Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu tại hội nghị |
Tuy nhiên, Việt Nam cần phải làm rất nhiều việc để ngành CNSH nông nghiệp tiến kịp khu vực và thế giới.
Ra lò sản phẩm tiêu biểu
Tại Hội nghị Phát triển nghiên cứu ứng dụng CNSH trong nông nghiệp diễn ra vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nền nông nghiệp nước ta phải chuyển hẳn sang nền nông nghiệp SX hàng hóa có sức cạnh tranh quốc tế.
Đó là một mệnh lệnh và ứng dụng CNSH được coi là giải pháp hữu hiệu để làm được điều đó.
Vậy, qua 9 năm triển khai Chương trình nghiên cứu, ứng dụng CNSH trong nông nghiệp, chúng ta đã làm được gì?
Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ NN-PTNT), cho biết: Đối với lĩnh vực nông nghiệp, thông qua Chương trình đã ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử và chọn tạo được các giống lúa mang gen thơm, kháng sâu/bệnh như rầy nâu, đạo ôn, bạc lá, chịu hạn; giống ngô lai đơn chịu hạn; giống cam quýt; giống hoa...
Đồng thời tạo được nhiều chế phẩm sinh học trong BVTV, phân bón, cải tạo đất, xử lý môi trường, thức ăn chăn nuôi, vắc xin... có hiệu quả trong SX.
Đối với chăn nuôi, việc ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử đã xác định được các nguồn di truyền mang gen hữu hiệu phục vụ công tác lai, chọn tạo giống bò, lợn, gà; đã ứng dụng công nghệ sinh sản để nghiên cứu nâng cao hiệu quả sinh sản, sản lượng sữa trên bò, công nghệ bảo quản tinh dịch lợn.
Trong lĩnh vực thủy sản giai đoạn 2007- 2014, các đàn tôm sú, tôm chân trắng chọn giống đã được nuôi đánh giá tăng trưởng ở các vùng địa lý khác nhau cho kết quả tốt...
Việt Nam tự hào là một trong những quốc gia hàng đầu về XK lúa gạo, nhưng PGS. TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp lại buồn vì nước nhà chưa có một thương hiệu gạo nào nổi tiếng trên thế giới. Nguyên nhân bởi đối tượng nghiên cứu của chúng ta quá dàn trải và chạy đua về số lượng, trong khi những giống có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với những điều kiện bất lợi lại không được tập trung nghiên cứu. |
Năm 2015, sau 10 năm phát triển hành lang pháp lý cho việc ứng dụng CNSH trong nông nghiệp, việc đưa một số giống cây trồng biến đổi gen (ngô) vào SX được coi là giải pháp quan trọng và có ý nghĩa giúp nông dân Việt Nam tiếp cận gần hơn với các giải pháp công nghệ và canh tác tiên tiến nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, sản phẩm ứng dụng thực tiễn của Chương trình chưa nhiều và chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn.
Đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp
GS. TS Bùi Chí Bửu chia sẻ: Tiền đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp của nước ta ít quá, thua Philippines 7 lần, thua Thái Lan 10 lần. Với nguồn tiền eo hẹp như vậy, chúng ta chỉ có thể đi sâu nghiên cứu trọng điểm thì mới tạo ra được những sản phẩm tốt.
Nối mạch ý kiến trên, PGS. TS Nông Văn Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hệ gen (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) lấy ví dụ: Trên thế giới, để tạo ra được một giống cây biến đổi gen, chi phí đầu tư nghiên cứu có thể lên tới 50-100 triệu USD, nhưng một đề tài nghiên cứu tạo giống ngô chuyển gen của ta chỉ được hỗ trợ 3-5 tỷ đồng thì chẳng khác nào muối bỏ bể.
Trả lời những câu hỏi của Bộ trưởng Cao Đức Phát, rằng liệu chúng ta có thể đi tắt đón đầu về CNSH, như lĩnh vực công nghệ thông tin được không? Và nếu câu trả lời là có thì chúng ta phải làm như thế nào?, GS. TS Bùi Chí Bửu, thẳng thắn: "Chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Nguồn lực để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ đó là đội ngũ trí thức mà Bộ NN-PTNT đã cử đi đào tạo ở nước ngoài (tổng số 250 người) về lĩnh vực CNSH.
Tôi tiếp xúc với những người này và thấy họ rất giỏi. Vấn đề là phải làm sao để họ có môi trường làm việc tốt, được trang bị những trang thiết bị hiện đại để tạo ra sản phẩm tốt".
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định, sau gần 10 năm thực hiện Chương trình CNSN trong nông nghiệp với 214 đề tài, chúng ta đã đạt được những kết quả cụ thể, đặc biệt là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực.
Với việc cử 250 cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài, sự hiểu biết của chúng ta về CNSH đã được nâng lên nhiều. Chúng ta cũng đã xây dựng và nâng cấp được 13 phòng thí nghiệm với các thiết bị máy móc hiện đại, qua đó tăng cường năng lực nắm bắt và bước đầu ứng dụng CNSH vào lĩnh vực chọn tạo giống, SX chế phẩm sinh học, vắc xin…
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhận định, những kết quả chúng ta đạt được trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng CNSH trong nông nghiệp của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế.
So với mặt bằng chung của các nước trong khối Asean, chúng ta chỉ được xếp loại ở mức trung bình thấp. Trong thời gian tới, cần tạo ra cơ chế, chính sách hợp lý để thu hút sự quan tâm và đầu tư của toàn xã hội, đặc biệt là các DN vào lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng CNSH trong SXNN.