Vững tâm bám biển
Tại Hà Tĩnh, tổng kinh phí bồi thường thiệt hại ở Hà Tĩnh là hơn 1.560 tỷ đồng. Hiện các huyện, thành phố của Hà Tĩnh đã chi trả được hơn 1.500 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 96%, số tiền còn lại chưa chi trả do mới phê duyệt, đang được công khai tại địa phương; một số đối tượng đang được soát xét lại, hồ sơ nuôi trồng thủy sản chưa hoàn thiện.
Một số địa phương trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc bồi thường thiệt hại cho người dân như các huyện: Kỳ Anh, Thạch Hà, Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh,… Ngoài thực hiện công tác bồi thường đúng, đủ, tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động thực hiện một số chính sách riêng như hỗ trợ 100% phí mua hơn 2.800 thẻ Bảo hiểm y tế, 2 năm học phí cho học sinh vùng bị ảnh hưởng, thành lập 25 cửa hàng kinh doanh hải sản an toàn, hơn 560 triệu đồng tiền điện cho 35 cơ sở đông lạnh, 100% lãi suất vay vốn ngân hàng cho các tổ chức vay vốn để mua muối cho diêm dân…
Chúng tôi có mặt tại Cảng cá Xuân Hội (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) vào sáng sớm khi từng chiếc thuyền nối nhau từ ngoài khơi trở về. Một ngày mới bắt đầu vô cùng nhộn nhịp, trên bến, dưới thuyền tấp nập tàu, thuyền vào ra. Ngư dân phấn khởi chuyển cá lên bờ, rất đông các tiểu thương tất bật người mua, người bán, phân loại, xếp cá đi tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Thắm (thôn Hùng Cường, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân) vừa trở về từ chuyến đi biển hai ngày qua, thu về 7 tạ hải sản các loại. Vừa cân cá cho tiểu thương, ông Thắm nói: “Gia đình tôi nhận được 94 triệu đồng tiền bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển. Với số tiền này, gia đình tôi dùng để mua xăng dầu cho các chuyến đi biển đánh cá. Sắp tới, gia đình sẽ đầu tư mở rộng quy mô lưới, cải hoán thuyền lên công suất lớn hơn để tăng năng suất đánh bắt hải sản. Mọi khó khăn đang dần qua đi, công tác bồi thường thỏa đáng đã khiến chúng tôi vững tâm tiếp tục bám nghề, bám biển".
Quảng Bình cũng là địa phương thiệt hại nặng sau sự cố môi trường biển. Theo số liệu báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, tính đến cuối tháng 6-2017, toàn tỉnh có 62/65 xã được UBND các huyện, thành phố, thị xã phê duyệt bồi thường thiệt hại với tổng số tiền 2.236 tỷ đồng, tổng kinh phí đã giải ngân 2.145 tỷ đồng (đạt 91,6%).
Tại cơ sở sửa chữa tàu thuyền Ngọc Lý (xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), các dịch vụ đóng mới, cải hoán tàu thuyền đang hoạt động hết công suất. Anh Nguyễn Ngọc Lý, chủ cơ sở sửa chữa tàu thuyền cho biết: “Sau một thời gian các hoạt động kinh doanh, dịch vụ của công ty chững lại vì sự cố môi trường biển, từ cuối năm 2016, ngay sau khi tình hình môi trường biển ổn định, công ty đã nhận đơn hàng đóng mới thêm 4 chiếc tàu công suất từ 1000-1200 CV; cải hoán máy, sửa chữa gần 100 chiếc tàu, thuyền trên địa bàn. Đáng nói, các công nhân mỗi người được hỗ trợ 17 triệu đồng/người, động viên họ yên tâm tiếp tục gắn bó với nghề, giúp công ty phát triển ổn định”.
Đề cao trách nhiệm
Để làm tốt công tác chi trả bồi thường thiệt hại môi trường biển, tại các địa phương miền Trung đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc rà soát, thẩm định. Các ngành, các địa phương thường xuyên theo dõi, bám sát cơ sở, tổng hợp các kiến nghị, phản ánh của nhân dân trong việc chi trả bồi thường để báo cáo ngay lên cấp trên xem xét, có hướng giải quyết kịp thời, tránh để xảy ra tình trạng tập trung đông người tại các trụ sở chính quyền. Các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giải thích rõ cho người dân biết được quy trình, thủ tục của các đợt thực hiện chi trả bồi thường sự cố môi trường biển.
Hải Khê là xã biển bãi ngang thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nghề biển. Ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, được sự hỗ trợ tích cực bằng nhiều hình thức của Nhà nước, các ban ngành cấp trên, xã Hải Khê đã từng bước thực hiện chuyển đổi sinh kế, ngành nghề để giúp người dân vượt qua khó khăn. Đến nay, cuộc sống của người dân xã Hải Khê đã dần ổn định trở lại. Toàn xã có 327 chiếc thuyền (trong đó có 263 thuyền gắn máy) với 750 lao động biển; ở thời điểm này hầu hết các thuyền đã đi biển đánh bắt hải sản; ngư dân cũng đã có thu nhập trở lại từ nghề biển.
Tại huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên-Huế) có hơn 6.000 đối tượng được chi trả đền bù sự cố môi trường biển, với tổng số tiền hơn 126 tỷ đồng. Trong đó, riêng xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc có gần 100 ngư dân được đền bù với hơn 5,5 tỷ đồng. Ông Cái Trọng Như, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì, bày tỏ: “Đối với ngư dân có tàu thuyền dưới 90CV, tiền bồi thường được các hộ sử dụng để mua sắm ngư lưới cụ, sửa chữa tàu thuyền; riêng ngư dân có tàu từ 400-800CV sử dụng nguồn tiền này để cải hoán máy móc hoặc vay vốn thêm để đóng mới tàu cá công suất lớn.
Có thể nói, thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã nỗ lực thực hiện công tác chi trả bồi thường thiệt hại môi trường biển đúng đối tượng, khôi phục sản xuất... đến nay đã đạt được những kết quả đáng mừng. Trong quá trình thực hiện còn xuất hiện những vướng mắc, tồn tại nhưng với sự đoàn kết, đồng thuận cao từ nhân dân, sự chia sẻ của nhân dân đối với những khó khăn của chính quyền đã giúp công tác chi trả bồi thường thiệt hại môi trường cơ bản hoàn tất, góp phần đem lại sự ổn định, phục hồi cho biển miền Trung.
Tác giả bài viết: HOA LÊ - THU NGA
Nguồn tin: www.qdnd.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã