Không lo “kẻ thừa, người thiếu”
Ông Nguyễn Quốc Toản – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Phú Lộc giải thích: “Đăng ký sản xuất rau củ để không xảy ra tình trạng có loại thì trồng ra bán không hết, nhưng có loại thị trường cần thì lại không có để cung cấp”.
Chị Phạm Thị Huyền sản xuất rau cải xanh và cải ngọt để cung cấp cho HTX Phú Lộc. Ảnh: Thuận Hải
Theo ông Toản, với thành viên chính thức và thành viên liên kết 176 hộ, sản xuất các loại rau củ, quả trên diện tích 68ha, cung cấp sản lượng từ 10 – 12 tấn rau các loại, việc lên lịch và điều phối sản xuất giữa các thành viên của HTX là rất cần thiết.
Mỗi khi vào vụ rau, ông Toản đều rà soát lại các hợp đồng tiêu thụ sẵn có, chia ra nhu cầu theo từng loại như rau muống, rau cải, rau dền hay khổ qua... Từ đó, hộ xã viên nào muốn sản xuất loại rau nào phải đăng ký với Ban Giám đốc HTX, để đảm bảo không xảy ra tình trạng loại thừa loại thiếu.
Từ tháng 6 – 8 hằng năm là thời điểm các trường học bắt đầu chuẩn bị cho năm học mới, cùng với sự hỗ trợ của UBND TP.HCM, HTX Phú Lộc đến giới thiệu sản phẩm, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng của mình… để tìm thêm hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Ngoài trường học, các khu công nghiệp, các cơ sở chế biến thức ăn công nghiệp… cũng là “mục tiêu” của HTX. |
“Ví dụ đợt này HTX cần 1 tấn rau cải xanh, hộ nào đến đăng ký trước thì Ban giám đốc chấm vào sổ, khi nào đủ số lượng thì chốt, hộ nào đến sau phải chọn sản phẩm khác để trồng. Nếu anh vẫn… lì, vẫn sản xuất theo ý muốn cá nhân thì HTX không chịu trách nhiệm về đầu ra, chỉ mua theo giá thị trường” - ông Toản cho biết.
“Việc này vừa điều phối được lịch sản xuất của các hộ xã viên vừa giúp đa dạng sản phẩm trong HTX, không xảy ra tình trạng được mùa mất giá, cung vượt cầu. Đặc biệt, sản xuất trong HTX đều phải theo các đơn hợp đồng bao tiêu với các siêu thị, cửa hàng mà HTX đã ký” - ông Toản cho biết thêm.
Đối với các xã viên, Ban giám đốc HTX Phú Lộc cũng đã nghiên cứu thị trường, có chính sách hỗ trợ cho xã viên trong những trường hợp mùa màng thất bát hoặc thị trường đình trệ. HTX có giá cam kết bao tiêu, thu mua với giá ổn định nếu xã viên sản xuất theo lịch điều phối của HTX.
Thông thường mùa hè trồng rau dễ, sản lượng lớn nên giá thường thấp. Ngược lại, mùa đông mưa nhiều, sâu bệnh phát triển rất nhanh nên rau lụi hết, rất khó chăm sóc thì giá bán lại cao. “Sản xuất theo lịch HTX thì mùa mưa cũng như mùa nắng, không lo giá cả bấp bênh, cũng không sợ nhiều hộ cùng trồng một loại rau rồi tiêu thụ không hết” - chị Phạm Thị Huyền, thành viên HTX Phú Lộc chia sẻ.
Có nhân sự, ngán gì “nhật ký”!
10 giờ sáng, chị Thạo (25 tuổi, cán bộ HTX Phú Lộc) đến thăm hỏi tình hình sản xuất của gia đình anh Lê Xuân Vị (ở ấp 3, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP.HCM). Chị Thạo là người hướng dẫn, hỗ trợ anh Vị trong việc ghi chép nhật ký đồng ruộng, cũng là người thay anh Vị cập nhật các thông tin, số liệu từ sổ nhật ký đồng ruộng vào phần mềm vi tính để quản lý.
Chị Phạm Thị Huyền thu hoạch rau cải xanh để cung cấp cho HTX Phú Lộc. Ảnh: Thuận Hải
Trước đó, tháng 5.2016, cùng với HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Phước An (huyện Bình Chánh, TP.HCM), HTX Phú Lộc tham gia chương trình thí điểm dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau củ quả. Cùng với sự hỗ trợ của Sở NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông cùng các cán bộ kỹ thuật, chương trình nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong việc sản xuất, kinh doanh, sơ chế, phân phối sản phẩm rau củ quả kiểm soát được quá trình sản xuất, đồng thời tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Nghe thì đơn giản nhưng khi đi vào thực hiện mới “nhiều vấn đề”, mà vấn đề lớn nhất đối với nông dân là việc sử dụng các phần mềm và thiết bị công nghệ thông tin. Trước đây, sản xuất theo VietGAP, việc ghi sổ nhật ký đồng ruộng đã khó khăn, nay nhật ký đồng ruộng phải được cập nhật lên mạng, càng khó hơn cho nông dân.
Sau một thời gian loay hoay xử lý, cuối cùng, HTX Phú Lộc quyết định thuê thêm một số nhân sự trẻ để vừa hỗ trợ kỹ thuật sản xuất vừa phụ giúp phần cập nhật các thông tin về sản phẩm vào phần mềm để truy xuất nguồn gốc. Từ đó, việc này “chạy ngon ơ”, không còn rắc rối như trước nữa.
Hay như chuyện nâng cao kỹ thuật sản xuất của xã viên và các hộ thành viên HTX, Ban giám đốc “lân la” dò hỏi, rồi cho xã viên đăng ký nhu cầu các vấn đề cần học tập. Sau đó, Ban giám đốc sẽ liên hệ với Sở NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM hoặc Trạm Bảo vệ thực vật huyện… để mở các lớp huấn luyện. Thông thường, mỗi lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất rau củ quả kéo dài 4 – 5 ngày, các lớp về IBM, quản lý dịch hại có khi kéo dài 6 – 8 tuần.
“Phải có cán bộ kỹ thuật thường xuyên chỉ dẫn, dạy bảo thêm những tiến bộ kỹ thuật mới thì mình mới không bị tụt hậu, sản xuất mới đi lên được” - ông Toản nhận định.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã