Ông Võ Văn Tước, 49 tuổi, quê ở ấp Tân Dương, xã Tân Thành, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long là một nông dân đã từng trải nghiệm với nhiều giống khoai, thành công cũng có, thất bại cũng nhiều. Từ những thất bại cay đắng, ông đã cần cù học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm, đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng để dần dần trở thành một nông dân sản xuất giỏi.
Ông Võ Văn Tước vừa đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017” |
Từ những thành quả lao động miệt mài, ông là người duy nhất ở Vĩnh Long đã đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017” do Hội Nông dân Việt Nam công bố.
Ông Tước kể, trước đây ông được cha mẹ cho 10 công đất gồm 6 công ruộng và 4 công vườn. Lúc đầu ông cuốc đất trồng khoai nhưng vì không có bờ bao nên khoai lúc trúng, lúc thua. Thế nhưng, sau một thời gian học hỏi kinh nghiệm, dự các lớp tập huấn và được nhiều cán bộ nông nghiệp hướng dẫn nên năng suất ngày càng cao.
Nhờ tích lũy vốn liếng, mỗi năm sau mùa thu hoạch ông lại mua thêm đất canh tác. Tính đến nay, ông đã sở hữu gần 3ha đất vừa trồng khoai vừa cấy lúa theo mô hình luân canh. Lúc khởi nghiệp, ông trồng đủ các loại khoai lang nhưng hiệu quả không cao. Kể từ năm 2013, ông chuyển sang trồng khoai tím Nhật kết hợp với cấy lúa gia đình ông mới khá lên.
Là một nông dân tiêu biểu thời hội nhập, ông Tước không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động ở địa phương và hết lòng hỗ trợ khoai giống, đồng thời san sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật cho những hộ mới vào nghề. |
Là một nông dân năng động, luôn tìm tòi suy nghĩ phải làm thế nào để nâng cao giá trị sản phẩm. Từ ý tưởng đó, ông Tước đã mạnh dạn trồng khoai vụ nghịch để bán với giá cao hơn. Thường mỗi năm ông xuống giống vụ I vào nửa tháng 7 âm lịch thu hoạch vào rằm tháng Chạp; tiếp theo là vụ II thu hoạch vào cuối tháng 6 âm lịch. Thu hoạch khoai xong ông bắt đầu sạ lúa.
Ông chia sẻ, sở dĩ ruộng khoai của ông trúng mùa, củ to, năng suất, chất lượng cao là nhờ có đê bao khép kín, chủ động được nguồn nước, không sợ ngập úng vào mùa mưa và khô hạn vào mùa nắng. Nhờ vậy mà sản lượng bình quân mỗi vụ trên 50 tạ/công (tạ = 60kg). Cá biệt năm 2016 tăng lên gấp đôi.
Ngoài ra, ông còn tích cực áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, đặc biệt là cách diệt côn trùng phá hoại dây, lá và củ. Nhờ cần cù sáng tạo và làm ăn có hiệu quả cao nên nhiều bạn bè con ở Bình Tân thường gọi ông là “vua khoai lang”.
Ông Tước phấn khởi cho biết lợi thế của khoai lang tím Nhật là dễ dàng xuất khẩu sang nhiều nước do chất lượng thơm ngon, màu sắc đẹp, độ dinh dưỡng cao. Hiện có giá dao động từ 450.000 - 500.000 đồng/tạ (cao gấp 4 lần các loại khoai lang khác). Ngoài 2 vụ lúa - khoai, ông còn trồng thêm rau màu trên bờ đê, mé ruộng, thu nhập cũng khá cao. Tính bình quân mỗi năm, sau khi trừ hết các chi phí ông Tước còn lời trên 1 tỉ đồng.
Nông dân huyện Bình Tân cuốc đất lên lếp trồng khoai lang tím |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã