Ảnh minh họa |
Ông Lưu Quang Định, Chủ tịch CLB Nhà báo Tam nông nhận định, nông nghiệp-nông dân-nông thôn hiện nổi lên 3 vấn đề quan trọng. Một là, hội nhập sẽ tác động mạnh mẽ vào thị trường nông sản, đòi hỏi nông dân phải thay đổi để thích ứng và tận dụng được cơ hội. Hai là, tái cơ cấu nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, người nông dân phải tổ chức lại sản xuất. Ba là, liên kết nông dân tạo chuỗi sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh là xu thế tất yếu, điều này đòi hỏi vai trò của kinh tế hợp tác. Liên kết nông dân bền vững được xác định là mấu chốt chính sách quan trọng, nhằm đổi mới tổ chức sản xuất sau một thời gian dài không thực sự đem lại hiệu quả.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy hợp tác liên kết nếu được tổ chức tốt sẽ giúp phát huy nội lực của người nông dân và hiệu quả sản xuất, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực tự nhiên và xã hội, từ đó đảm bảo lợi ích và chia sẻ rủi ro một cách công bằng hơn giữa các bên.
Theo Báo cáo về nghiên cứu đối với kinh tế hợp tác do Oxfam và Viện Nghiên cứu và tư vấn phát triển (RCD) thực hiện, qua khảo sát, người dân đánh giá có rất nhiều thay đổi tích cực về kinh tế của hộ gia đình khi tham gia các mô hình liên kết. Ở khía cạnh kinh tế, 80,9% cho biết liên kết làm tăng doanh thu cho hộ, 77,8% khẳng định tăng lợi nhuận. Về hiệu quả xã hội: 85,6% người dân được hỏi khẳng định các mô hình hợp tác liên kết giúp nâng cao tính tương trợ, gắn kết trong cộng đồng, giảm bớt những nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh như tự hạ giá, phá giá lẫn nhau, giúp tăng năng lực đàm phán. Các thay đổi tích cực còn được thể hiện ở tỉ lệ cao theo đánh giá về mức độ áp dụng khoa học kỹ thuật, tiếp cận thông tin về sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, và cải thiện sức khỏe cho nông dân.
Ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cần phải “may” cho nông dân 3 tấm “áo giáp” để bảo vệ họ trước những “bão tố” của thị trường. “Áo giáp” thứ nhất là nhóm các liên minh, liên đoàn, nghiệp đoàn, hiệp hội ngành hàng nông nghiệp. “Áo giáp” thứ hai là nhóm các cơ quan tư vấn, thực thi chính sách phát triển trong sản xuất thương mại nông sản. Hai tấm áo trên có vai trò tác động vào việc soạn thảo và thực thi các chính sách của Nhà nước, đồng thời bảo vệ nông dân trước sự chèn ép của các đối thủ trên thị trường. Chẳng hạn vừa rồi, giá sữa nguyên liệu trên thế giới giảm, các DN chế biến sữa bỏ mua sữa của nông dân, thì cần có tổ chức đứng ra can thiệp.
“Áo giáp” thứ ba là các tổ chức nghề nghiệp mang tính dẫn dắt và định hướng hộ nông dân, ở đây chính là các mô hình hợp tác xã (HTX). HTX của chúng ta đang bị “lai” giữa tổ chức chính trị với tổ chức nghề nghiệp. Vì vậy, phải chuyển sang HTX kiểu mới, là đơn vị cung cấp dịch vụ điều phối hoạt động, kiểm soát hoạt động sản xuất của nông dân. Trong HTX là một thị trường kép, xã viên vừa là người góp vốn vừa là người sử dụng dịch vụ của HTX, vì vậy phải cân bằng giữa lợi nhuận của xã viên và HTX. Chúng ta đang thiếu những HTX như thế. Theo ông Thịnh, hỗ trợ từ phía Nhà nước cần xem là chất xúc tác, chính quyền không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động của từng HTX.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã