Theo Hội Làm vườn tỉnh Bắc Ninh, hiện nay trên địa bàn có hơn 3.200 trang trại và gia trại. Trong đó, có 15 trang trại trồng trọt; 93 trang trại chăn nuôi; 30 trang trại nuôi trồng thủy sản và 29 trang trại tổng hợp. Diện tích trang trại bình quân đạt 2,7 ha, mức thu nhập trung bình 412 triệu đồng/trang trại; mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 95 đến 100 nghìn tấn lợn, 22 đến 25 nghìn tấn gia cầm, 40 nghìn tấn thủy sản và 100 nghìn tấn quả các loại. Thu nhập từ kinh tế trang trại đạt gần 50% giá trị thu nhập của ngành nông nghiệp tỉnh. Điển hình là xã Bình Dương (huyện Gia Bình) có 350 trang trại và gia trại, với 145 ha, chiếm 40% diện tích canh tác của xã. Mô hình trồng lúa, nuôi cá, vịt trời của anh Nguyễn Đăng Cường xã Đại Đồng Thành (huyện Thuận Thành) được nhiều người dân biết đến bởi hiệu quả kinh tế mang lại. Năm 2016 vừa qua, mô hình này của gia đình anh cho thu nhập khoảng 17 tỷ đồng. Anh Cường chia sẻ: Trang trại của gia đình có diện tích 59 ha, nuôi vịt trời, cá và trồng lúa. Hiện nay, trang trại đang nuôi bảy nghìn con vịt trời đẻ, mỗi tháng ấp nở 30 nghìn vịt con, mỗi năm xuất ra thị trường hàng chục nghìn vịt thương phẩm. Không chỉ nuôi vịt trời, gia đình anh cải tạo ao để vừa nuôi chạch sụn vừa trồng gạo tẻ đỏ. Với 30 ha lúa, mỗi vụ gia đình anh xuất ra thị trường khoảng 60 tấn gạo tẻ đỏ, thu nhập hơn một tỷ đồng. Mỗi năm bán ra thị trường khoảng 30 đến 35 tấn chạch sụn thu về khoảng 1,5 tỷ đồng. Cũng là điển hình trong phát triển kinh tế trang trại, gia đình ông Nguyễn Văn Vọng xã Ninh Xá (huyện Thuận Thành) có mức thu nhập khá từ mô hình nuôi gà đẻ. Ông cho biết: Gia đình tôi xây dựng mô hình trang trại này từ năm 2009, nuôi 20 nghìn con gà đẻ. Bình quân mỗi ngày, gia đình tôi thu khoảng 18.000 quả trứng. Giá bán khoảng 1,2 nghìn đồng/quả; mỗi năm thu nhập gần tám tỷ đồng. Mô hình phát triển trang trại tại Bắc Ninh góp phần từng bước chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm các ngành phi nông nghiệp. Tuy nhiên, mô hình này đang gặp khó khăn do một số chủ trang trại còn hạn chế về năng lực quản lý, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Hầu hết các trang trại thiếu vốn để đầu tư mua sắm máy móc, vật tư, cây, con giống. Chất lượng các trang trại không đồng đều, việc áp dụng khoa học, kỹ thuật còn hạn chế, việc bảo quản sản phẩm sau thu hoạch còn lạc hậu khiến giảm sức cạnh tranh. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, theo đại diện Hội Làm vườn Bắc Ninh: Tỉnh cần đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 50 năm cho các chủ trang trại, gia trại theo tiêu chí mới; khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, canh tác bền vững nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Cần có cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ những giống cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khuyến khích mỗi huyện lựa chọn sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với điều kiện canh tác để làm chủ lực trong phát triển sản xuất của địa phương. Các sở, ban, ngành cần nghiên cứu thông tin thị trường, định hướng sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm cho các trang trại, gia trại, tránh tình trạng thừa hoặc thiếu sản phẩm; hỗ trợ kinh phí, đồng hành cùng các chủ trang trại, gia trại tổ chức chương trình hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật giúp các chủ trang trại mở rộng sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm để phát huy hiệu quả.
|
Bài và ảnh: Bảo Sơn Trang/ Nhân dân |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã