Phương châm của Đề án là “hợp tác, liên kết, thị trường”; lấy việc giảm chi phí, tăng chất lượng, nâng cao giá trị nông sản là con đường ngắn nhất để tăng thu nhập cho nông dân. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp chọn ra 5 ngành hàng chủ lực để tái cơ cấu sản xuất, gồm: lúa gạo, hoa, cây cảnh, xoài, cá tra và vịt. Qua 5 năm thực hiện, có thể khẳng định, Đề án trên của tỉnh Đồng Tháp đã đi đúng hướng và đạt được những kết quả ban đầu rất đáng phấn khởi. Lúa gạo từ lâu đã được xem như là một trong những ngành hàng có thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó việc tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo ở Đồng Tháp đã tập trung vào công tác tổ chức lại sản xuất, áp dụng các biện pháp giảm giá thành, tạo ra sản phẩm mới từ phụ phẩm để nâng cao giá trị ngành hàng, từ đó góp phần giảm chi phí và tăng lợi nhuận từ 1 triệu đến 6 triệu đồng/ha so với quy trình sản xuất truyền thống.
Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện 6 giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành trong sản xuất lúa gạo, cùng triển khai cơ giới hóa trên đồng ruộng, đẩy mạnh mô hình cánh đồng lớn; đồng thời thí điểm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ…Cùng với đó, Đồng Tháp cũng chú trọng đến khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa người sản xuất và các doanh nghiệp. Do có sự liên kết chặt chẽ, nên sản lượng lúa gạo đã được các doanh nghiệp, công ty liên kết tiêu thụ tăng dần qua các năm, việc liên kết tiêu thụ giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận bình quân từ 3 triệu đến 4 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất truyền thống. Lợi nhuận bình quân 1ha sản xuất lúa trong vụ đông xuân ở Đồng Tháp đạt 13,1 triệu đồng, tăng 1,9 triệu đồng; vụ hè thu là 9 triệu đồng, tăng 340 nghìn đồng và vụ thu đông là 10,9 triệu đồng, tăng 2,3 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2016. Ngoài ra, các ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện thí điểm nhiều mô hình sản xuất lúa tiên tiến như sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; “Ứng dụng công nghệ cao sản xuất lúa hữu cơ” trên 2 loại giống IR 50404 và VD 20, giảm 20% giá thành sản xuất, tăng phẩm chất hạt gạo... tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, qua đây giúp người nông dân tiếp cận được với khoa học kỹ thuật áp dụng trong sản xuất lúa, nâng cao nhận thức cũng như trình độ canh tác.
Cùng với cây lúa, xoài là cây trồng được tỉnh Đồng Tháp chọn lựa là một trong 5 ngành hàng của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều mô hình về thực hành rải vụ đã được ngành nông nghiệp tập trung đẩy mạnh ở 2 khu vực trồng xoài trọng điểm của tỉnh là TP.Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh. Sau 5 năm, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã xây dựng được 6 điểm thực hành sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn và 6 mô hình canh tác xoài rải vụ đủ điều kiện sản xuất an toàn với tổng diện tích trên 416 ha, đến nay diện tích sản xuất rải vụ thu hoạch cả tỉnh đạt 6.300ha. Đồng Tháp cũng đã nhân rộng mô hình trình diễn bao trái xoài trên 85% diện tích đã bao trái. Kết quả thực hiện rải vụ thu hoạch xoài đã khắc phục được tình trạng rớt giá, giúp nhà vườn có thu nhập tốt hơn. Từ các mô hình trên, các nhà vườn trồng xoài ở Đồng Tháp chủ động liên kết trong tiêu thụ xoài, nhiều công ty như Good life, Rồng Đỏ, Long Uyên và Hợp tác xã xoài Mỹ Xương đã thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các nhà vườn, sản lượng xoài được các công ty liên kết thu mua đạt trên 1.000 tấn. Năm 2017, sản lượng liên kết tiêu thụ đạt trên 3.700 tấn. Ngoài thị trường nội địa, xoài tươi còn được xuất sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc..., một số công ty phát triển các sản phẩm xoài chế biến dạng sấy và đông lạnh.
Đến nay, Đồng Tháp đã có 2 mô hình đạt chứng nhận GlobalGAP với tổng diện tích trên 33 ha, có 2 mô hình đạt chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 48ha.Đồng thời ngành chức năng cũng hỗ trợ huyện Cao Lãnh xây dựng nhãn hiệu hàng hóa “Xoài Cao Lãnh”, “Xoài Cát chu Cao Lãnh”. Có thể thấy, từ việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp các ngành hàng sản xuất, Đồng Tháp đã xây dựng và quảng bá được thương hiệu xoài Cao Lãnh rộng khắp trong cả nước và nhiều nước trong khu vực châu Á.
Bên cạnh cây lúa và cây xoài, ngành hàng hoa cây cảnh ở Đồng Tháp cũng nằm trong đề án tái cơ cấu. Từ khi Đề án khởi động đến nay, diện tích hoa cây cảnh của tỉnh Đồng Tháp đã tăng từ trên 400ha vào năm 2013 lên trên 526 ha đến thời điểm này. Hoa, cây cảnh Sa Đéc cũng đã góp phần thúc đẩy du lịch địa phương phát triển, hình thành thương hiệu “Thành phố hoa Sa Đéc” trên bản đồ du lịch Việt Nam. Làng hoa Sa Đéc đã hình thành được Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, khu nghiên cứu công nghệ sinh học, tăng cường các giống hoa mới, đồng thời xây dựng được những mô hình trồng hoa phục vụ du lịch. Đây là bước tiến quan trọng để phát triển làng hoa Sa Đéc thành thành phố 4 mùa hoa.
Hoa, cây cảnh Sa Đéc góp phần thúc đẩy du lịch địa phương phát triển (Nguồn: Vietnamnet)
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng là một trong những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong nền sản xuất nông nghiệp ở Đồng Tháp, đặc biệt là nuôi thả cá tra.Từ sau khi khởi động Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, ngành hàng cá tra của địa phương này cũng đã có những bước chuyển tích cực. Trong đó, Đồng Tháp đã thực hiện thành công xây dựng chuỗi liên kết giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp chế biến. So với năm 2013, diện tích của các hộ cá thể liên kết với các doanh nghiệp chế biến chiếm khoảng 11% thì đến nay diện tích này đã lên đến trên 80%. Việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giúp người nuôi ổn định được đầu ra, từng bước thay đổi tập quán trong sản xuất và kinh doanh từ nhỏ lẻ sang sản xuất có tổ chức, áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật tiến bộ. Đồng thời giảm dần việc sản xuất tự phát, dẫn đến sản phẩm sản xuất ra bị dư thừa, gây tổn thất cho người nuôi.
Hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có 20 doanh nghiệp tham gia hoạt động nuôi cá tra xuất khẩu với diện tích trên 965ha, chiếm khoảng 64% diện tích nuôi của toàn tỉnh. Còn lại là diện tích của hộ cá thể, trong đó diện tích liên kết với các doanh nghiệp khoảng 475 ha/238 cơ sở. So với trước khi thực hiện tái cơ cấu, thu nhập của người dân đã tăng đáng kể, năm 2013, thu nhập bình quân của người nuôi cá tra là 288 triệu đồng/ha, thì đến năm 2014 đã tăng lên mức 312 triệu đồng, tăng 24 triệu đồng và đến năm 2017, thu nhập của người nuôi đạt 1.022 triệu đồng/ha, tăng 734 triệu đồng so với năm 2013. Cùng với nuôi thả cá tra, người nông dân Đồng Tháp cũng đã thành lập ra các tổ hợp tác chăn nuôi gia cầm, trong đó chú trọng vào chăn nuôi vịt đàn, đây là thế mạnh của địa phương do có điều kiện tự nhiên thích hợp với nghề chăn nuôi vịt. Hiện Đồng Tháp thành lập được 6 tổ hợp tác chăn nuôi vịt hướng trứng với tổng đàn vịt là 227.690 con. Các tổ hợp tác sản xuất có gắn kết với các doanh nghiệp thu mua trứng vịt và các công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi nên người chăn nuôi an tâm sản xuất, chi phí đầu vào thấp, chất lượng trứng tốt hơn nên giá thành sản phẩm cũng cao hơn từ 150 đồng đến 250 đồng/trứng so với giá trứng của các hộ nuôi vịt chạy đồng hoặc không có liên kết sản xuất – tiêu thụ.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, điều đáng mừng là khi thực hiện Đề án có sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp, người dân, xem trọng chất lượng nông sản, lợi nhuận, giá thành sản phẩm hơn là năng suất, sản lượng, có trách nhiệm với cộng đồng. Đặc biệt, tốc độ dịch chuyển lao động từ nông nghiệp diễn ra nhanh chóng từ chỗ có đến 69% nay chỉ còn 53% trong tổng lao động xã hội. Trong quá trình tái cơ cấu, Đồng Tháp luôn xác định rõ khoa học công nghệ là động lực cho tăng trưởng. Tỉnh ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào nông nghiệp, xây dựng nhiều mô hình sản xuất thực hành tốt, triển khai kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhằm góp phần tạo dựng thương hiệu cho nông sản của địa phương, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Cụ thể, tỉnh đã triển khai các mô hình giảm giá thành sản xuất lúa, giúp chi phí giảm trên 600 đồng/kg, mang lại lợi nhuận cao gần gấp đôi so với sản xuất theo tập quán cũ. Không chỉ vậy, sản xuất, chế biến gạo với quy trình sản xuất hiện đại đã tạo ra những thương hiệu nổi tiếng như Nosavina, Kim Trường Xuân, Sếu Đỏ, Hương Tràm v.v…
Là địa phương đầu tiên trong cả nước được Trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng và thực hiện “Đề án tái cơ cấu nông nghiệp”, đến nay, có thể khẳng định Đồng Tháp bước đầu đã tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành kinh tế mũi nhọn vốn còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp cũng rất cần sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ một số cơ chế, chính sách, đó là việc điều chỉnh chính sách trong đầu tư công theo hướng ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm; ưu tiên đầu tư khoa học - công nghệ đối với các ngành hàng chủ lực, đặc biệt là công nghệ bảo quản sau thu hoạch và nâng cao chất lượng nông sản; phát triển thị trường nông sản, bảo hiểm nông nghiệp, cho thực hiện thí điểm chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, tổ hợp tác, miễn thuế vượt hạn điền để các chủ trang trại, tổ hợp tác mạnh dạn mở rộng đầu tư, quy mô sản xuất lớn, đồng thời thí điểm một số chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất, hỗ trợ vốn vay…/..
Tác giả bài viết: NS
Nguồn tin: cpv.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã