Học tập đạo đức HCM

Sản xuất nông nghiệp trước biến đổi khí hậu – Bài 1

Thứ ba - 25/09/2018 03:46
Sản xuất nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Bài 1: Nhiều hệ lụy

Sản xuất của hai lĩnh vực mũi nhọn là trồng lúa và nuôi trồng thủy sản chưa an toàn, thiếu bền vững và thiệt hại khá nghiêm trọng trong thời gian qua. Tác động bất lợi của hiện tượng tự nhiên đó hiện nay gây nhiều hệ lụy cho sản xuất nông nghiệp như: hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt, bão lũ, mùa vụ thất bát, chi phí sản xuất lớn, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển… Trước tình trạng bất lợi này, tỉnh Kiên Giang huy động nhiều nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đồng thời, đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định, an toàn, bền vững, hiệu quả trước mắt cũng như về lâu dài.

Chú thích ảnh
Bà con huyện Hòn Đất tập trung bơm nước, cứu lúa. Ảnh: Lê Sen/TTXVN

Kiên Giang là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích đất trồng lúa 357.500 ha, tập trung ở 3 vùng sinh thái là Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu và U Minh Thượng. Với tiềm năng, lợi thế đất sản xuất này, Kiên Giang dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa nhiều năm qua, hơn 4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng bất lợi đến trồng lúa ở Kiên Giang, gây nhiều hệ lụy trong sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân.

Nỗi lo hạn mặn

Trên 3 vùng sinh thái trồng lúa ở tỉnh Kiên Giang, vùng Tứ giác Long Xuyên đất bị nhiễm phèn nặng, ngập úng cục bộ, lũ hàng năm và ven biển bị nhiễm mặn; vùng Tây sông Hậu đất ít nhiễm phèn, nước ngọt quanh năm và ảnh hưởng lũ sông Mekong; vùng U Minh Thượng đất bị nhiễm phèn, mặn nặng, mùa khô thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn, canh tác chủ yếu nhờ vào nước trời mưa. Chính điều kiện tự nhiên bất cập đó cùng với biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ nên sản xuất lúa của Kiên Giang chưa thật sự an toàn, bền vững và hiệu quả, năng suất, chất lượng lúa còn hạn chế, chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường xuất khẩu.

Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất nông nghiệp tỉnh Kiên Giang. Chẳn hạn như, vụ Mùa và Đông Xuân 2015 - 2016 dứt mưa sớm, mặn xâm nhập làm thiệt hại hơn 56.500 ha lúa. Sản xuất lúa năm 2016 so với năm 2015, diện tích gieo trồng giảm 3.431 ha, năng suất giảm 0,6 tấn/ha, sản lượng giảm hơn 481.200 tấn.

Năm 2017, sản xuất vụ lúa Mùa do nắng hạn, mặn xâm nhập, khâu rửa mặn không triệt để đã gây thiệt hại 10.455 ha, dịch muỗi hành gây hại trên 38.000 ha. Sản xuất lúa Đông Xuân, giai đoạn lúa trỗ trùng vào thời điểm mưa nhiều kéo dài, dông lốc làm đổ sập, úng ngập hàng chục nghìn ha. Vụ Hè Thu và Thu Đông bị ngập úng, ngã đổ hơn 7.150 ha. Tiếp đến, sản xuất lúa Đông Xuân 2017 - 2018, khoảng 20.000 ha ở vùng Tứ giác Long Xuyên rơi vào tình trạng hạn mặn, thiếu nước ngọt tưới tiêu, các địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp để cứu lúa, giảm thiểu thiệt hại.

Những năm gần đây, diện tích đất trồng lúa của tỉnh Kiên Giang tăng thêm khoảng 20.000 ha do chuyển đổi từ đất rừng ở địa bàn các huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên và An Minh, U Minh Thượng thuộc vùng U Minh Thượng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, trong chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất trồng lúa, tỉnh đã chuyển đổi từ cơ cấu 2 vụ lúa Đông Xuân - Hè Thu sang cơ cấu 3 vụ lúa Đông Xuân - Hè Thu - Thu Đông ở những diện tích có đê bao kiểm soát lũ đảm bảo ở các huyện thuộc vùng Tây sông Hậu (Giồng Riềng, Tân Hiệp) và ở vùng Tứ giác Long Xuyên (Hòn Đất). Khu vực ven biển vùng U Minh Thượng và Tứ giác Long Xuyên từ trồng lúa không ổn định do thiếu nước ngọt, nông dân chuyển hướng phát triển mạnh mô hình sản xuất luân canh vụ lúa, vụ tôm. Ngoài ra, chuyển đổi một số diện tích từ đất lúa 2 vụ sang mô hình lúa - màu ở Giang Thành, Hòn Đất, Vĩnh Thuận và Giồng Riềng.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang chia sẻ, sản xuất lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu, tỉnh thực hiện liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm để nâng cao giá trị lúa hàng hóa. Cùng đó, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và dịch vụ; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng để tăng năng suất, chất lượng. Đồng thời, khuyến cáo nông dân chọn lựa những giống lúa năng suất, chất lượng cao phù hợp với biến đổi khí hậu và điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng để gieo sạ; đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất.

Chú thích ảnh
 Bà con huyện Hòn Đất gia cố đê bao cứu lúa. Ảnh: Lê Sen/TTXVN

Trong 2 năm (2017 - 2018), tỉnh đã thực hiện xây dựng 170 cánh đồng lớn sản xuất lúa theo hướng VietGAP, quy mô hàng chục nghìn hécta, với hơn 20 doanh nghiệp liên kết hỗ trợ giống, vật tư, tập huấn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Các mô hình tổ chức sản xuất được củng cố và kiện toàn, nhất là hợp tác xã, trang trại, tổ hợp tác, từng bước hình thành liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; gắn kết các doanh nghiệp với hợp tác xã đề nâng cao chuỗi giá trị.

Việc chuyển giao, nhân rộng các mô hình canh tác lúa phù hợp với quy hoạch và vùng sinh thái nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng chất lượng gạo VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Chọn tạo nhiều giống chống chịu hạn mặn gieo trồng như: GKG9, GKG24...; chú trọng mô hình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất.

Đặc biệt, mô hình lúa - tôm cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với các vùng ven biển, thiếu nước ngọt được xem là “mô hình sản xuất thông minh” trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường; sản xuất lúa VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ trên nền lúa - tôm.
Cùng với đó, Kiên Giang tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống thủy lợi, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất lúa, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cụ thể như xây dựng 15 cống thủy lợi trên tuyến đê biển An Biên - An Minh để kiểm soát mặn, giữ ngọt cho sản xuất vùng U Minh Thượng; nạo vét hơn 2.700 km kênh mương, nâng cấp trên 600 công trình thủy lợi nội đồng và đầu tư 117 cống thủy lợi, hơn 1.250 trạm bơm trên các vùng sản xuất; cơ bản hoàn thành hệ thống kênh thoát lũ, dẫn ngọt vùng Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, ngăn mặn. Nhờ vậy, hơn 300.000 ha lúa hai vụ/năm (Đông Xuân - Hè Thu) chủ động được nguồn nước sản xuất và trên 90.000 ha có khả năng sản xuất 3 vụ lúa/năm.

Chủ động ứng phó

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 đạt trên 4,5 triệu tấn lúa, dẫn đầu cả nước về sản lượng, phục vụ xuất khẩu gạo và tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm nhấn mạnh, “Yêu cầu đặt ra hiện nay là phải chuyển đổi cơ cấu đất lúa một cách phù hợp với từng tiểu vùng, chú trọng thâm canh, tăng vụ để khai thác có hiệu quả quỹ đất trồng lúa trên địa bàn. Ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa chất lượng cao để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí, tạo giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
 

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa Hè Thu ở xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Theo đó, Kiên Giang tập trung thực hiện đề án kiểm soát mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt của nhân dân giai đoạn 2016 – 2020. Dự án điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Cùng đó, canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính; đề tài khoa học nghiên cứu chọn tạo giống lúa ngắn ngày chống chịu mặn, năng suất cao và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu... Đồng thời, tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lũ, đối phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và giám sát biến đổi khí hậu, đầu tư, nâng cấp trạm khí tượng, thủy văn, trạm đo mưa, đo mặn mùa khô, đo mực nước.

Trước tình hình biến đổi khí hậu ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất nông nghiệp, tỉnh cũng đề nghị Trung ương bố trí vốn xây dựng hoàn thiện hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt và điều tiết nước để phục vụ cho sản xuất trên địa bàn; thực hiện các dự án, công trình ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn; đồng thời xem xét phê duyệt dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu và một số tỉnh lân cận trong khu vực.  

Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng sản xuất các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, xây dựng cánh đồng lớn để nâng cao giá trị lúa hàng hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư vào sản xuất lúa. Phát triển mô hình sản xuất lúa - tôm khoảng 100.000 ha năm 2020, tập trung ở vùng U Minh Thượng và vùng ven biển Tứ giác Long Xuyên. Tiếp tục nâng cao chất lượng vùng sản xuất lúa quy mô tập trung, chuyên canh chất lượng cao khoảng 120.000 ha ở Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng khẳng định, tỉnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trước tình hình biến đổi khí hậu, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, hàng hóa tập trung; trong đó, có sản xuất lúa; phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ để nền nông nghiệp tỉnh Kiên Giang sản xuất ổn định, bền vững và hiệu quả, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.

TTXVN

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập404
  • Hôm nay50,653
  • Tháng hiện tại847,351
  • Tổng lượt truy cập90,910,744
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây