Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, cần có sự hỗ trợ về cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, đất đai... để nông nghiệp hữu cơ có thể phát triển bền vững theo xu thế hội nhập.
Đây là nhận định của các đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước tại Diễn đàn quốc tế Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phát triển và hội nhập. Diễn đàn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Hiệp hội hữu cơ Việt Nam tổ chức sáng ngày 16/12 tại Hà Nội.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nông nghiệp hữu cơ sẽ đáp ứng một phân khúc thị trường cao cấp, cần thiết, giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn, chất lượng hơn với thế giới và mang trọng trách cho tương lai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN.
Nông nghiệp hữu cơ không thể phát triển theo phong trào ồ ạt, chưa thể sớm thành sản phẩm phổ cập cho mọi người mà đòi hỏi phát triển hết sức bài bản, khoa học.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phát triển nông nghiệp hữu cơ phải trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, xác định, lựa chọn chính xác chủng loại sản phẩm, quy mô, vùng sản xuất sản phẩm thích hợp với nhu cầu của từng thị trường để khai thác lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, xã hội, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Đồng thời, ưu tiên sản xuất cây trồng bản địa Việt Nam có giá trị cao, gắn với du lịch sinh thái, tuân thủ chặt chẽ các quy định quốc tế về tiêu chuẩn.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tiếp thu và cụ thể hóa những ý kiến, sáng kiến, kiến nghị của diễn đàn; biến các ý tưởng hôm nay thành hành động của các ngành, các cấp để triển khai nền nông nghiệp hữu cơ Việt Nam trong giai đoạn tới không chỉ cao về tốc độ mà bền vững về chất lượng, thị trường.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông ngiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở trong nước đã được chú ý phát triển.
Cho đến nay, đã có 33/63 tỉnh, thành phố đã có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích khoảng 70.600 ha, tăng trên 3,6 lần so với năm 2010, tập trung tại một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Lào Cai, Hà Giang, Lâm Đồng, Hà Nam, Nghệ An... với các hình thức, quy mô, sản phẩm rất đa dạng.
Đáng chú ý, một số tập đoàn lớn như TH true milk, Vinamilk đã đi đầu trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và đã được chứng nhận của các tổ chức quốc tế. Hiện các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tới các thị trường khó tính như EU, Mỹ.
Là doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực này, đến nay Tập đoàn TH true milk đã có 37 loại rau sạch và 5 loại thảo dược được tổ chức Control Uni-on cấp chứng nhận hữu cơ USDA-NOP và EC 834/2007, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Dự kiến trong năm 2018, Tập đoàn TH mở rộng diện tích trồng rau củ quả hữu cơ thêm 20 ha (tại Nghệ An) và trồng lạc, đậu tương hữu cơ trên diện tích 50 ha (tại Thái Bình).
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Tập đoàn TH đã gây dựng đàn bò, bê chuyển đổi hữu cơ quy mô lớn nhất Việt Nam với tổng đàn lên tới gần 1.000 con. Diện tích đồng cỏ, ngô hữu cơ là 328ha, sản lượng sữa tươi hữu cơ nguyên liệu lên tới 1,5 triệu lít/năm.
Sữa tươi hữu cơ đã được chế biến tại Nhà máy sữa tươi sạch TH. Sản phẩm được kiểm soát chất lượng chặt chẽ theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000:2005, 9001: 2008 và Tiêu chuẩn Quốc tế về An toàn Thực phẩm BRC (The BRC Global Standard for Food Safety).
Ở mô hình hợp tác xã, bà Hoàng Thị Hậu, Trưởng nhóm Hội nông dân - Liên nhóm Rau hữu cơ Thanh Xuân (Hà Nội) cho hay, mô hình sản xuất rau hữu cơ đã thu hút được 235 thành viên, trên diện tích gần 40 ha rau hữu cơ.
Mô hình đã đem lại nhiều lợi ích như sức khoẻ con người sản xuất được đảm bảo, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và sức khoẻ người tiêu dùng - đây là lợi ích lớn nhất của mô hình đem lại không thể tính bằng tiền.
Rau hữu cơ. Ảnh: Quân Trang-TTXVN
Tuy lợi nhuận mà người sản xuất chưa phải là cao so với công sức bỏ ra, nhưng sản phẩm rau hữu cơ đã được chứng nhận của hệ thống PGS. Đến nay, sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã đã tạo được lòng tin của người tiêu dùng, là tiền đề thúc đẩy cho sự phát triển nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để mở rộng sản xuất, hợp tác xã gặp khó khăn do quỹ đất giành cho nông nghiệp có giới hạn, vốn vay ưu đãi...
Do đó, bà Hậu kiến nghị, Nhà nước, chính quyền địa phương giành quỹ đất, quy hoạch đất để phát triển nông nghiệp hữu cơ; vốn vay ưu đãi để người sản xuất dễ tiếp cận. Đặc biệt, cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về nông nghiệp hữu cơ.
Đồng quan điểm này, bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH đề xuất, Nhà nước cần sớm đưa ra bộ tiêu chí sản phẩm quốc gia về nông nghiệp hữu cơ để doanh nghiệp dựa vào đó phấn đấu. Bên cạnh đó, tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp, bởi hiện nay sự phân biệt về sản phẩm hữu cơ được chứng nhận và sản phẩm hữu cơ "tự phong" là chưa rõ ràng.
Ông Nguyễn Văn Khang, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam cho biết, Hà Nam hiện có hơn 200 ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cho giá trị kinh tế cao gấp 5 lần so với truyền thống.
Tuy nhiên, một khó khăn trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ là thay đổi thói quen của người dân. Bên cạnh đó, đầu vào cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ có chi phí rất cao. Trong khi đó, đầu ra của sản phẩm này hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn, bởi người tiêu dùng không phải ai cũng phân biệt được.
Do đó, ông Khang cũng kiến nghị, cần sớm ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về tiêu chuẩn đầu vào, quy trình sản xuất cần được công bố để phân biệt sản xuất hữu cơ với các sản phẩm khác để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Ngoài ra, cần tuyên truyền vận động người dân sản xuất hữu cơ, nhưng phải từng bước, cần phải có lộ trình cụ thể.
Để phát triển nông nghiệp hữu cơ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã đưa ra một số giải pháp như: quy hoạch và bảo vệ đất đai, nguồn nước hiện chưa bị hoặc ít bị ô nhiễm và còn phù hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng hàng hoá.
Hoàn thiện hệ thống chính sách tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, thanh tra, giám sát liên quan đến nông nghiệp hữu cơ; giúp người tiêu dùng an tâm sử dụng các sản phẩm đã có chứng nhận đạt tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ, đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ... Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở lựa chọn những sản phẩm có lợi thế so sánh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và điều kiện kinh tế xã hội địa phương./.
Tác giả bài viết: Thành Trung
Nguồn tin: bnews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã