Ở nước ta, do nhiệt độ và độ ẩm cao, do mưa nhiều, đủ ánh sáng thì quần thể vi sinh vật có lợi và vi sinh vật có hại đều sinh sôi nẩy nở thuận lợi, chúng tồn tại và phát triển ngoài ý thức của con người. Cây trồng, trong đó có cây lúa vừa là thức ăn vừa là nơi trú ngụ thích hợp cho nhiều loại côn trùng và vi sinh vật.
Nếu bà con nông dân để ruộng lúa rậm rạp, quá xanh tốt, độ ẩm cao là nơi có nhiều sâu bệnh, chuột, cào cào trú ngụ và phá hoại. Khi cây trồng bị sâu bệnh thì tìm mọi biện pháp để hạn chế mật độ có thể gây ra thiệt hại kinh tế cho cây trồng, chứ không bao giờ tiêu diệt triệt để chúng.
Với cây lúa giai đoạn còn non dưới 40 ngày là thời kỳ sinh trưởng, đâm chồi mạnh nên dù có sâu bệnh xuất hiện cũng không cần phun thuốc. Trừ trường hợp rầy nâu mật số cao và có bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá xuất hiện, lý do không phun thuốc trong thời kỳ này là ruộng lúa đạt năng suất cao chỉ cần có số bông cuối cùng khoảng 400-500 bông/m2 là phù hợp. Bà con sạ 80kg/ha đã có nhánh tối đa lên đến 600-800 chồi/m2, thông thường bà con sạ từ 120-200kg/ha thường có chồi tối đa từ 1000 trở lên nếu số chồi này chết đi 50% vẫn còn số bông để có năng suất cao. Thời kỳ đẻ chồi nên chồi này mất thì chồi kia phát triển và phát triển mạnh hơn.
Do những đặc điểm trên, để phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả ngày càng cao trong điều kiện biến đổi khí hậu thì biện pháp canh tác phù hợp sẽ đem lại hiệu quả cao hơn cả. Biện pháp đó bao gồm làm đất kỹ dù thời gian giữa 2 vụ ngắn, xử lý đất tốt, mật độ sạ hợp lý trên dưới 80kg/ha, bón phân cân đối và khống chế lượng phân đạm xuống dưới 100kgN/ha, quản lý nước thích hợp, chỉ sử dụng thuốc khi có mật số sâu bệnh cần thiết. Riêng rầy nâu, nếu số con trên tép lên đến 3-5 con thì cần phun thuốc trừ, khoanh vùng để phun, ruộng có bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cần xử lý tốt, ngoài ra chỉ cần đề phòng bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt khi lúa sắp trổ.
Bà con chú ý thực hiện tốt các biện pháp trên thì dù có mưa nắng thất thường bà con vẫn có được năng suất lúa ổn định.