Làm phân bón từ trầu không
Đã 2 năm nay, từ nguyên liệu sẵn có trong vườn nhà, anh nông dân Bùi Văn Cường ở thôn Tháng Tám, xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) đã tự chế thành công loại phân bón lá cho cây cam từ thân và lá cây trầu không. Loại phân này không chỉ giúp cho cây cam phát triển tốt, xanh lá mà còn tăng sức đề kháng cho cây, an toàn cho người và môi trường.
Anh Cường cho biết: “Qua một lần theo dõi chương trình “Bạn của nhà nông” trên kênh truyền hình VTV2, tôi được biết chiết xuất từ lá và thân cây trầu không có đầy đủ hàm lượng các loại phân bón lá như đạm, lân, kali và các nguyên tố trung lượng và vi lượng như Fe, Zn, Cu, Mg,.. Chính vì vậy, tôi đã thử nghiệm dùng lá trầu không thái nhỏ, hoặc giã nát đem ngâm với nước sạch trong khoảng thời gian 1 tuần đến 10 ngày. Với tỷ lệ 1kg lá trầu không pha với 10 lít nước. Sau khi ngâm nước lá trầu không sẽ có màu nâu đen, sau đó sẽ tiếp tục pha với 200 lít nước để phun trên cây cam”. Theo anh Cường thời gian phun tốt nhất là vào buổi sáng bởi lúc đó cây đang quang hợp ánh sáng mặt trời là thời điểm cây hấp thụ phân bón tốt nhất. Khoảng 15 - 20 ngày phun lại lần tiếp theo.
Bắt đầu từ năm 2013, anh Cường đã mạnh dạn thí điểm loại thuốc tự chế này trên diện tích 1 ha cam của gia đình. Kết quả cam phát triển rất tốt, lá xanh và kháng được một số loại sâu bệnh. Hiện nay, vườn cam gần 3 năm đã bắt đầu cho ra quả bói. So với những sản phẩm phân bón lá khác, loại phân bón tự chế này có ưu điểm như: giúp cây sinh trưởng tốt, tăng sức đề kháng, bộ rễ phát triển tốt, lá xanh. Phòng trừ được các loại sâu như: sâu bẹ bùa, sâu cuốn lá và nâng cao độ phì nhiêu cho đất. Đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước và an toàn cho người sử dụng. Không những vậy, nhờ sử dụng lá cây tự nhiên nên chi phí cũng giảm 40 - 50% cho mỗi vụ sản xuất.
Thuốc trừ sâu từ tỏi, gừng, ớt
Ở Anh Sơn, gia đình anh Nguyễn Viết Bảy ở xóm 9, xã Tào Sơn đã mạnh dạn dùng tỏi, ớt, gừng giã nhỏ và ngâm ủ để làm thuốc phòng trừ sâu cho bí. Các vật liệu sau khi giã nhỏ, ngâm ủ 20 ngày, ông Bảy đem phun cho gần 0,5 ha bí. Thử nghiệm phun xịt sau 1 tuần, cây lá phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả cao và đặc biệt là không có sâu bệnh phát sinh nên ông đã tiến hành phun đại trà cho gần 2 ha bí xanh. Cách làm của ông Bảy đã được hơn 50 hộ dân ở Tào Sơn áp dụng theo và rất hiệu quả.
Ông Nguyễn Đình Hương - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho hay: Đây là cách làm mới nhưng rất thực tế, giảm được chi phí cho nông dân, và quan trọng hơn là tạo ra nông sản sạch, bà con cần áp dụng và nhân rộng hơn nữa. Cách làm hay, dễ làm, thân thiện với môi trường và ai cũng có thể làm được. Người dân cũng tự phun thuốc sâu mà không lo ảnh hưởng tới sức khỏe.
CÁCH PHA CHẾ THUỐC TRỪ SÂU TỪ THẢO MỘC
1. Hành tăm
Hành tăm và ớt có thể làm thuốc trừ sâu an toàn. Phượng |
- Tác dụng: Chống nấm, trừ sâu, xua đuổi sâu bọ nhẹ.
- Đối tượng: Rệp vừng, bướm hại bắp cải, bét, ruồi hại cà chua, ve, bọ bay màu trắng, bệnh chết cây non do quá nhiều nước, bệnh tàn rụi muộn, bệnh đốm lá cà chua, chuột nhắt và chuột chũi.
- Cách pha chế: 10-100g củ hành tăm giã nhỏ với 1 lít nước, để trong thùng có nắp đậy 4-7 ngày trước khi phun.
2. Ớt, tỏi, gừng
- Tác dụng: Ớt, tỏi, hành, gừng... chứa hàm lượng a-xit có tác động đến các bộ phận như mắt, da của những loài sâu bọ hại cây trồng và có thể tiêu diệt, xua đuổi chúng.
- Cách pha chế: Để tự tạo thuốc trừ sâu thảo mộc, bà con cần chuẩn bị một số nguyên liệu: 1 kg tỏi, 1 kg ớt, 1 kg gừng và 3 lít rượu. Bà con giã tỏi, ớt, gừng. Sau đó đem ngâm trong các chum hoặc thùng kín, đổ khoảng 1 lít rượu vào và bịt kín. Trong quá trình ngâm không nên để thùng ngâm ở những nơi quá nắng nóng, hoặc để hở, tránh làm bay mất hơi rượu.
- Bà con có thể ngâm từng loại nguyên liệu riêng rẽ hoặc ngâm chung cả 3 loại vào 1 thùng. Nếu ngâm riêng thì cứ 1 kg nguyên liệu ngâm với 1 lít rượu, nếu ngâm chung cả 3 loại thì ngâm với 3 lít rượu. Đây có thể coi là nước cốt để pha chế khi phun.
- Thời gian ngâm nguyên liệu ớt, tỏi, gừng với rượu là 15 ngày, với mục đích cho các chất gây cay có trong nguyên liệu trộn đều vào rượu. Như vậy, tỷ lệ các chất gây cay trong dung dịch ngâm sẽ có nồng độ đậm đặc nhất, tốt cho việc tiêu diệt sâu hại.
3. Cây thuốc lá
- Tác dụng: Thuốc làm từ thuốc lá có khả năng diệt trừ bọ trĩ, sâu đục thân, bọ xít dài, sâu cuốn lá nhỏ… các loại rệp ngô, rệp đậu tương, sâu khoang, sâu ba ba trên rau muống, sâu khoang ở cây táo, nhện đỏ ở cam chanh…
- Cách pha chế: Để chế thuốc người ta lấy lá thuốc cho vào ngâm 1 ngày trong nước lã với tỷ lệ 1 kg lá/ 20 – 40 lít nước. Sau đó vớt ra nghiền nhỏ rồi lọc đem đi phun.
Theo Báo Nghệ An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã