Đó là những chia sẻ của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám với phóng viên Dân Việt khi đang cùng đoàn công tác của Bộ NNPTNT đi kiểm tra tình hình thực tế, tìm giải pháp “giải cứu” ngành chăn nuôi lợn tại tỉnh Đồng Nai và TP.HCM trong ngày 28.4.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám chia sẻ với bạn đọc Dân Việt. Ảnh: Thuận Hải
Thưa Thứ trưởng, sau chuyến công tác về địa phương, ông đánh giá như thế nào về tình hình chăn nuôi tại vùng Đồng Nai và TP.HCM hiện nay?
- Ngày hôm qua, sau khi về thăm một số hộ chăn nuôi lợn tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai khó khăn của người chăn nuôi hiện nay là rất lớn. Trong tình cảnh này, Bộ NNPTNT đánh giá cao việc nhiều hộ chăn nuôi đã sáng tạo, phối trộn thức ăn để giảm chi phí, nhiều hộ nhanh chóng giảm đàn nái từ 20 – 30%, thậm chí một số hộ giảm đến 40% số đàn heo nái, đồng thời, tìm mọi cách để giảm giá thành chăn nuôi.
Về việc giải cứu sản phẩm chăn nuôi, Đồng Nai đã có kinh nghiệm trong việc giải cứu nông sản và đã đưa ra nhiều giải pháp đáng ghi nhận. Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai giao các xã viên thu mua đàn heo quá lứa với giá cao, sau đó giết mổ và bán trực tiếp cho công nhân tại các khu công nghiệp. Sở Công thương Đồng Nai sáng nay đã đi khảo sát địa điểm để sớm triển khai chương trình này. UBND Đồng Nai cũng hỗ trợ thuốc thú y để tiêm phòng miễn phí cho các hộ chăn nuôi trong vùng.
Một trong các giải pháp được các chuyên gia đưa ra là giết mổ cấp đông sản phẩm. Tuy nhiên, theo đánh giá, hệ thống giết mổ, cấp đông của mình chưa đáp ứng được yêu cầu hiện tại. Thứ trưởng có ý kiến gì về nhận xét này?
- Thực tế là ngành chăn nuôi của chúng ta chưa chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho tình huống cấp bách như hiện nay. Do đó, nếu muốn mở rộng cơ sở vật chất, giết mổ cấp đông thì cần phải có thời gian. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có giải pháp là thuê các kho cấp đông từ bên ngoài, liên kết với doanh nghiệp có kho cấp đông ở các lĩnh vực khác như thủy sản… Sáng nay, tôi cũng đã đề xuất giải pháp này với một số doanh nghiệp.
Người chăn nuôi đang rất khó khăn.
Một giải pháp nữa cho việc tiêu thụ sản phẩm lợn trong nước là đẩy mạnh xuất khẩu. Thứ trưởng đánh giá thế nào về chất lượng sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam hiện tại, liệu chúng ta đã đáp ứng được các yêu cầu của thị trường xuất khẩu hay chưa?
- Đối với thịt heo nói riêng và nông sản nói chung, xuất khẩu là giải pháp lâu dài và là xu hướng tất yếu phải hướng tới. Hôm qua chúng tôi đã làm việc với Công ty KoYu& Unitek tại Đồng Nai về việc khẩn trương hoàn thiện các điều kiện để xuất khẩu thịt gà sang Nhật. Vừa rồi, đoàn giám sát của Nhật đã sang kiểm ra nhà máy và vùng nuôi. Cuối tháng 5 tới sẽ có thêm một đoàn kiểm tra của Nhật sang làm việc. Nếu không có gì thay đổi, đây sẽ là doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu thịt gà Việt Nam sang Nhật.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang đàm phán xúc tiến đàm phán với Trung Quốc để xuất khẩu heo thịt cũng như sản phẩm chăn nuôi vào thị trường này theo đường chính ngạch. Ngoài Trung Quốc còn các đối tác khác trong khối ASEAN và một số đối tác tiềm năng.
Về chất lượng, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, tuy nhiên, để xuất khẩu được, ngoài an toàn thực phẩm phải đảm bảo an toàn kiểm dịch, phải có vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đạt chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE). Hiện tại, Bộ NNPTNT giao Cục Thú y phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp để xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh.
Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT cũng sẽ mời các doanh nghiệp có nhu cầu và tiềm năng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.
Xin cám ơn Thứ trưởng!
Thông qua kết nối trực tuyến của Báo Dân Việt với Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám, một bạn đọc hỏi: Bộ NNPTNT có khuyến cáo nông dân giảm đàn nái, tuy nhiên, để gây dựng một đàn nái mất rất nhiều thời gian, công sức. Do đó, khi 1-2 tháng tới, lượng lợn dư thừa hiện nay đã tiêu thụ hết, thị trường cần thêm sản phẩm thì muốn tăng cường đàn nái, lúc đó lại không thể đáp ứng được. Thứ trưởng nghĩ sao về vấn đề này? Thứ trưởng Vũ Văn Tám trả lời: Bộ NNPTNT có khuyến cáo người nuôi giảm đàn nái nhưng không có nghĩa là giảm vô thức, mà là giảm những con nái chất lượng kém, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Hiện cả nước có 4,2 triệu lợn nái, trong khi đó chỉ cần khoảng 3 triệu lợn nái là đã đáp ứng đủ nhu cầu về con giống, với điều kiện 3 triệu lợn nái này phải đảm bảo năng suất, chất lượng cao và các yêu cầu về kỹ thuật khác. Do đó, Bộ NNPTNT chủ trương sẽ chỉ duy trì đàn nái ở mức 3 triệu con, đồng thời áp dụng các giải pháp nâng chất lượng đàn lợn nái. |
Bạn đọc Lê Văn Tăng ở huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu đặt câu hỏi: Ở một số nơi vẫn xuất hiện tình trạng bơm nước vào heo để tăng trọng lượng, Bộ NNPTNT có giải pháp nào ngăn chặn tình trạng này? Ngoài ra, có thể giảm giá thành thức ăn chăn nuôi để giúp người nông dân bớt khó khăn không? Thứ trưởng Vũ Văn Tám trả lời: Việc bơm nước vào heo và gia súc nói chung để kiếm lợi bất chính là hành vi nhà nước nghiêm cấm. Bộ NNPTNT đã có chế tài đầy đủ, các địa phương cũng đã tăng cường thanh kiểm tra. Bộ chỉ đạo địa phương không thanh tra theo kế hoạch mà thanh tra đột xuất, phối hợp với C49, A86 để thanh tra đột xuất, khi bắt được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để tránh tình trạng “xin xỏ” và xử lý nghiêm. Về việc giảm giá vật tư đầu vào, đây là giải pháp cấp bách mà Bộ NNPTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ. Bộ cũng đã có cuộc họp khẩn cấp với khoảng 30 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, đề nghị các doanh nghiệp chia sẻ với người nuôi và giảm giá thức ăn chăn nuôi. Ngay lập tức, 5 tập đoàn lớn đã đồng ý giảm giá thức ăn chăn nuôi từ 200 – 300 đồng/kg. |
Tác giả bài viết: Thuận Hải
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã