Trở lại huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), nơi được xem là thủ phủ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, dường như câu chuyện về giá lợn tại đây vẫn chưa hạ nhiệt, bởi chưa bao giờ người dân phải trải qua đợt khủng hoảng lâu đến thế, có hộ mất cơ nghiệp cũng chỉ vì lợn.
Giá lợn đã phục hồi nhưng bà Cương không còn con nào có thể xuất chuồng được |
Gia đình ông Lê Đình Duẩn, người được xem là “cánh chim đầu đàn” trong lĩnh vực chăn nuôi ở Cẩm Bình. Thế nhưng, sau cơn “bão giá” trang trại lợn của ông đã lâm vào tình cảnh mất nghiệp. Ông ngậm ngùi: “Mấy tháng qua, giá lợn giảm kịch sàn khiến hộ chăn nuôi điêu đứng. Trọng lượng lợn đã tăng hết cỡ mà vẫn không bán được, tiếp tục nuôi thì không có tiền mua cám. Không thể cầm cự được nữa tôi đành năn nỉ người ta mới chịu mua cho với giá rẻ mạt”.
Tuy nhiên, trong vòng 2 tuần lại nay giá lợn bất ngờ tăng trở lại thì đàn lợn trong chuồng nhà ông Duẩn đã không còn một con.
Cũng lâm cảnh như ông Duẩn, thời điểm bình thường trang trại anh Nguyễn Văn Hiệu (xã Cẩm Yên) luôn có 50 con lợn nái và 500 con lợn thịt. Sau đợt khủng hoảng giá vừa rồi, đàn lợn giảm xuống còn 30 nái và 300 lợn thịt. Dù giá lợn hơi đã tăng đột biến nhưng anh Hiệu vẫn đang “găm” lợn chờ đợi mức giá cao hơn. “Mức giá ở thời điểm hiện tại khá ổn rồi, người nuôi bắt đầu có lãi nhưng tôi đang hi vọng một mức giá cao hơn để gỡ gạc chút vốn liếng. Còn chuyện tăng đàn chúng tôi chưa nghĩ tới bởi đợt khủng hoảng vừa rồi là khủng hoảng thừa, nếu tiếp tục tăng đàn thì số lượng dư thừa vẫn còn đó. Người chăn nuôi chắc chắn sẽ gặp khó khăn”, anh Hiệu chia sẻ.
Gia đình bà Trần Thị Cương (xã Cẩm Yên) cũng lâm cảnh khốn khó khi phải “bán tống bán tháo” đàn lợn gần 100 con. Mấy ngày nay khi lợn tăng giá trở lại, trại chăn nuôi của bà ngày nào cũng có 5 - 6 thương lái tìm đến hỏi mua lợn mà không còn con nào có thể xuất chuồng được.
“Tôi nuôi lợn gần 20 năm nay, chưa bao giờ chứng kiến đợt giảm giá khủng khiếp như vừa rồi. Nhà có 8 con lợn nái mà phải làm thịt bớt giờ còn có 4 con vì sợ nó đẻ ra lại không nuôi được. Giờ giá cả đã phục hồi lại, thì chẳng còn con nào bán. Mấy con nái còn lại đẻ được lứa nào thì để nuôi lứa đấy, hiện mới đạt bình quân 20 – 30kg/con, còn lâu mới xuất chuồng được”, bà Cương lo lắng.
Nói về tình hình tăng giá đột biến hiện nay, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết: “Từ đầu tháng 7 đến nay giá lợn có xu hướng tăng, nhất là tăng đột biến trong vòng một tuần qua, dao động từ 41.000 đồng - 44.000 đồng/kg. Sở dĩ, giá lợn tăng trở lại là do các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ người nuôi lợn trong thời gian qua, nhất là chủ trương khuyến khích giảm đàn. Đó là tín hiệu đáng mừng vì với mức giá ấy người chăn nuôi đã có lãi và thị trường tiêu thụ không còn khó khăn nữa”.
Nhiều trang trại chưa có ý định chăn nuôi trở lại dù giá lợn đã tăng |
Tuy nhiên, ông Hùng cũng khuyến cáo người dân chưa vội ồ ạt tăng đàn mà cần tiếp tục theo dõi biến động thị trường bởi việc tăng giá đột biến vừa qua có dấu hiệu bất thường.
“Vừa rồi tỉnh và cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp, rà soát lại quy hoạch, kế hoạch chăn nuôi trong thời gian tới nhằm kiểm soát việc tăng đàn đảm bảo phát triển bền vững hơn. Đối với người dân, cần tính đến chuyện liên kết với nhau trong sản xuất, thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã chăn nuôi từ đó ký hợp đồng hợp tác với các doanh nghiệp có năng lực để giảm chi phí đầu vào và kiểm soát được chất lượng đàn lợn tạo sự ổn định trong đầu ra”, ông Hùng cho biết thêm.
Ngoài ra, sau thời gian khủng hoảng, người chăn nuôi thường cắt giảm chi phí sản xuất khiến nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất lớn. Người dân cần chủ động trong việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin, tiêu độc khử trùng chuồng trại, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm… khi quyết định tái đàn trở lại.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã