Ngày 28/012008, việc sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành rộng rãi trong cả nước.
Nghệ An cũng là tỉnh sớm áp dụng việc phát triển trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP để hướng tới cung cấp cho thị trường lượng rau an toàn cũng như xuất khẩu. Theo đánh giá thì với việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, cùng với công tác đẩy mạnh liên kết giữa nhà nước – nhà khoa học – nhà nông – doanh nghiệp, người nông dân sẽ đạt được nhiều hiệu quả kinh tế cao từ sản xuất rau an toàn.
Ngoài ra, với Quyết định 01/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản thì người dân cũng được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để thực hiện trồng rau an toàn.
Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ 50% tổng kinh phí để đầu tư xây dựng, cải tạo các hạng mục như: đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm bơm, điện hạ thế, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống cấp thoát nước của vùng sản xuất tập trung để phù hợp với yêu cầu kỹ thuật VietGAP.
Việc hỗ trợ cây giống, phân bón hữu cơ để chăm sóc cây rau cũng được thực hiện đồng bộ, kịp thời trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Một số địa phương có diện tích trồng rau lớn như Diễn Thành (Diễn Châu), Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu), Nghi Liên, Nghi Ân, Nghi Kim, Hưng Đông (TP Vinh)… cũng thực hiện việc hỗ trợ 100% cây giống, phân bón cho bà con nông dân.
Mô hình rau sạch an toàn thực phẩm cần nhân rộng hơn nữa (ảnh chụp tại xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu)
Theo phân tích của các chuyên gia trồng trọt, với việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, người dân sẽ giảm được khoảng trên 20% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Đặc biệt, thời gian để cách ly giữa cây rau với thuốc bảo vệ thực vật khá dài (khoảng gần 1 tháng) trước khi thu hoạch nên sản phẩm khi đưa ra thị trường tiêu thụ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, sản phẩm rau an toàn khi được chấp nhận sẽ có giá bán cao hơn khoảng 5% – 10% so với giá thị trường.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh nhà cũng không ngừng nỗ lực tuyên truyền, vận động người nông dân tăng cường nhân rộng diện tích trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ thì số diện tích rau an toàn trên địa bàn trong thời gian qua chỉ chiếm với số lượng vài trăm ha. Nhiều nơi còn manh mún, nhỏ lẻ trong tổng số diện tích sẵn có của địa phương. Có rất nhiều khó khăn khiến người dân chưa mặn mà với việc trồng rau an toàn như: tốn nhiều công chăm sóc, thời gian sinh trưởng kéo dài hơn, kênh tiêu thụ sản phẩm chưa đảm bảo…
Ông Hồ Văn Tình, một người dân ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) cho biết: “Từ nhiều năm trước, gia đình chúng tôi cũng thực hiện trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian đầu, tuy thời gian chăm sóc hơi lâu, tốn công chăm sóc nhưng sản phẩm bán ra rất được giá. Vào thời điểm rau khan hiếm thì giá bán rất cao nhưng khi ế ẩm thì mặt hàng VietGAP của chúng tôi làm ra chẳng thể bán được. Bao nhiêu công sức đều đổ bể, người nông dân thiệt đơn, thiệt kép. Nhiều vụ, sản phẩm rau an toàn của chúng tôi khi đến mùa thu hoạch phải tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ”. Đây cũng là khó khăn chung của người nông dân khi tham gia phát triển diện tích rau theo quy trình VietGAP trên địa bàn hiện nay.
Theo ông Dương Văn Hùng – Chi Cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông – lâm – thuỷ sản Nghệ An cho biết: Hiện nay, ngân sách nhà nước để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ xây dựng quy trình VietGAP đang được thực hiện ở khâu trồng và hái. Đây là quy trình đòi hỏi sự giám sát gắt gao của nhà nông lẫn doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Riêng đối với khâu sơ chế, thực tế hiện nay vẫn chưa thể thực hiện được một cách đồng bộ. Mặt khác, nhiều sản phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn hiện nay vẫn khiến người tiêu dùng khó phân biệt được chất lượng thật – giả. Từ đó, tâm lý tiêu dùng của người dân vẫn chưa được tạo dựng niềm tin bền vững.
Từ cuối năm 2014, trên địa bàn TP Vinh đã xuất hiện các gian hàng bán, giới thiệu sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Một số đơn vị như HTX phát triển tam nông, Công ty CP Phủ Diễn APG…cũng đã đặt các gian hàng bán sản phẩm rau sạch tiêu chuẩn VietGap để phục vụ người tiêu dùng. Được biết, đây mới chỉ là những kênh bán hàng thí điểm cho sản phẩm VietGAP.
Trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ của người dân đối với sản phẩm rau an toàn hiện nay rất lớn. Tuy nhiên, điều mà người tiêu dùng hiện nay vẫn băn khoăn là liệu sản phẩm mà mình mua về sử dụng liệu có an toàn hay không?!. Đây cũng là vấn đề về kiểm soát chất lượng an toàn rau sạch hiện nay đang được các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý.
Để thực hiện tốt Quyết định 809/QĐ-TTg ngày 30/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 13/10/2015, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có Quyết định số 4654/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án “Tổ chức sản xuất rau an toàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 – 2020”. Theo đó, các mục tiêu được đặt ra gồm: Diện tích canh tác trong thời gian tới đạt khoảng 1.600ha; Diện tích gieo trồng rau an toàn 6.000 ha, chiếm khoảng 22% tổng diện tích gieo trồng rau toàn tỉnh; Năng suất bình quân đạt 150 tạ/ha; Sản lượng đạt khoảng 90.000 tấn…
Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đề ra, từng bước giúp người nông dân tăng diện tích trồng rau an toàn, các cấp, ngành cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thực của người trồng rau hơn nữa. Đặc biệt, việc bao tiêu sản phẩm, tìm đầu ra cho sản phẩm rau an toàn, đảm bảo giá thành sản phẩm thì việc liên kết giữa nhà nước – nhà khoa học – nhà nông – doanh nghiệp cần gắn kết hơn.
Theo baotainguyenmoitruong
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã