Hiểm họa khôn lường từ thực phẩm bẩn
Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, trong các nguyên nhân dẫn đến ung thư, yếu tố nội sinh và di truyền chỉ chiếm dưới 10%, thậm chí chỉ 1-2% như ung thư vú, 90% còn lại là do môi trường. Trong đó, nguyên nhân từ thực phẩm bẩn đứng hàng đầu. Những thực phẩm này có chứa các chất độc hại gây ra sự đột biến tế bào ở cơ thể con người.
Không chỉ gây tổn hại cho sức khỏe về lâu dài, thực phẩm bẩn có thể tác động tức thời, gây tổn thương hệ tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong cho người sử dụng. Và mới đây nhất là vào ngày 3/6/2016 tại tỉnh Tiền Giang, 64 công nhân của Công ty Simone đã phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm.
Các công nhân nhập viện điều trị tại Trung tâm y tế huyện Châu Thành.
Nỗi sợ hãi về thực phẩm bẩn của người dân Việt đang hiện hữu hàng ngày chứ không hề mơ hồ, không phải lúc nào chúng ta cũng có quyền được chọn lựa nguồn thực phẩm sạch và yên tâm sử dụng. Bởi thực phẩm bẩn được chế biến quá tinh vi, xuất hiện ở khắp mọi nơi, thậm chí những nơi có sự kiểm định gắt gao như siêu thị cũng bị nghi ngờ về nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm thực phẩm... Hay như các thương hiệu sản xuất thực phẩm nổi tiếng cũng dính vào nghi án sản phẩm bị nhiễm độc, sản xuất mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đài truyền hình Việt Nam đã thực hiện hàng loạt phóng sự “nóng” phơi bày hành vi chế biến thực phẩm bẩn, ngậm hóa chất với các thực phẩm quen thuộc như: Dưa cải muối, măng muối ngậm chất vàng ô, thịt heo biến thành thịt bò, mỡ bẩn, rau muống tắm nhớt thải, dấm làm từ axít, cà phê được làm từ hóa chất...
Riêng về sản phẩm cà phê, đã có một thương hiệu nổi tiếng gửi thông điệp quảng cáo rằng: “cà phê chỉ làm từ cà phê”. Thông điệp này khiến người tiêu dùng “té ngửa”, vậy trước giờ chúng ta đang dùng thức uống mang tên cà phê mà không phải làm từ hạt cà phê? Trao đổi với lãnh đạo Chi cục VSATTP TP. Hồ Chí Minh về việc pháp luật có cấm người dân, doanh nghiệp sản xuất cà phê từ hạt đậu nành, hạt bắp (ngô) hay không thì được biết là không cấm, miễn sao họ tuân thủ quy trình sản xuất theo đúng tiêu chuẩn VSATTP.
Mạnh tay “nhổ tận gốc” thực phẩm bẩn
Phát biểu tại Hội trường Quốc hội sáng ngày 1/4/2016 vừa qua, đại biểu Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khẳng định, thực trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta trong thời gian gần đây đã đến mức “rất báo động”, “gây hậu quả trước mắt cũng như lâu dài”.
“Bệnh tật, suy giảm sức khỏe giống nòi, giảm sức cạnh tranh nền kinh tế, làm mất hình ảnh quốc gia.... có nguyên nhân không nhỏ từ thực phẩm bẩn. Vấn nạn thực phẩm bẩn đã đẩy người dân vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”: không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy”- bà Nga chua xót.
Trong 15 năm qua, số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đã tăng gấp đôi (từ 69.000 ca lên 150.000 ca) và dự kiến trong 5 năm tới, mỗi năm sẽ có 200.000 ca mắc mới bệnh ung thư. Điều lo ngại này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ khi thuyết minh về chương trình giám sát chuyên đề an toàn thực phẩm sẽ thực hiện vào năm 2017. Vì thế, đại biểu Trần Ngọc Vinh đã có câu nói để đời: “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế”.
Trả lời báo chí về trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan khi để người dân phải sống bất an với các hiểm họa khôn lường từ thực phẩm bẩn, GS.TS Nguyễn Bá Đức chia sẻ: “Bộ Y tế là Bộ quản lý về sức khỏe nhưng thường là phần ngọn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có vai trò rất quan trọng, vì vấn đề lương thực, thực phẩm độc hại phải được quản lý tốt hơn nữa. Còn khi lên tới bàn ăn rồi thì rất khó. Hay Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng vậy, với tình trạng xả thải những chất gây ô nhiễm ra môi trường, cũng phải có trách nhiệm làm tốt hơn nữa...
Song, phải kể đến nữa là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chúng ta phải giáo dục từ khi là một đứa trẻ con, biết tự trọng, biết tôn trọng luật pháp và giữ gìn sức khỏe cộng đồng.
Cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm chung thì tôi nghĩ, đó là Chính phủ. Tuy nhiên, vừa rồi ta nói đến chuyện người Việt Nam đang tự đầu độc lẫn nhau. Thế thì, nếu các Bộ dù có chính sách tốt nhưng không chuyển được thành hành động, đến từng người dân, từng gia đình phải có ý thức phòng bệnh giữ gìn cho tương lai, cho giống nòi dân tộc thì sẽ khó mà chống được tốc độ tăng ung thư.”
Nói về tình trạng mất an toàn thực phẩm hiện nay, ngày 2/8/2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị số 1 (Đoàn ĐBQH TP.HCM) trong buổi tiếp xúc với cử tri quận 4 sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14 đã phát biểu: “Đó thực sự là vấn đề hết sức quan ngại, đe dọa cuộc sống hằng ngày, hằng giờ của bà con và của cả chúng tôi. Vấn đề này liên quan đến an ninh xã hội, đây cũng là bộ phận cấu thành của an ninh quốc gia nên không thể xem nhẹ”.
Đình Quân
theo BVPL
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã