Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) là loại quả có giá trị kinh tế cao và tiềm năng xuất khẩu. Tuy nhiên, do thời vụ vải quá ngắn và quả vải có nhiều nước cho nên khả năng bảo quản trong quá trình vận chuyển rất khó khăn, việc xuất khẩu đi các thị trường xa không đáng kể, thường qua đường hàng không với chi phí khá cao. Sau khi thu hoạch, quả vải từ mầu đỏ hồng nhanh chóng chuyển sang mầu nâu, làm giảm giá trị thương phẩm. Theo Tiến sĩ Phạm Thu Hà (Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), nguyên nhân dẫn đến việc vỏ quả vải chuyển mầu là do dưới tác dụng của enzyme polyphenol oxidase (PPO), các chất mầu anthocyanin trong vỏ quả bị phân hủy tạo thành các sản phẩm phụ có mầu nâu. Ðể góp phần giảm tổn thất trong quá trình bảo quản sau thu hoạch, Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã phối hợp UBND tỉnh Bắc Giang thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản và nâng cao chất lượng quả vải Lục Ngạn bằng màng bao gói khí quyển biến đổi”. Theo Tiến sĩ Thu Hà, trong quá trình nghiên cứu, nhóm đề tài đã lựa chọn được thời điểm thu hái quả vải, xử lý trong dung dịch a-xít hữu cơ có pH = 3 để ức chế hoạt động của enzyme PPO nhằm ổn định mầu vỏ quả, xác định được loại bao gói MAP phù hợp điều kiện nhiệt độ, độ ẩm tối ưu, nhờ đó có thể bảo quản vải thiều Lục Ngạn trong thời gian tối đa 35 ngày. Từ các kết quả trong phòng thí nghiệm, nhóm đề tài đã xây dựng được các mô hình bảo quản quy mô 200 kg, 400 kg và 5 tấn nguyên liệu. Sau 35 ngày bảo quản ở 40C, quả vải vẫn bảo đảm giá trị thương phẩm với mức tổn thất dưới 10%. Trong công nghệ chế tạo MAP, loại nhựa sử dụng làm màng là nhựa nguyên sinh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Màng MAP đã được phân tích các chỉ số như độ thôi nhiễm và được Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép được sử dụng cho màng bảo quản. Màng có hàm lượng hóa chất tiền xử lý có nồng độ thấp hơn nồng độ cho phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc kéo dài thời gian bảo quản, tồn trữ vải thiều Lục Ngạn lên tới 35 ngày, khả năng giữ độ tươi ngon đến 98% mở ra cơ hội xuất khẩu vải sang các thị trường gần như Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Ô-xtrây-li-a bằng đường biển thay vì đường hàng không với chi phí cao. Ưu điểm của công nghệ MAP là đơn giản, chi phí thấp, chỉ từ 1.500 đến 2.000 đồng/kg quả vải, dễ sử dụng, phù hợp cho mục đích chiếu xạ theo quy định của một số thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Ô-xtrây-li-a. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang Nguyễn Ðức Kiên cho biết, giá thành của phương pháp bảo quản bằng màng MAP của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ bằng 20% so với phương pháp ướp lạnh truyền thống. Do giá thành rẻ, dễ ứng dụng, công nghệ này rất thích hợp để ứng dụng rộng rãi trong quá trình bảo quản nông sản. Các kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ được tỉnh Bắc Giang nhân rộng và cung cấp cho các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu vải thiều, các hộ nông dân trồng vải. Theo Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) Hà Quý Quỳnh, công nghệ MAP còn mới mẻ ở Việt Nam, tuy nhiên trên thế giới, MAP được ứng dụng khá phổ biến. Một số quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản đã phát triển các loại bao bì “thông minh” có chức năng thông tin đến người tiêu dùng tình trạng cũng như chất lượng của thực phẩm. Màng MAP do Viện sản xuất có giá thành chỉ bằng 55% đến 60% so với các sản phẩm cùng loại của Hàn Quốc hay I-xra-en. Công nghệ chế tạo màng MAP được chính các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu cho nên có thể chủ động điều chỉnh sản xuất, không ngừng cải tiến chất lượng, phù hợp nhu cầu sử dụng. Ngoài quả vải thiều, Viện Hóa học đã nghiên cứu bảo quản nhiều loại rau quả bằng bao gói màng MAP như ớt, rau mùi, húng quế, bạc hà, cà chua, hành tây, dưa chuột, đậu cô-ve, xoài, cam, thanh long, bơ, chanh leo… Kết quả cho thấy, bao gói màng MAP có thể kéo dài thời gian bảo quản từ hai đến ba lần so với bảo quản thông thường. Công nghệ bao gói khí quyển biến đổi màng MAP đã cho thấy những tiềm năng to lớn trong lĩnh vực bảo quản thực phẩm nói chung và quả vải Lục Ngạn nói riêng, góp phần phát triển chuỗi giá trị gia tăng cho nông sản, thực phẩm. |
HẠNH NGUYÊN/ Nhân dân |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã