Sau hơn 2 tháng chờ đợi, cuối cùng cũng đến ngày anh Nguyễn Hoàng Tiến ở thị trấn Cù Lao Dung thu hoạch vụ đầu tiên cây đậu nành rau. Anh Tiến hào hứng: “Với 2.500m2 trồng đậu nành rau, vụ này tôi thu được được 2,2 tấn và được Công ty Cổ phần Thái Nông Việt (An Giang) bao tiêu với giá 8.000 đồng/kg, trừ chi phí, tôi còn lãi được khoảng 4 triệu đồng. So với cây mía, 1 công chi phí đầu tư ít nhất khoảng 6 triệu, nếu được mùa, được giá thì lãi khoảng 2 triệu. Còn đậu nành rau, 1 công tốn khoảng 5,5 triệu chi phí, nhưng chỉ sau hơn 2 tháng là đã thu hoạch, giá cả cũng ổn định hơn”.
Đậu nành rau là hướng canh tác mới của anh Nguyễn Hoàng Tiến, ở thị trấn Cù Lao Dung và nhiều hộ khác trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Qua tìm hiểu được biết, đậu nành rau là loại cây trồng mới được anh Tiến và nhiều nông dân khác thay thế cho cây mía kém hiệu quả, nên sự thành công của mô hình sẽ mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của nhiều nhà nông. Chính vì thế, khi được Nhà nước hỗ trợ, ở vụ đầu tiên này, anh Tiến và nhiều hộ khác không phải tốn chi phí mua giống. Theo một số nhà nông, khi chuyển sang trồng đậu nành rau, nông dân phải chịu khó chăm sóc hơn so với khi canh tác mía, do đây là loại cây trồng mới ở địa phương và thời điểm xuống giống lại ở vụ Hè - Thu nên thời tiết khá bất lợi. Tuy nhiên, với việc được liên kết với doanh nghiệp nên các hộ áp dụng mô hình được cán bộ kỹ thuật của công ty hướng dẫn quy trình sản xuất.
Anh Vũ Quốc Dũng - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thái Nông Việt cho biết: “Để đảm bảo chất lượng và năng suất cây trồng, cán bộ kỹ thuật của công ty sẽ trực tiếp tham gia hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và hướng dẫn quy trình sản xuất cho nông dân. Cây đậu nành rau có thời gian canh tác ngắn, 70 ngày là có thể thu hoạch. Sau 2 vụ, bà con có thể xen canh cây trồng khác để đất có khả năng phục hồi và giảm lượng sâu bệnh cho cây”.
Đậu nành rau - cây trồng mới trên vùng đất cù lao.
Theo đánh giá của anh Vũ Quốc Dũng, qua đợt thu hoạch đầu tiên ở nhiều hộ nhận thấy, cây trồng này thích hợp canh tác tại vùng đất của Cù Lao Dung. Do đó, có thể thời gian tới công ty sẽ mở rộng diện tích bao tiêu loại cây trồng này để xuất khẩu sang thị trường một số nước ở châu Âu và châu Á. Hiện nay, đậu nành rau được xem là món ăn nhiều dinh dưỡng, được thu hoạch để lấy hạt lúc còn xanh. Đây là cây màu được trồng nhiều nhất ở tỉnh An Giang, kế đến là Đồng Tháp và Vĩnh Long. Riêng tại Cù Lao Dung, mô hình được áp dụng vào tháng 6/2018, với diện tích xuống giống khoảng 8ha. Tuy ở vụ đầu, nhiều hộ trồng đậu nành rau gặp bất lợi do mưa liên tục, làm ảnh hưởng đến cây con và năng suất nhưng đây là cây trồng ngắn ngày nên cũng đem lại nguồn thu nhập khá khả quan cho nông dân. Dự báo ở vụ Đông - Xuân thời tiết thuận lợi, cây đậu nành rau sẽ phát triển tốt, cho năng suất cao hơn so với vụ đầu tiên này.
Trong niên vụ mía 2017 - 2018, trên địa bàn huyện Cù Lao Dung có 6.326ha được xuống giống. Do thiếu nhân công, ghe vận chuyển và giá mía lại thấp nên nhiều hộ trồng mía phải chịu lỗ. Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp, ngành chức năng huyện đã xây dựng một số mô hình sản xuất và xây dựng chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm, như hỗ trợ cây, con giống cho một số hộ nông dân, trong đó có cây đậu nành rau. Huyện cũng phối hợp với doanh nghiệp ở An Giang để chuyển giao kỹ thuật; đồng thời thành lập hợp tác xã để ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Với những kết quả bước đầu, nhiều hộ hy vọng cây đậu nành rau sẽ là đối tượng canh tác hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định thay thế cho diện tích trồng mía ở vùng kém hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ và phát triển cây đậu nành rau còn phụ thuộc vào đơn vị bao tiêu. Ngoài ra, để giảm giá thành trong sản xuất, nông dân cũng mong muốn được đưa cơ giới hóa vào khâu xuống giống và thu hoạch, vì hiện nay có hộ phải thuê nhân công thu hoạch nên tốn chi phí nhiều hơn so với các hộ khác thu hoạch bằng máy.
Tác giả bài viết: Thiện Hải
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã