hoạt động, thiếu sâu sát cơ sở. Việc xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân-doanh nghiệp-chính quyền còn lỏng lẻo, vì vậy doanh nghiệp, nông dân vẫn phải tự "bơi".
Chính sách cụ thể, quy trình sát thực
Theo các chuyên gia, nhà khoa học, những năm gần đây, xây dựng nông nghiệp ứng dụng CNC, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế là xu thế và yêu cầu cấp thiết, tạo động lực phát triển nông nghiệp bền vững, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu, được nhiều địa phương triển khai. Tuy nhiên, tùy theo đặc điểm, mỗi địa phương cần có biện pháp, cơ chế sát thực, tránh nóng vội, bê nguyên mô hình của nước ngoài hay tỉnh khác để áp vào địa phương mình. Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đòi hỏi lớn về vốn, giống, kỹ thuật chế biến. Mỗi địa phương cần có phương án chọn đúng sản phẩm, khâu đột phá trong quy trình để có lộ trình thực hiện phù hợp.
Tây Ninh có quỹ đất nông nghiệp chiếm 85% diện tích tự nhiên, địa hình bằng phẳng; tỉnh đã triển khai khoảng 15.000ha trồng cây ăn trái, 30.000ha rau, củ, quả sạch, trong đó có 1.000ha chuyên canh… dự kiến thu hút ít nhất 5 nhà máy chế biến rau, củ, quả, dược liệu, vật tư nông nghiệp và hai chợ đầu mối. Để thực hiện hiệu quả chủ trương phát triển nông nghiệp CNC, tỉnh cần chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; rà soát, làm tốt quy hoạch, có chính sách tích tụ đất sạch để phát triển, vận động chuyển từ nông hộ sang doanh nghiệp. Địa phương cần lựa chọn xây dựng vùng chuyên canh, tạo giống và có kế hoạch, quy trình, bước đi phù hợp, tạo sự đột phá, từ đó nhân rộng mô hình, gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp.
Theo ông Võ Đức Trong, ngoài thực hiện tốt đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính, Tây Ninh sẽ cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương một cách sát thực, đồng thời xây dựng chính sách, cơ chế cụ thể về đất đai, thuế, hỗ trợ thủ tục hành chính, vốn, công nghệ… cho doanh nghiệp, nông dân. Tỉnh cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực sự tham gia vào chuỗi liên kết. Theo đó, doanh nghiệp đầu tư quy mô 50ha trở lên, địa phương hỗ trợ 15 triệu đồng/ha; nông dân được hỗ trợ 30% năm đầu và 20% năm thứ hai; đầu tư nhà máy chế biến, bảo quản nông sản, địa phương hỗ trợ 60% vốn và không vượt quá 5 tỷ đồng/nhà máy...
Theo QĐND
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã