Người giàu nhiều lựa chọn
Lý giải về việc Trung Quốc chọn gạo Mỹ để nhập khẩu trong khi cung đường vận chuyển quá xa chắc chắn sẽ đẩy giá gạo lên cao, PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) cho biết, khi có tiền, khách hàng muốn mua hàng ở đâu là tùy theo sự chọn lựa của họ.
Tại Trung Quốc hiện nay, giới nhà giàu ngày càng tăng và họ có xu hướng chọn loại gạo chất lượng cao, đặc sắc, an toàn. Họ sẵn sàng chấp nhận chi tiền cao để có được loại gạo như mong muốn. Do đó, những người này có nhiều chọn lựa, có thể ăn gạo nhập khẩu từ Mỹ hay bất cứ nơi nào trên thế giới mà họ muốn.
Mặt khác, theo PGS.TS Dương Văn Chín, đây cũng là do sự trao đổi về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc mở cửa cho Mỹ bán mặt hàng này thì đổi lại, Mỹ cũng mở cửa cho Trung Quốc bán mặt hàng khác trên đất nước họ.
Gạo Mỹ sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc lần đầu tiên. |
"Chẳng hạn, hơn 10 năm qua Trung Quốc cấm nhập khẩu thịt bò Mỹ nhưng tháng 6 vừa qua, Trung Quốc đã mở cửa trở lại đối với mặt hàng này. Đổi lại, Mỹ sẽ nhượng bộ lại bằng cách thị trường nước này sẽ mở cửa cho mặt hàng nào đó của Trung Quốc vào.
Đó là sự trao đổi thương mại và Trung Quốc sẽ chọn lựa mặt hàng nào để nhập khẩu. Có thể là thịt bò, gạo giá cao mà người Trung Quốc thích ăn...
Như vậy, có thể thấy Trung Quốc có nhiều lựa chọn và không phụ thuộc vào bất cứ thị trường nào. Không nhất thiết họ phải mua gạo Việt Nam vì Việt Nam gần Trung Quốc, chi phí vận chuyển rẻ, có tất cả các loại gạo...", PGS.TS Dương Văn Chín nhấn mạnh.
Về phía Mỹ, vị chuyên gia nông nghiệp cũng chỉ rõ, dù dân Mỹ không ăn gạo nhiều nhưng họ có vùng trồng lúa ở California rất hiện đại. Nông dân Mỹ dùng máy bay để sạ và bón phân, có khối lượng hàng hóa xuất khẩu rất lớn. Dù không nằm trong top 5 nhưng Mỹ cũng là nước xuất khẩu gạo mạnh trên thế giới.
Thay đổi hay bị đào thải?
PGS.TS Dương Văn Chín lưu ý, lượng gạo mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ không lớn và chủ yếu nước này vẫn nhập khẩu gạo từ các nước châu Á.
Bởi thế, ông khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có khả năng thỏa mãn những loại gạo chất lượng cao, an toàn cho người Trung Quốc.
"Có nhiều công ty Trung Quốc đến Tập đoàn Lộc Trời để mua gạo. Tôi hỏi tại sao họ thích gạo Việt Nam, họ nói nhiều dòng sông ở Trung Quốc bị ô nhiễm do chất thải từ các nhà máy xả ra khiến nhiều vùng trồng lúa bị nhiễm kim loại nặng.
Trong khi đó, các vùng dọc sông Mekong thuộc Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam chưa phát triển công nghiệp nên nước sông rất sạch và họ rất thích gạo trồng ở vùng ĐBSCL.
Bằng chứng là khi chúng tôi mang gạo Hạt Ngọc Trời Thiên Long thuộc top 3 gạo ngon thế giới, Hạt Ngọc Trời Tiên Nữ sang Trung Quốc, người dân rất thích ăn.
Ngay cả giống Lộc Trời 25, dù chưa bán giống nhưng khi đưa gạo sang, người Trung Quốc cũng rất thích.
Đó là yếu tố mà tôi nghĩ gạo Việt Nam có thể tận dụng để vào thị trường Trung Quốc. Vấn đề là phải tìm hiểu nhu cầu của từng dân tộc, từng vùng miền của Trung Quốc, xem họ cần loại nào thì tổ chức sản xuất thỏa mãn nhu cầu của họ", PGS Chín phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia, hiện Tập đoàn Lộc Trời có lợi hơn doanh nghiệp khác là đã hợp tác với công ty TNHH Phát triển khoa học Viên Thị Hồ Nam để thành lập hai liên doanh - công ty liên doanh trong lĩnh vực giống cây trồng nhằm phát triển công nghệ tạo giống lúa lai siêu năng suất và đưa giống lúa này sang Việt Nam với giá thành hợp lý; liên doanh kinh doanh gạo và các thực phẩm khác chuyên nhập khẩu gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt là các loại gạo an toàn của Tập đoàn.
Đây là những yếu tố mà ông tin rằng sẽ giúp cho gạo Việt Nam sang Trung Quốc theo đường chính ngạch ngày càng tăng lên.
Từ sự lạc quan và tự tin nói trên, nhìn lại chiến lược mua rẻ bán rẻ của gạo Việt bấy lâu nay, PGS.TS Dương Văn Chín nhấn mạnh, nếu Việt Nam không thay đổi chiến lược xuất khẩu gạo thì không thể cạnh tranh được với gạo của các quốc gia khác.
"Trước nay khi xuất khẩu gạo, Việt Nam ít chú trọng đến chất lượng gạo mà thường trộn gạo của nhiều giống lúa khác nhau rồi đấu thầu quốc tế và chỉ nhấn mạnh khía cạnh giá.
Thế nhưng nếu cứ trộn lẫn gạo rồi không ai chịu trách nhiệm, không truy xuất được nguồn gốc, không an toàn thì sẽ bị đào thải bởi xã hội ngày càng phát triển, người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn, họ sẽ chọn loại gạo đắt hơn, an toàn hơn.
Trong tương lai, Việt Nam phải có những loại gạo chất lượng cao, an toàn, không để dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép và phải thỏa mãn thị hiếu của người dân thì mới bán được nhiều hàng.
Từng doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu uy tín cho mình. Và khi nhiều doanh nghiệp có được thương hiệu uy tín, cùng bán theo đường chính ngạch với khối lượng ngày càng lớn thì sẽ đóng góp hình thành thương hiệu gạo Việt Nam.
Vấn đề là doanh nghiệp Việt phải tìm hiểu cho được thói quen, nhu cầu ăn gạo của từng dân tộc, từng địa phương, nơi nào thích ăn loại gạo gì thì tìm loại tương ứng và tổ chức sản xuất theo một quy trình hoàn chỉnh để đảm bảo an toàn, đặc biệt phải có khối lượng lớn và đảm bảo liên tục cho họ. Có như vậy Việt Nam mới cạnh tranh được với quốc gia khác", PGS.TS Dương Văn Chín chỉ rõ.
Theo Thành Luân/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã