Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó gia tăng tỷ trọng chăn nuôi trên 60% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp là một trong những chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020. Để đạt mục tiêu này, Hà Tĩnh đã có những chủ trương, chính sách khuyến khích người dân và thu hút, kêu gọi các DN mạnh để làm “đầu kéo”. Một trong những DN ngoại tỉnh có tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm chăn nuôi bò quy mô lớn đó là Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (Liên doanh Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với Công ty CP An Phú Bình Định) đã được tỉnh “chọn mặt gửi vàng”.
Một góc trại chăn nuôi bò Bình Hà
Chỉ trong một thời gian ngắn, dự án chăn nuôi bò Bình Hà đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1300/QĐ-UBND, ngày 15/4/2015. Để thực hiện dự án, UBND tỉnh đã điều chỉnh toàn bộ diện tích quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn 2 huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên sang quy hoạch phát triển chăn nuôi, trồng cỏ. Theo đó, Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh và Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà đã thống nhất và thỏa thuận phương án bồi thường, hỗ trợ tài sản trên diện tích đất do Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh quản lý tại 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh với hơn 1.848 ha (Kỳ Anh 705,08 ha, Cẩm Xuyên 1.143,6 ha) nằm trong quy hoạch chăn nuôi bò theo Quyết định số 1300/QĐ-UBND với số tiền 98 tỷ đồng. Tháng 10/2015, Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà đã tổ chức lễ thả bò giống và bò thịt tại xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên), đánh dấu mốc quan trọng triển khai thực hiện dự án chăn nuôi “khủng” nhất khu vực miền Trung.
Ông Đinh Văn Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà cho biết: Hà Tĩnh là điểm thứ 4, sau Gia Lai, Lào và Campuchia thực hiện dự án chăn nuôi bò chất lượng, năng suất cao. Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt có quy mô 150.000 con, được triển khai trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh với tổng diện tích hơn 6.000 ha, tổng vốn đầu tư 5.045 tỷ đồng. Dự án chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 có quy mô 30.000 con, triển khai trên diện tích khoảng 968 ha tại 3 xã Cẩm Quan khoảng 477 ha; Kỳ Hợp, Kỳ Tây (Kỳ Anh) khoảng 491 ha. “Đến nay, công ty đã giải phóng mặt bằng được 1.036/6.000 ha, xây dựng được 66 chuồng trại, hệ thống kho chứa, đường giao thông, điện và 2 khu nhà điều hành tại vùng dự án Kỳ Tây, Cẩm Quan và đã trồng được 900 ha cỏ. Từ tháng 1/2016 đến nay, công ty nhập gần 30.000 con bò thịt (bò Úc) để nuôi vỗ béo và đã xuất bán hơn 7.000 con. Tổng vốn đầu tư vào dự án tính đến thời điểm hiện tại là hơn 800 tỷ đồng” – ông Dũng cho biết thêm.
Trước mắt chúng tôi là những dãy chuồng bò hiện đại trải dài bên sườn đồi và công nhân đang khẩn trương điều khiển những chiếc máy chuyên dụng thu hoạch và băm cỏ… Gần 900 ha cỏ chất lượng cao phủ xanh cả một vùng đồi.
Chăm sóc, cho bò ăn bằng máy
Anh Nguyễn Trọng Đại – Trưởng bộ phận kỹ thuật, cho biết: “Để giám sát quy trình, đảm bảo chất lượng, ngay cả trong những lĩnh vực đơn giản như làm đất, hoàn thiện hệ thống tưới ngầm, công ty đều tăng cường đội ngũ cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai từ Bình Định và Campuchia. Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt được áp dụng công nghệ trồng cỏ và nuôi bò hiện đại nhất hiện nay. Theo đó, cỏ được trồng và sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel; giống bò brahman có thể lực tốt, thích nghi cao với điều kiện khí hậu nhiệt đới. Bò nuôi vỗ béo có trọng lượng khi xuất chuồng đạt từ 520 - 600 kg.
Một dự án chăn nuôi “khủng”, thời gian đầu tư xây dựng hạ tầng, triển khai chăn nuôi nhanh kỷ lục, ngoài sự nỗ lực của chủ đầu tư, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp tỉnh Hà Tĩnh còn phải kể đến “bà đỡ” về vốn của Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển (BIDV). Theo lãnh đạo BIDV Hà Tĩnh, ngoài hợp đồng tín dụng cho vay trung dài hạn 2.190 tỷ đồng, BIDV sẽ tiếp tục làm đầu mối đầu tư vốn lưu động cho dự án với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng. Đây là dự án đầu tư tín dụng lớn nhất mà chi nhánh thực hiện từ trước tới nay.
“Hà Tĩnh là địa phương có lợi thế về phát triển chăn nuôi và bò được xác định là sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, được ưu tiên phát triển. Việc thu hút dự án phát triển chăn nuôi bò thịt tại Hà Tĩnh sẽ góp phần phát triển KT-XH và nâng cao đời sống của người dân địa phương. Quan trọng hơn, đây chính là cơ hội để ngành chăn nuôi tỉnh nhà thay đổi một cách căn bản, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp” - một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp khẳng định.
Tiềm năng và lợi thế nông nghiệp Hà Tĩnh đang rất cần được những DN như Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà “đánh thức” để cùng địa phương hiện thực hóa mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Tuy nhiên, sau gần 1 năm đi vào hoạt động, lợi ích thì chưa thấy đâu, việc làm cho các lao động địa phương cũng không như kỳ vọng trong khi những bất cập thì liên tục nảy sinh…
Nhóm P.V Kinh Tế
(Còn nữa)
Theo Báo Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã