Chúng tôi gặp ông Vũ Xuân Bình, thôn Tân Thành, xã Ngọc Khê (Ngọc Lặc) khi ông đang kiểm tra nhiệt độ trong phòng ủ giống. Vừa làm việc, ông vừa chia sẻ: “Thời điểm khởi nghiệp, tôi gặp nhiều khó khăn, từ thiếu vốn, thiếu nhân lực có kỹ thuật đến đầu ra sản phẩm. Bên cạnh đó, meo giống phải mua lại từ cơ sở khác nên tỷ lệ lên giống thành công không cao”. Không nản chí, ông dành thời gian tìm nguyên nhân thất bại để tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển nghề nấm. Đến năm 2015, sau khi theo học các lớp tập huấn về trồng nấm, ông quyết định mua 10.000 bịch phôi giống về trồng. Với số vốn đầu tư 6 tỷ đồng, ông sử dụng để xây nhà trồng với diện tích gần 2 ha và đầu tư máy móc, như: Sàng rung, nồi hơi, máy thanh trùng, máy đóng bịch..., công nghệ tưới nhỏ giọt để tiết kiệm chi phí thuê nhân công. Ông Bình cho biết, mỗi loại nấm đều có kỹ thuật trồng và chăm sóc khác nhau. Để có được sản phẩm đạt chất lượng cao thì quan trọng nhất là khâu chọn giống sau đó là cách ủ nguyên liệu. Nguyên liệu phải được lựa chọn kỹ càng, loại bỏ hết các tạp chất, thanh trùng sạch sẽ. Bên cạnh đó, ông luôn tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến nấm theo hướng an toàn từ khâu trồng cấy nấm, chăm sóc tưới bằng nước sạch đến vệ sinh khu trồng hằng ngày. “Hiện nay, người tiêu dùng luôn lựa chọn các sản phẩm sạch và an toàn, nên gia đình tôi sản xuất nấm hoàn toàn theo phương thức hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học”, ông Bình tiếp lời. Gia đình ông Bình là hộ duy nhất trên địa bàn huyện Ngọc Lặc triển khai mô hình trồng nấm với số lượng lớn, ban đầu chỉ sản xuất các loại nấm ăn, như: Nấm sò, nấm mỡ, nấm hương.... Đến nay, gia đình ông đã mở rộng trồng thêm các loại nấm dược liệu có giá trị kinh tế cao, như: Nấm linh chi, nấm lim... Mỗi năm trung bình ông xuất bán 300 tấn nấm các loại, doanh thu đạt khoảng 1 tỷ đến 1,5 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 16 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 đến 4,5 triệu đồng/tháng. Hiện nay, sản phẩm nấm từ trang trại của ông được xuất bán đi thị trường trong và ngoài tỉnh, như: Ninh Bình, Hà Nội, Nam Định... Không những thế, đây còn là “điểm đến” cho những người có đam mê nghề nấm chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác đầu tư. Được biết, trang trại nấm của ông Bình còn nhận chuyển giao kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân địa phương và các huyện Bá Thước, Quan Sơn.
“Được đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm, tôi nhận thấy trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế. Khi bắt tay vào làm, tôi chỉ có một mong muốn là xây dựng được thương hiệu nấm của quê hương”. Đó là những lời tâm sự của người thanh niên Lê Đình Trúc ở xã Yên Thọ (Như Thanh) khi lựa chọn phát triển kinh tế bằng mô hình trồng nấm hữu cơ. Từ ý tưởng đến khi bắt tay thực hiện, anh Trúc phải mất hơn 1 năm nghiên cứu, học tập kinh nghiệm sản xuất. Trên diện tích đất 1 ha, anh xây dựng 2 khu riêng biệt, đó là khu trồng và sơ chế. Năm 2016, sau lần thu hoạch đầu tiên có triển vọng, anh tiếp tục vay mượn 2 tỷ đồng để đầu tư mua máy móc, như: Dây chuyền đóng bịch, lò hấp sấy... nhằm nâng cao chất lượng của sản phẩm và trồng theo quy trình VietGap. Để tiết kiệm chi phí, anh còn tự sản xuất giống các loại nấm, như: Nấm mỡ, nấm sò... Ngoài ra, cơ sở của anh còn cung ứng giống nấm cho các tỉnh, thành như: Hà Nội, Quảng Ninh... Mỗi năm, sản lượng trung bình 30 tấn/năm, trừ chi phí, anh thu lãi từ 200 đến 300 triệu đồng/năm. Anh Trúc dự kiến thời gian tới sẽ đầu tư, mở rộng diện tích trồng, tập trung vào các loại nấm dược liệu có giá trị kinh tế cao.
Thực tế cho thấy, mô hình trồng nấm đã mở ra hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, có khả năng nhân rộng. Theo bà Phạm Thị Hà, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn UBND huyện Ngọc Lặc thì trồng nấm là phương thức phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế. Song, đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, kỹ thuật cao mà không phải người dân nào cũng đáp ứng được. Do đó, dù đã nhận thấy hiệu quả và triển vọng kinh tế nhưng trên địa bàn huyện chưa nhân rộng được. Để duy trì và phát triển nghề trồng nấm, các cơ sở cần chủ động học hỏi, nắm bắt kỹ thuật phục vụ sản xuất, chủ động nguồn giống bảo đảm chất lượng nhằm hạn chế rủi ro.