Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự và Tỉnh trưởng Nakhon Phanom cùng các doanh nghiệp Thái Lan trao đổi bên lề hội nghị |
P.V:Hà Tĩnh, Khăm Muộn, Nakhon Phanom là 3 trong 9 tỉnh của 3 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan có sử dụng đường 8, đường 12 và nằm trong hành lang kinh tế Đông – Tây với nhiều tiềm năng, lợi thế. Trong các cuộc hội nghị này, các bên đã nhìn nhận, đánh giá về tiềm năng, lợi thế đó như thế nào, thưa ông?
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự: Tại các lần hội nghị, cũng như các cuộc gặp gỡ khác, các bên đã trao đổi, thảo luận, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện những nội dung tại biên bản hội đàm cấp cao, trong đó nhấn mạnh đến việc phát huy lợi thế của tuyến đường 8 và đường 12 trong phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch. Đặc biệt, lần này, chủ trương của đoàn cấp cao Hà Tĩnh là cụ thể hóa kết luận của BTV Tỉnh ủy về mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế đối ngoại với các nước, đặc biệt là các nước láng giềng, trước hết là Lào và Thái Lan.
Trong thời gian qua, giữa Hà Tĩnh với Khăm Muộn và Nakhon Phanom đã đạt được nhiều kết quả hợp tác trong các lĩnh vực và đã phát triển sang chiều sâu, hiệu quả hơn. Đã có các dự án đầu tư về sản xuất theo hướng liên kết vùng và liên vùng 9 tỉnh của 3 nước Việt Nam – Lào – Thái Lan sử dụng đường 8 và đường 12 nối với các tỉnh của Lào và các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan.
Đặc biệt, sau khi cầu Hữu Nghị 3 được khánh thành, việc kết nối các tỉnh Hà Tĩnh - Khăm Muộn - Nakhon Phanom cũng như các tỉnh khác của 3 nước bằng đường bộ hết sức thuận lợi. Từ cảng Vũng Áng đi theo đường 12 qua Khăm Muộn đến Nakhon Phanom và theo đường 8 qua Bôlykhămxay đến Nakhon Phanom chỉ từ 300 - 350 km.
Sau khi cầu Hữu Nghị 3 được khánh thành, việc kết nối các tỉnh Hà Tĩnh - Khăm Muộn - Nakhon Phanom cũng như các tỉnh khác của 3 nước bằng đường bộ hết sức thuận lợi. |
Chúng ta đã, đang và sẽ khai thác hành lang kinh tế Đông – Tây này để kêu gọi đầu tư vào KKT Vũng Áng, Cầu Treo trên các lĩnh vực dịch vụ thương mại, du lịch gắn với khai thác kinh tế biển. Các tỉnh vừa là hậu cần, vừa là đối tác và đối trọng của nhau để cùng phát triển. Các doanh nghiệp (DN) Hà Tĩnh sẽ cung cấp sản phẩm thủy, hải sản đến với thị trường các tỉnh Đông Bắc Thái Lan; ngược lại, các DN Nakhon Phanom sẽ cung cấp hàng hóa của Thái Lan vào Hà Tĩnh. Khi KKT Vũng Áng - khu công nghiệp nặng lớn nhất khu vực đi vào hoạt động và tiến tới ra đời thị xã Hoành Sơn thì việc khai thác tiềm năng kinh tế hành lang Đông Tây và Tiểu vùng sông Mekong đối với Hà Tĩnh cũng như các tỉnh của nước bạn Lào, Thái Lan có ý nghĩa hết sức quan trọng.
P.V:Trong chuyến thăm và làm việc tại Khăm Muộn và Nakhon Phanom lần này, Hà Tĩnh và các tỉnh bạn đã đạt được những thỏa thuận hợp tác cụ thể nào, thưa ông?
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự: Thời gian qua, 3 tỉnh Hà Tĩnh - Khăm Muộn - Nakhon Phanom đã có mối quan hệ hợp tác hữu nghị trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội - QPAN. Tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, những kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu phát triển.
Chính quyền và nhân dân làng Nông Dạt, huyện Mương, tỉnh Nakhon Phanom đón tiếp đoàn Hà Tĩnh |
Chuyến đi lần này đã mở ra hướng mới, đó là cả 3 tỉnh đã thống nhất mở tuyến du lịch từ Hà Tĩnh - Khăm Muộn - Nakhon Phanom và ngược lại. Đây là hướng đi đúng với tinh thần nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh tại các đề án: phát triển du lịch dịch vụ thương mại; tái cấu trúc ngành nông nghiệp; đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Kết nối được tuyến du lịch này vừa đảm bảo được phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch; là cơ hội để giải quyết nhiều việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho người dân một cách bền vững hơn.
Trước mắt, trong dịp tết của dân tộc Thái (13/4) năm nay sẽ mở thí điểm tour du lịch từ Nakhon Phanom - Hà Tĩnh và ngược lại. Đây là tiền đề để chính phủ của mỗi nước sớm hoàn thành các thủ tục về bổ sung đường 8 và đường 12 vào Nghị định thư số 1 của Hiệp định khung về tạo thuận lợi cho vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (gọi tắt là GMS - CBTA).
Tại cuộc hội đàm với tỉnh Nakhon Phanom lần này, có 23 DN của Thái Lan cùng dự. Các DN và nhà quản lý của 2 tỉnh đã cùng trao đổi thông tin và hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, toàn diện hơn và bền vững hơn. Chúng ta khuyến khích, kêu gọi các DN của bạn sang đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp sạch, du lịch… Đây là thế mạnh của Thái Lan để chúng ta học tập, chuyển giao công nghệ.
Đặc biệt, Thái Lan có kinh nghiệm phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, nhà hàng khách sạn. Vì vậy, chúng ta khuyến khích DN Thái Lan sang đầu tư vào các lĩnh vực này. Đối với lĩnh vực GD-ĐT, sẽ kết nghĩa với Trường Đại học Nakhon Phanom để đào tạo cán bộ, kỹ sư nghiên cứu khoa học, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp, quản trị kinh doanh. Đây là mảng chúng ta đang rất cần học hỏi.
Dự kiến, từ ngày 9 - 11/5, ngài Tỉnh trưởng Nakhon Phanom sẽ dẫn đoàn DN tỉnh Nakhon Phanom cùng một số tỉnh khác của Thái Lan sang thăm và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư vào Hà Tĩnh. Tiếp đó, cuối tháng 6/2014, Hà Tĩnh - Nakhon Phanom sẽ chính thức ký kết nghĩa giữa 2 tỉnh. Những kết quả này cũng là thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Thái Lan năm 2013.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự cùng đoàn công tác tham quan dây chuyền sản xuất tấm trần thạch cao tại Vilaco |
Tại cuộc hội đàm với tỉnh Khăm Muộn, phía bạn cũng đã thống nhất cho các DN, tập đoàn, tổng công ty của Hà Tĩnh tiếp tục mở rộng quy mô khai thác, chế biến sâu các sản phẩm thạch cao tại Lào đưa về Việt Nam và xuất khẩu. Cùng với đó, phía bạn cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn Hoành Sơn liên doanh với Tổng Công ty hóa chất Việt Nam, Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh triển khai dự án khai thác, chế biến muối mỏ Kali tại huyện Nong Book, tỉnh Khăm Muộn. Dự kiến, trong quý 2, các đơn vị sẽ khởi động xây dựng nhà máy. Thạch cao và Kali là 2 loại nguyên liệu Việt Nam đang phải nhập khẩu 100%. Vì vậy, việc các DN Hà Tĩnh đầu tư vào lĩnh vực này có ý nghĩa rất lớn.
Điểm thứ 2 cần phát huy tại Khăm Muộn và các tỉnh nước bạn Lào đó là tiếp tục hợp tác trong phát triển chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp và nối tiếp tour du lịch giữa Nakhon Phanom với các tỉnh của Lào về Hà Tĩnh. Đây là những kết quả rất đặc biệt trong chuyến đi này. Thời gian tới, các bên sẽ thành lập BCĐ theo từng nhóm ngành nghề để thường xuyên trao đổi thông tin và kinh nghiệm lẫn nhau.
Tôi hy vọng và tin tưởng, nhân dân và chính quyền các tỉnh sẽ cùng liên kết chặt chẽ hơn, đồng bộ hơn, thường xuyên hơn, hiệu quả hơn để góp phần phát triển KT-XH của mỗi tỉnh, các nước trong khối ASEAN ngày càng bền vững, tốt đẹp hơn.
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã