Nguyễn Thanh Tùng (ngoài cùng bên trái) động viên cán bộ, nhân dân thôn Hương Giang xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.
“Phải nói rằng, Lộc Yên (Hương Khê) chúng tôi may mắn khi Tùng được phân công về công tác ở địa phương. Thạc sỹ trẻ, là con em của xã, nhiệt tình, đa năng nên một lúc đảm nhận và hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ” - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Yên Nguyễn Văn Ngọc đánh giá về Nguyễn Thanh Tùng - một trong 35 trí thức trẻ về cơ sở theo Đề án 500 (thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020).
Thạc sỹ “3 trong 1”
Nguyễn Thanh Tùng tạo ấn tượng khá đặc biệt với tôi ngay từ lời nhận xét đầy cảm kích của lãnh đạo địa phương. Cùng chàng thanh niên cao ráo, có nét mặt thư sinh này đi khắp làng trên xóm dưới, ở đâu “chú Tùng” cũng được mọi người trò chuyện, trao đổi công việc một cách cởi mở. Việc giao thông, thủy lợi trước mùa mưa lũ, tiến độ thực hiện xây dựng NTM và tình hình sản xuất nông nghiệp của địa phương, Tùng đều bám sát các địa bàn, hướng dẫn các thôn đến nơi đến chốn.
“Lộc Yên đang thiếu cán bộ nên Tùng phải đảm nhận “3 trong 1” (chuyên trách địa chính, nông nghiệp, NTM), đó là chưa nói đến việc phải tham gia nhiều ban chỉ đạo của xã. Khối lượng công việc rất lớn, nhưng nhờ thành thạo công nghệ thông tin, cùng với cách làm việc rất khoa học, sự cần mẫn, sáng tạo nên Tùng luôn hoàn thành xuất sắc tất cả các nhiệm vụ” - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Ngọc cho biết.
Hoàn thành lớp cao học năm 2014 vừa đúng dịp UBND tỉnh tổ chức thi tuyển các đội viên của Đề án 500, Tùng là một trong 35 người trúng tuyển và được phân công về làm việc ngay tại quê hương. “Với em, được về công tác, cống hiến ở quê nhà đó là tâm nguyện từ khi mới bước chân vào trường đại học. Nhiều người nghĩ về quê không có môi trường để trưởng thành, nhưng thực ra công việc ở cơ sở rất nhiều, nhất là khi cán bộ xã hầu hết đều tuổi đã cao”- Tùng chia sẻ.
2 năm trong guồng quay tất bật của công việc, Tùng đã tích lũy được cho mình nhiều kinh nghiệm thực tiễn và nhân thêm niềm vui được phục vụ nhân dân. Tùng kể, nhớ nhất là năm đầu về nhận việc, đúng lúc xã thực hiện nghiệm thu các mô hình sản xuất để nhận hỗ trợ theo chính sách của tỉnh. Nhận thức, trình độ của người dân có hạn nên em phải trực tiếp thực hiện hàng trăm bộ hồ sơ thủ tục giúp dân. Đến lúc giải ngân, lại lắng nghe những thắc mắc và giải thích cặn kẽ với người dân. Suốt mấy tháng bù đầu mới hoàn thành được công việc, mệt nhưng vui.
Thành công lớn nhất, theo Tùng, đó là việc em đã góp phần quan trọng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương kết nối với nhà tài trợ - ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á) để dự án Đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển vùng cây ăn quả Lộc Sơn được phê duyệt. Quá trình đó, Tùng đã làm tốt vai trò của người cung cấp thông tin đầu vào, góp phần thuyết phục nhà tài trợ về sự cần thiết, tính khả thi và tính nhân văn của dự án. Từ sự chấp thuận đầu tư này, trong tương lai gần, Lộc Yên sẽ được hỗ trợ 65 tỷ đồng để xây dựng 3 tuyến đường, 1 trạm điện và nâng cấp đập Ông Vơm để phát triển 250 ha cam.
Cơ sở cần trí thức trẻ
Cùng nằm trong nhóm 5 người được xếp loại xuất sắc trong tổng số 35 đội viên của Đề án 500, còn có em Nguyễn Thị Minh Tâm được phân công công tác ở xã Phúc Trạch (Hương Khê); Nguyễn Văn Dương nhận nhiệm vụ ở xã miền núi Kỳ Trung (Kỳ Anh); Phạm Thị Quỳnh ở xã Thịnh Lộc và Phạm Văn Quân ở xã Thạch Kim (Lộc Hà). Các em đều là những cán bộ đa năng, nhiệt tình, đảm nhận rất nhiều công việc, được chính quyền xã tín nhiệm, đánh giá cao.
Theo bố trí của đề án, ngoài huyện Hương Khê có số lượng trí thức trẻ được phân công về cơ sở nhiều nhất (17 người), thì Nghi Xuân, Vũ Quang, Lộc Hà, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh cũng đã được bổ sung trí thức trẻ về cơ sở. Qua đánh giá của tất cả các xã có trí thức trẻ về công tác, các em đều khẳng định được năng lực, có tinh thần trách nhiệm cao, năng động, sáng tạo, góp phần quan trọng để địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.
Năm 2016, theo xếp loại của các địa phương, có 5 người đạt xuất sắc (14,5%) và 30 người hoàn thành tốt nhiệm vụ (85%). Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, trí thức trẻ về cơ sở còn xung kích tham gia các hoạt động tình nguyện tại địa phương.
Lãnh đạo các địa phương tiếp nhận được những trí thức trẻ về công tác tại xã nhà đều khẳng định: “Tại cơ sở, với những khó khăn trong công tác cán bộ từ trước tới nay, thực sự rất cần những trí thức trẻ có phẩm chất đạo đức, tâm huyết, sáng tạo, gắn bó, cống hiến lâu dài. Các địa phương sẽ tạo môi trường để các em tiếp tục học hỏi, phấn đấu, cống hiến nhằm khẳng định mình”.
Mai Thủy/ Báo Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã