Chỉ 8% DN đầu tư vào nông nghiệp
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cả nước có khoảng hơn 49.600 DN đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số DN đang hoạt động trên cả nước. Tuy nhiên, số DN trực tiếp sản xuất các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm khoảng 1% tổng số DN, tương đương 7.600 DN; còn lại là các DN trong chuỗi các ngành liên quan đến nông nghiệp như chế biến hàng; cung cấp nguyên liệu đầu vào, doanh nghiệp dịch vụ thương mại...
Nêu ra nguyên nhân của thực trạng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, DN còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất, khó tiếp cận tín dụng, thị trường tiêu thụ không bền vững, lĩnh vực nông nghiệp đối diện nhiều rủi ro...
Chia sẻ với PV về những tâm tư bản thân khi có ý định đổ vốn vào sản xuất nông nghiệp, nhiều doanh nhân cho biết, họ rất ngại khi nhìn thấy ở phía trước hàng “mớ” thủ tục, thời gian để thực hiện mục tiêu của mình. Cụ thể, một DN chăn nuôi cho hay, từ khâu xin giấy phép xây dựng trang trại cho đến lúc được chấp thuận phải mất đến hàng tháng trời. Sau khi có được giấy phép xây dựng, lại mất thêm thời gian chờ làm thủ tục về đất đai, chi phí đi lại, mất rất nhiều thời gian, tiền bạc.
“Mặc dù là dự án được ưu tiên thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng trong suốt thời gian thực hiện xây dựng dự án, chúng tôi chưa được hưởng ưu đãi cụ thể nào” – Doanh nhân này chia sẻ.
Bà Nguyễn Thu Hương, một doanh nhân có ý định khởi nghiệp trong ngành trồng rau củ quả, cũng gặp những khó khăn tương tự khi tiếp cận các thủ tục về vốn và đất đai. Theo chia sẻ của bà Hương, nhiều người nói chị quyết định đầu tư vào nông nghiệp là sẽ đối diện nhiều rủi ro, khi mà năng suất phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu, đất đai. “Khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này, chúng tôi phải tự nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Trong các khâu sản xuất, tiêu thụ, DN đều phải tự liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm, hầu như các chính sách hỗ trợ cho DN đầu tư vào nông nghiệp chưa nhiều” – bà Hương cho hay.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, ngành nông nghiệp muốn bứt phá, muốn trở thành trụ đỡ vững chắc, không thể tách rời DN. Do đó, phải thu hút bằng được DN vào đầu tư. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra trên thực tế cho thấy, dù Chính phủ đã và đang đưa ra nhiều chính sách nhằm khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nhưng vẫn còn đó những rào cản khiến DN e ngại.
Những điểm nghẽn đang tồn tại
Để thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã hơn một lần nêu lên quan điểm rằng, cần cắt giảm 40- 50% thủ tục hành chính hiện hành, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp một cách nghiêm túc và thực chất. Đồng thời rà soát, tránh chồng chéo trong quản lý, kiểm tra, không để tình trạng một mặt hàng phải chịu sự quản lý của quá nhiều đơn vị…
Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM, thu hút DN vào ngành nông nghiệp đã khó, giữ chân DN còn khó hơn. Và để giữ được DN cũng như khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực này, trước hết phải tập trung cải cách hành chính. “Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước phải xác định đồng hành với DN, để khó ở đâu cùng gỡ ở đó, nhất là vấn đề thị trường” – TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Nêu lên thực tế của ngành nông nghiệp thời gian qua, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, với hàng loạt những yếu tố không thuận lợi như khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, dịch vụ…như hiện nay, rõ ràng đầu tư vào nông nghiệp lợi nhuận thấp, rủi ro cao, đó là lý do để các DN không muốn đầu tư vào nông nghiệp.
Ông Sơn dẫn chứng: “Chúng ta thử hình dung những DN chế biến, sản xuất nông sản làm sao họ có thể có lợi nhuận cao khi tình trạng cắt điện vẫn thường xuyên diễn ra ở nông thôn Việt Nam, hay một DN mua nông sản bán vật tư nếu cứ gặp khó khăn về giao thông như chúng ta đang chứng kiến cảnh đường sá tắc nghẽn, lầy lội… thì họ chỉ có thua lỗ. Chúng ta đầu tư rất nhiều sân bay nhưng đường bộ lại rất kém, đặc biệt ở những vùng nông sản chiến lược như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, không hề có đường sắt, đường cao tốc cũng không... những cản trở đó quá lớn khiến DN không thể tự vượt qua được để đầu tư vào nông nghiệp” – ông Sơn phân tích và cho rằng, câu chuyện về cơ sở hạ tầng nếu chưa được giải tỏa sẽ khó có thể thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp.
Theo Minh Phương/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã