Thống kê từ các địa phương, khu vực Ðông Nam Bộ có 117.000 ha, Tây Nguyên 78.000 ha, đồng bằng sông Cửu Long 46.000 ha, Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ 24.000 ha cây trồng cạn thực hiện tưới tiết kiệm. Trong các loại hình công nghệ tưới, diện tích được tưới phun mưa chiếm 79%; tưới nhỏ giọt chiếm 12%; nhà lưới, nhà kính chiếm 9%... Việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp tăng năng suất cây trồng từ 10 đến 50%, tùy theo loại cây trồng. Ðồng thời, giảm đáng kể chi phí công lao động để tưới và chăm sóc, tăng thu nhập của hộ gia đình từ 20 đến 50% và tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20% đến 40%; giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng như lượng phân bón từ 5% đến 30% trong quá trình canh tác. Ðiển hình như dự án ứng dụng hệ thống tưới nước theo công nghệ tiên tiến cho các vùng sản xuất chuyên rau màu tại huyện Thanh Miện (Hải Dương) với quy mô 170 ha ở các xã Lam Sơn, Phạm Kha và thị trấn Thanh Miện. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện Phạm Thị Nhung cho biết, qua một thời gian triển khai thực hiện, dự án đã khẳng định nhiều ưu điểm vượt trội so với sản xuất rau màu ứng dụng phương pháp tưới truyền thống như chi phí lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến chỉ bằng 22% đến 24,5% chi phí xây dựng kênh mương, thời gian sử dụng bền hơn từ hai đến ba lần. Sản xuất rau màu giảm gần 90% công tưới dưỡng và 40% công bảo vệ chăm sóc của nông dân. Trong khi đó, năng suất, thu nhập các loại cây trồng trong vùng dự án tăng so với tưới truyền thống từ 11% đến 23%. Hơn nữa các hộ dân chủ động được lượng nước và thời gian tưới, tiết kiệm 55,6% nước tưới, kiểm soát được mức nước đáp ứng yêu cầu cho từng giai đoạn sinh trưởng của từng loại cây trồng. Từ đó hình thành vùng sản xuất tập trung bước đầu gắn với tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một héc-ta đất nông nghiệp. Qua đánh giá sản xuất trong vùng dự án đạt giá trị từ 500 đến 600 triệu/ha/năm. Mặc dù tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước đã và đang mang lại hiệu quả bước đầu, nhưng diện tích này chỉ mới chiếm 5% diện tích canh tác cây trồng cạn của cả nước. Vì vậy, trong giai đoạn 2018-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2020 có 500.000 ha cây trồng cạn chủ lực được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Phấn đấu hầu hết cây trồng chủ lực như: cà-phê, chè, hồ tiêu, điều, cao-su, mía, cây ăn quả, xoài, thanh long, bưởi…có quy trình công nghệ tưới tiết kiệm. Ðể hỗ trợ các địa phương sử dụng nguồn nước tưới tiêu hợp lý, phát triển phương pháp tưới tiết kiệm, ngày 16-5-2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2018/NÐ-CP quy định hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Theo đó sẽ hỗ trợ tối đa 50% chi phí vật liệu, máy thi công và thiết bị để đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn, mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/ha… Ðây là điều kiện thuận lợi để các địa phương triển khai phát triển các khu, vùng sản xuất cây trồng cạn tập trung ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp sử dụng hiệu quả tiết kiệm nguồn nước tưới. |
Bài và ảnh: NGUYÊN PHÚC/http://nhandan.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã