Để đẩy mạnh việc tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh An Giang đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng xây dựng các vùng chuyên canh nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất công nghệ cao.
Tính đến đầu năm nay, cả tỉnh An Giang đã có 47 doanh nghiệp thực hiện liên kết cánh đồng lớn thông qua 19 hợp tác xã, 31 tổ hợp tác và các hộ nông dân với diện tích hơn 33.500 ha như: vùng nguyên liệu nếp 25.000 ha, vùng chuyên canh xoài 3 màu theo tiêu chuẩn VietGAP, chuyên canh trồng chuối cấy mô, vùng chăn nuôi heo theo hướng công nghệ cao...
Ông Hồ Tấn Phong, phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang với mô hình trồng màu trong nhà kính. |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang đã hỗ trợ thực hiện 40 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng đến nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững gắn liền với ứng phó để thích nghi với biến đổi khí hậu.
Ông Hồ Tấn Phong, phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang, áp dụng thành công với mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Với hơn 1.000 m2 nhà kính, được phân chia thành từng khu, như khu trồng dưa lưới, khu trồng dưa lê, dưa leo baby và cả khu ghép cây giống... Với cách làm này, ông Phong có thể canh tác 7 vụ trong 2 năm. "Sản phẩm của mình cung không đủ cầu, khó khăn nhất là vốn đầu tư ban đầu cao" – ông Phong nói.
Việc xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng và giải pháp để tạo ra đột phá, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thực tế khẳng định hiệu quả của mô hình này, tuy nhiên, để mở rộng vẫn cần nhiều giải pháp tháo gỡ các “nút thắt” như cơ chế chính sách, vốn, công nghệ, nguồn nhân lực…
Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, năm 2018 địa phương sẽ triển khai hỗ trợ đầu tư 5 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với tổng mức hỗ trợ từ ngân sách là 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện đang vướng phải hai vấn đề lớn là, chính sách về đất đai và nguồn nhân lực cho sản xuất công nghệ cao. Đây là nút thắt quan trọng, đặc biệt là đối với nguồn nhân lực đây cũng là khâu quan trọng trong việc mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao hiện nay.
Hiện nay, ở tỉnh An Giang khoảng 95% nông hộ sở hữu dưới 3 ha đất, nhưng để phát triển nông nghiệp theo quy mô lớn và hiện đại thì mô hình này phải đạt tối thiểu 50 ha. Trong khi doanh nghiệp tự thỏa thuận thuê đất của nông dân để sản xuất lớn thì 2 bên lại không tin tưởng nhau. Nông dân thì sợ doanh nghiệp không thanh toán sòng phẳng, còn doanh nghiệp sợ nông dân “bẻ kèo”, đòi đất lại giữa chừng hoặc nâng giá cho thuê... Nhu cầu thuê đất đầu tư vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của các doanh nghiệp là rất lớn nhưng tỉnh không còn quỹ đất 100-200 ha giao doanh nghiệp.
Do vậy, tỉnh An Giang đã xây dựng đề án tạo quỹ đất với quyết tâm phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế nông nghiệp của tỉnh. Ông Lâm Quang Thi, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, để tạo quỹ đất để sản xuất lớn, Nhà nước sẽ đứng ra thuê lại đất của nông dân, sau đó nhà nước cho doanh nghiệp thuê, nhà nước đảm bảo quyền sử dụng đất của người nông dân.
“Nếu người dân sản xuất giỏi và có đất mà đang thiếu vốn, thiếu công nghệ thì người dân lập dự án, tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ, với điều kiện đó là dự án tốt, ứng dụng công nghệ cao, có thị trường" – ông Lâm Quang Thi nói./.
Theo Phan Ánh/ VOV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã