Dự thảo luật được UB Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến trong phiên họp ngày 12/3.
Loại giấy tờ “không giống ai”
Theo dự thảo luật, căn cước công dân là các thông tin cơ bản về đặc điểm nhân dạng của công dân để xác định chính xác một người cụ thể và phân biệt người này với người khác. Theo đó, cơ quan soạn thảo luật (Bộ Công an) đề xuất đổi chứng minh thư nhân dân thành thẻ căn cước của công dân Việt Nam - là giấy tờ tùy thân duy nhất có giá trị chứng nhận căn cước của người từ 15 tuổi trở lên, do cơ quan có thẩm quyền cấp từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân để sử dụng trong giao dịch, đi lại trên lãnh thổ Việt Nam.
Phía Bộ Công an, cơ quan cấp, quản lý chứng minh nhân dân hiện tại thì vẫn muốn giữ thứ giấy tờ tùy thân này, chỉ thay đổi ở điểm, trên chứng minh có mã số định danh cá nhân (12 số) và một “bộ phận điện tử” (kiểu dạng như chip từ) lưu thông tin cơ bản về căn cước công dân và các thông tin trong hệ thống dữ liệu điện tử quốc gia về dân cư.
Bộ Công an kỳ vọng, đó là bước đầu để sau này khi có một cơ sở hạ tầng dữ liệu đầy đủ về công dân thì sẽ bỏ hộ khẩu. Theo đó, chứng minh nhân dân để xác định số định danh cá nhân khi làm các thủ tục hành chính, giúp khai thác thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia mà không phải yêu cầu xuất trình nhiều giấy tờ không cần thiết.
Bộ Công an cho rằng, số định danh cá nhân cần được quy định ghi trên chứng minh nhân dân và đó cũng chính là số chứng minh nhân dân. Do đó, chứng minh nhân dân sẽ là thẻ căn cước công dân. Rồi sau đó, sẽ tính đến tích hợp với các loại giấy tờ khác thành thẻ công dân điện tử.
Tỏ ý không tán thành quan điểm này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, không nên tồn tại loại giấy tờ là chứng minh nhân dân. Theo ông Lý, mỗi công dân chỉ cần một mã số định danh, thể hiện trên một thẻ căn cước công dân (như các nước vẫn làm). Khi cần sử dụng cho mọi mục đích, chỉ cần mã số đó kích hoạt là ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình không nên có một loại giấy “không giống ai” như chứng minh nhân dân. Bà ví dụ các nước khi sản xuất ví đều có những khuôn ngăn để các loại thẻ từ thẻ ngân hàng, thẻ ra vào, thẻ mua hàng... đều theo một khuôn, trong khi chứng minh nhân dân của Việt Nam “không biết nhét chỗ nào cho vừa”.
“Cấm” tư tưởng… quản dân
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, nên nghiên cứu số định danh phù hợp. Bà Mai lo lắng mã 12 số không đủ dùng vì vài chục năm tới dân số Việt Nam sẽ lên hơn 100 triệu, trong khi Thái Lan có 63 triệu dân mà nước bạn đã xây dựng số định danh có 13 số.
Bà Mai cũng đề cập mục tiêu làm thẻ căn cước để bỏ dần việc quản lý dân cư bằng hộ khẩu. Chủ nhiệm UB Các cấn đề xã hội đặt câu hỏi về lộ trình cụ thể hay việc cấp số định danh cá nhân có thể giúp bỏ ngay quản lý dân cư kiểu cũ này không? Nếu bỏ được quản lý hộ khẩu, người dân sẽ rất mừng và nên có lộ trình rõ để người dân biết.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lo việc mã hóa, khai thác, sử dụng chung thông tin cá nhân có thể ảnh hưởng đến vấn đề bảo mật. Ông Phước đề nghị đưa vào luật quy định cấm tiết lộ bí mật riêng tư hợp pháp của công dân, chỉ có cơ quan thẩm quyền cung cấp thì người có yêu cầu mới được tiếp cận.
Đồng ý hướng đặt vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu thay đổi tư duy, “làm luật là để phục vụ người dân, chứ không phải để quản dân, không được có tư tưởng bắt nhầm còn hơn bỏ sót”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo luật phải theo hướng công dân cần ít giấy tờ nhưng nhà nước vẫn quản lý được. Mỗi công dân sinh ra đều có một số định danh đi liền với nó là các thông tin cần thiết cho cơ sở dữ liệu quốc gia, sử dụng vào các việc đang dùng giấy khai sinh hiện nay. Sau đó quy định cụ thể độ tuổi để đổi căn cước và cập nhật thông tin cần thiết.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, thẻ căn cước chỉ cần tên, số định danh và ảnh. Ông cũng nhấn mạnh, việc khai thác cơ sở dữ liệu về công dân phải đảm bảo bí mật đời tư theo Hiến pháp.
Theo dantri.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã