Như vậy, trong tốp 10 mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong bảy tháng qua, rau quả xếp vị trí thứ tư về giá trị xuất khẩu và với đà tăng trưởng này, đến cuối năm 2017 có thể vượt cà-phê để chiếm vị trí thứ ba, chỉ sau thủy sản và sản phẩm đồ gỗ hiện đã đạt giá trị xuất khẩu lần lượt là 4,3 và 4,2 tỷ USD.
Đáng chú ý, nếu như năm 2016, sau chín tháng, rau quả mới thu về 1,68 tỷ USD, vượt qua mặt hàng gạo và chỉ xếp sau cà-phê, hạt điều thì năm nay, sau bảy tháng, mặt hàng này đã có giá trị xuất khẩu vượt hạt điều và thấp hơn một chút so với cà-phê khi vượt mốc hai tỷ USD.
Không chỉ tăng trưởng ở giá trị, trên bình diện thị trường, rau quả Việt Nam cũng tạo vị thế lớn khi có mặt ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường đòi hỏi cao về chất lượng như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia châu Âu như Đức, Hà Lan… Đáng chú ý là Ô-xtrây-li-a hiện đã cho phép nhập khẩu vải thiều, nhãn; Niu Di-lân mở cửa cho mặt hàng xoài và thanh long; Ấn Độ nhập khẩu thanh long, vú sữa và Chi-lê mở cửa cho mặt hàng thanh long.
Tuy nhiên, ở một số thị trường quan trọng, mặt hàng rau quả chưa tạo nên những hiệu ứng tương tự. Hiện nông sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Liên hiệp châu Âu (EU) tăng trưởng tốt với nhiều mặt hàng như hạt điều, cà-phê, gạo, cá... song các mặt hàng rau quả còn chưa thâm nhập được. Phân tích sâu hơn, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, ngành rau quả Việt Nam vẫn còn phân tán, chưa được tổ chức hiệu quả và còn khá non trẻ trên các thị trường quốc tế đang ngày một gia tăng chính sách bảo hộ, các rào cản kỹ thuật cho những mặt hàng nông sản nói chung và rau quả nói riêng của Việt Nam. Đây là những lý do chính lý giải câu chuyện vì sao ở thị trường EU với những đòi hỏi khắt khe về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... thì sự hiện diện của rau quả Việt Nam vẫn khá khiêm tốn!
Gần đây, chúng ta đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để phát triển thị trường rau quả như trồng và thu hoạch rải vụ nhằm tránh đối đầu với các sản phẩm trái cây của Trung Quốc, Thái-lan; nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm bằng chứng nhận GAP; cấp mã số vùng trồng cho các sản phẩm bảo đảm chất lượng… Mặc dù vậy, Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn về liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất trong việc bảo quản rau quả để xuất khẩu. Vì thế, cần xây dựng quan hệ đối tác ba chiều thật sự giữa doanh nghiệp, nông dân và Chính phủ ở cả cấp khu vực và cấp ngành với mục tiêu chung là xây dựng nhóm rau, trái cây công nghệ cao, có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, chúng ta cần đa dạng hóa các sản phẩm rau quả; đồng thời hướng vào các nhóm sản phẩm có thương hiệu thế mạnh, tiềm năng cạnh tranh và có quy mô lớn như thanh long, vú sữa, vải thiều… để kết nối, mở rộng thị trường đầu ra quốc tế đa dạng, phong phú hơn. Giải quyết được những vấn đề gốc rễ này, tốc độ tăng trưởng ấn tượng mà mặt hàng rau quả đã tạo ra sẽ thật sự bền vững.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã