Ai về Hà Tĩnh thì về,
Mặc lụa xứ Hạ, uống chè Hương Sơn.
Nhân dân Hà Tĩnh từ xưa, vốn có tinh thần yêu thích văn nghệ và khả năng văn nghệ cũng khá dồi dào. Con người có vẻ “gân guốc”, “cọc cạch” bẩm thụ khí đất của núi Hồng, sông Lam ấy, trong lòng vẫn dồi dào một nguồn tình cảm mát lành.
Núi Hồng ai đắp mà cao,
Sông Lam ai xới, ai đào mà sâu?
Hà Tĩnh có Nguyễn Du với tập Truyện Kiều tuyệt tác. Nhưng Nguyễn Du đâu có phải đơn thuần là một thiên tài cá nhân. Truyện Kiều đâu phải là một tuyệt tác trên trời rơi xuống. Nguyễn Du sống trong lòng nhân dân Hà Tĩnh, hưởng thụ được truyền thống văn nghệ của đất nước núi Hồng, sông Lam, tắm gội được tinh hoa của nguồn sống quê hương tươi đẹp.
Câu hò, điệu ví lưu truyền qua bao thế hệ |
Những câu thơ trong Truyện Kiều biểu hiện một sự kết tinh lâu đời của những câu ca dao, những câu “hát phường vải”, những câu “ví đò đưa” trên đồng ruộng, trên bãi núi, trên dòng sông, từ Cửa Hội đến Đèo Ngang. Tình cảm của Nguyễn Du là tình cảm của lao động. Kỹ thuật của Nguyễn Du là kỹ thuật của nhân dân.
Đặc biệt, Hà Tĩnh là quê hương của hát giặm. Ở đây, tôi xin giới thiệu sơ qua một vài nét nhỏ trong cái kho tàng hát giặm phong phú của tỉnh nhà. Hát giặm – nâng lên một mức quy mô hơn là kể vè - là một bộ môn, là một hình thức sinh hoạt văn nghệ phổ cập và có lẽ là lâu đời nhất ở Hà Tĩnh. Trong mọi sinh hoạt lao động, chiến đấu hàng ngày, lúc nào, ở đâu cũng có thể cất lên tiếng hát giặm say sưa và ấm cúng. Thời đại cũ, hầu hết bà con nông dân ta đều không biết đọc, biết viết nhưng “đối cảnh sinh tình”, nhiều anh, nhiều chị đã ứng khẩu hát lên thành chuyện.
Thôn Xuân Liệu (thuộc xã Đại Lộc, Can Lộc) bùn chua nước mặn – ruộng đất cũng như các thôn, xóm khác - đã bị chủ chiếm đoạt gần hết, người nông dân Xuân Liệu phải sinh sống thêm bằng nghề bắt con cua đồng, con cáy hôi, đem về giã giã, phơi phơi làm “ruốc cua”, “ruốc cáy” để bán cho bà con. Trong cuộc sống vất vả và có cạnh tranh nhau chút ít ấy, người ta hát:
Đất Đồng Môn dệt vải,
Đất Cổ Đạm vắt nồi,
Bố Chính vắt bình vôi
Đất Xuân Liệu bầy tui,
Ra bắt nạm cáy hôi...
...Về đâm đâm, phơi phơi.
Tay tui múc miệng mời,
Ruốc tui ngon lắm bà ơi,
Ngon bằng năm ruốc họ,
Ngon bằng mười ruốc họ
Gặp lúc mưa thuận, gió hòa, được mùa, no ấm thì người ta phấn khởi và tin tưởng, thấy trước được kết quả lao động của mình:
Trời mưa cho một trộ,
Nước đầy đội, đầy đồng,
Nước mặn chảy dưới sông,
Nước ngọt chảy trên đồng...
... Khoai to cổ nứt vồng,
Ló nặng hạt, dài bông,
Mùa tháng năm cũng được,
Mùa tháng mười cũng được.
Là một hình thức sinh hoạt văn nghệ phổ cập của quần chúng, hát giặm cũng đã góp công nhiều trong việc xây dựng và bảo tồn cái vốn “thuần phong mỹ tục” trong dân gian. Những tay hát giặm có tài, thường cũng dùng khả năng của mình vào việc giáo dục.
Hát Giặm trở thành nét sinh hoạt văn hóa của người dân Hà Tĩnh |
Mọi biến cố của lịch sử nước nhà, mọi sinh hoạt đấu tranh, sản xuất của nhân dân qua từng thời đại, đều được ghi lại chân thành trong những câu văn hát giặm của người dân Hà Tĩnh. Hàng trăm, hàng ngàn bài hát giặm, hoặc giặm vè còn truyền khẩu lưu hành trong nông thôn. Ngoài những bài hát có tính chất địa phương, ghi lại một mẩu sống của một vùng, được nhân dân vùng đó nhắc nhở, còn có một số bài như Phụ tử tình thâm, Mẹ dòng lệch gối nghiêng chăn... được phổ biến rất rộng rãi, khắp trong các huyện, không nơi nào là không có người biết hát. Cố nhiên, những bài, những đoạn còn được lưu truyền đó là những bài tiêu biểu, đã được nhân dân sàng lọc, yêu thích và giữ gìn.
Tình yêu trai gái ngày xưa cũng đã được biểu hiện trong văn chương hát giặm. Chúng ta thấy ở thời đại nào, địa phương nào, thì tình yêu trai gái, hạnh phúc tuổi trẻ, vẫn là một lẽ sống tha thiết của con người.
Để tỏ tình yêu tha thiết, các anh, các chị đã hát:
... Nghe đồn chợ Cầu hơn độ,
Nghe đồn chợ Trổ hơn vưng
Gạo chợ Chế cầm thưng
Bạc chợ Thượng cầm chừng
Tui với bạn ta chung lưng
Tui góp vô năm quan tiền đồng
Bạn góp vô năm quan tiền đồng
Ai chung nữa cũng không
Vô đàng trong ta chạm gạo
Ra đàng ngoài ta chạm gạo...
Tình yêu không tách rời lao động. Biểu lộ tình yêu như thế này thì thật là trong sáng vô cùng! Trai gái yêu nhau, trai tìm tới gái, người ta đã dùng hình ảnh bến nước thuyền tình. Thuyền tìm đến bến, không bao giờ bến lại đi tìm thuyền! Những người nông dân, với thi tứ dồi dào, còn dùng một hình ảnh khác gần gũi, mộc mạc, rắn chắc hơn.
Trong thời kỳ kháng chiến, hát giặm đã đi theo nhân dân từ đồng ruộng phì nhiêu của hậu phương, ra tiền tuyến. Với sự động viên và hướng dẫn của các cơ quan tuyên truyền, hát giặm đã trở nên một món văn nghệ không thể thiếu trong các cuộc tập trung. Cụ Lê Bá Tuân đã được mệnh danh là “Lê Bá Vè”, là một hiện tượng của hát giặm trong thời kháng chiến chống Pháp.
Hát giặm đã nói lên vai trò nông dân trong cuộc đấu tranh võ trang giành độc lập dân tộc.
... Ngoài tiền phương súng nổ,
Đa số là nông dân,
Trong xưởng máy nhọc nhằn,
Nơi đồng ruộng kiệm cần,
Nào lật đất, trau phân,
Nhân lực góp trăm phần,
Tài lực góp trăm phần,
Vật lực góp trăm phần,
Trong kháng chiến nguy nan,
Nông dân ta đủ mặt,
Bạn dân cày đủ mặt...
Hát giặm Hà Tĩnh rất dồi dào và sinh động. Cùng với hát ví, hát giặm là một bộ môn văn nghệ dân gian của nhân dân Hà Tĩnh, Nghệ Tĩnh. Hát giặm có khả năng phản ánh sinh hoạt nhân dân, động viên nhân dân sản xuất và chiến đấu. Hát giặm được nhân dân tỉnh nhà yêu thích, nâng niu, ấp ủ, bồi đắp từ bao đời nay.
Thanh Minh
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã