Là tỉnh mới thành lập, xuất phát điểm thấp, hạ tầng cơ sở còn nhiều bất cập, hình thức tổ chức sản xuất, tập quán làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, đời sống của Nhân dân còn nhiều khó khăn, hơn 80% dân số sống bằng nghề nông. Do vậy, tỉnh Lai Châu luôn quan tâm ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhờ đó đã giúp người nông dân mạnh dạn chuyển đổi hình thức, mô hình tổ chức sản xuất theo hướng “doanh nghiệp hóa sản phẩm, “liên kết hóa sản xuất” phát triển sản phẩm theo chuỗi liên kết. Chúng tôi tìm đến hợp tác xã (HTX) Đông Phong (xã San Thàng, thành phố Lai Châu) một trong những HTX làm ăn hiệu quả từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng trọt và cũng là HTX tiêu biểu trong phát triển sản phẩm theo chuỗi liên kết. Được thành lập từ tháng 5/2011, những ngày đầu đi vào hoạt động, HTX gặp không ít khó khăn do thiếu vốn, đất đai cằn cỗi, bạc màu, thậm chí chưa có nước sạch, điện sinh hoạt. Không nản lòng, 5 thành viên HTX chung sức, đóng góp vốn trị giá hàng tỷ đồng để xây dựng tường rào, chuồng trại, nhà kho, nhà xưởng, dẫn nước, kéo điện về HTX phục vụ cho quá trình trồng rau, chăn nuôi chim, gia cầm, đào ao thả cá. Xác định muốn sản xuất, kinh doanh hiệu quả ngoài việc nắm bắt nhu cầu thị trường, cần ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt phải sản xuất theo quy trình khép kín, HTX đã đầu tư hơn 100 triệu đồng mua dây chuyền sản xuất rượu Mông Kê, mở rộng diện tích ao để ươm cá giống, mua thêm máy chế biến thức ăn cho gia súc, máy sục khí tạo dòng phục vụ cho chăn nuôi thủy sản. Cùng với đó, HTX đã mua thêm giống giun quế về nuôi để làm thức ăn trong chăn nuôi gia cầm”. Năm 2014, HTX mạnh dạn xây dựng dự án “Chăn nuôi bò lai Sind sinh sản theo phương thức nuôi nhốt” trình Liên minh HTX tỉnh. Được Liên minh HTX tỉnh đồng ý và hỗ trợ 6 con bò giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ thức ăn, thuốc thú y… nên hoạt động của HTX trở nên thuận lợi hơn. Các sản phẩm phụ trong sản xuất trở thành nguyên liệu chính cho quy trình tiếp theo: Sau khi nấu rượu, bỗng rượu làm thức ăn cho bò, chất thải của bò dùng để sản xuất giun quế, xử lý qua hệ thống bioga làm chất đốt và trồng rau.
Đàn bò của HTX Đông Phong được phòng chống dịch bệnh nên sinh trưởng và phát triển tốt.
Nhờ cách làm năng động, phù hợp, hàng năm HTX xuất ra thị trường hàng nghìn quả trứng gà, hơn 1 tấn rau các loại, gần 10 tấn cá thương phẩm. Sản phẩm do HTX Đông Phong sản xuất ra không chỉ đảm bảo về số lượng mà còn có uy tín về chất lượng nên được thương lái vào tận nơi mua. Tổng doanh thu của HTX đạt hơn 1,5 tỷ đồng (tăng gấp đôi so với ngày đầu thành lập), trừ chi phí HTX thu lãi gần 300 triệu đồng. Tạo việc làm ổn định cho 5 lao động, ngoài ra mỗi khi đến thời vụ tạo việc làm cho từ 3-15 lao động địa phương.
Những năm qua cùng với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tỉnh ta đã quan tâm hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng hàng hóa nhằm đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về kinh tế hợp tác (KTHT); Kiện toàn bộ máy quản lý về KTHT lĩnh vực nông nghiệp; Hướng dẫn các HTX tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX; Xây dựng và phát triển các mô hình KTHT lĩnh vực nông nghiệp liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản để nhân rộng và phát triển; Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX, tổ hợp tác. Huy động các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp đồng thời tăng cường phối hợp giữa các Sở, ban, ngành trong việc xây dựng và phát triển các tổ chức KTHT lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả, đổi mới về nội dung và hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Dưới sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của tỉnh, tiêu chí đổi mới và phát triển các hình thức sản xuất đảm bảo tiến độ đề ra. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 39 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (có 6 HTX thành lập mới), trong đó có 23 HTX dịch vụ nông nghiệp, 9 HTX chăn nuôi, 4 HTX lâm nghiệp, 3 HTX thủy sản; với tổng vốn điều lệ là 45.663 triệu đồng, thu hút và tạo việc làm cho 585 thành viên và lao động. Trong lĩnh vực kinh tế trang trại: Toàn tỉnh có 7 trang trại được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chí theo quy định tại Thông tư 27/TT-BNNPTNT (trong đó: 2 trang trại thủy sản, 3 trang trại chăn nuôi, 1 trang trại tổng hợp). Tổng diện tích của các trang trại là 11,6ha. Số lao động thường xuyên tại các trang trại là 31 người chủ yếu lao động chủ hộ (lao động thuê mướn theo thời vụ không đáng kể). Toàn tỉnh có 1 Công ty cổ phần, 4 Công ty TNHH một thành viên, 1 doanh nghiệp tư nhân, 3 HTX chế biến chè; 3 HTX và khoảng 100 hộ làm nghề chế biến miến dong; 1 HTX và hàng trăm hộ gia đình làm nghề sản xuất rượu các loại; hàng trăm cơ sở xay xát thóc, ngô; 96 cơ sở kinh doanh và chế biến ngô, lâm sản, trong đó có cơ sở là doanh nghiệp, 2 cơ sở là hợp tác xã, 91 cơ sở là hộ cá thể; 1 làng chuyên sản xuất các loại bánh dân tộc như bánh bỏng, bánh khảo bánh phở, bánh rán; 3 làng nghề sản xuất miến dong và 1 làng nghề nấu rượu ngô truyền thống.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, nhìn chung các trang trại, HTX đã mở rộng quy mô, chú trọng đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Qua đó nâng cao chất lượng, sản lượng trong sản xuất làm tăng giá trị khi tiêu thụ, giúp sản phẩm của các HTX thâm nhập vào thị trường thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, một số ngành nghề nông thôn hoạt động với mục đích giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất và đời sống như: trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về giống mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; cung cấp thông tin và tiêu thụ sản phẩm; phát huy được nội lực của các thành viên trong việc huy động vốn để phục vụ sản xuất…
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn có những HTX thiếu vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng sản xuất kinh doanh; việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất ở một số nơi còn hạn chế nên hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh còn chưa cao. Việc bảo quản, chế biến nông, lâm sản còn bất cập, phần lớn nông sản tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng sơ chế, thô nên giá trị kinh tế chưa cao; mẫu mã, hình thức sản phẩm ít được cải tiến, tổn thất sau thu hoạch còn lớn, vẫn còn tình trạng thiếu thị trường tiêu thụ hoặc thị trường không ổn định. Vì vậy, để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khai thác có hiệu quả những tiền năng, lợi thế của địa phương, thời gian tới, ngành Nông nghiệp cần quan tâm nhiều hơn nữa đến các nội dung chính của quá trình tái cơ cấu ngành như: ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới thể chất, phát triển thị trường nâng cao đời sống, thu nhập của người nông dân… Có như vậy mới khuyến khích nông dân đa dạng các hình thức sản xuất và làm giàu từ nông nghiệp; đưa tỉnh ta ngày càng phát triển lớn mạnh và bền vững.
Theo Báo Lai Châu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã