Trưởng nhóm dự án Tạ Văn Toàn (sinh viên Khoa Kế toán và Quản trị doanh nghiệp) cho biết: “Ý tưởng của dự án ra đời với mong muốn đem đến một cái nhìn mới về nền nông nghiệp, thay đổi nhận thức của cộng đồng, nhất là học sinh, sinh viên, về ngành nông nghiệp vốn được xem là còn lạc hậu, kém phát triển. Dự án ra đời cũng xuất phát từ kết quả điều tra thực tế cho thấy một thực trạng đáng buồn là hiện nay đến trên 60% các em học sinh, đặc biệt là trẻ em thành phố, thiếu kiến thức thực tế về nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó là sự thiếu thốn về không gian thực hành, cơ sở vật chất của các trường”.
Đại học Nông nghiệp Hà Nội (HUA) được xem là “bảo tàng của nền nông nghiệp Việt Nam”. HUA có diện tích rộng với khuôn viên đẹp, có ao sen, thảm thực vật phong phú, khu thí nghiệm đồng ruộng, trung tâm nghiên cứu cây ăn quả..., rất thuận lợi để học sinh tham quan tìm hiểu về nông nghiệp.
Sau khi tham khảo từ nhà trường và được các thầy cô hỗ trợ, Tạ Văn Toàn và các bạn trong nhóm dự án đã đề xuất xây dựng một tour trải nghiệm độc đáo kết hợp cả du lịch và thực nghiệm ngay trong nhà trường. Một thuận lợi trong dự án này chính là sinh viên của trường vốn gắn bó, thân thuộc và am hiểu về nông nghiệp sẽ trở thành người hướng dẫn trực tiếp để đưa khách đi tham quan.
Khách có thể được trồng cây ăn quả, hoa để mang về nhà, mua sản phẩm an toàn trong khu vực bán sản phẩm thu hoạch được từ các khu thực nghiệm. |
Tháng 3/2013, dự án Du lịch thực nghiệm công nghệ cao HUA Zone đi vào hoạt động. Theo thống kê, chỉ sau vài tháng, dự án đã đón trên 1.000 lượt khách đến tham quan. Đây là con số đầy hứa hẹn với dự án và dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa khi khâu “tiếp thị” được triển khai đến hệ thống các trường tiểu học và trung học tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Hiệu quả của dự án được minh chứng bằng giải nhất cuộc thi khởi nghiệp 2013 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Trong tương lai, nhà trường sẽ hỗ trợ dự án diện tích đất để xây dựng thêm một số hạng mục nhằm làm phong phú thêm hình thức: khu sinh thái làng Việt, xây dựng các tour tham quan bao gồm trải nghiệm nông nghiệp truyền thống và khám phá nông nghiệp công nghệ cao để giới thiệu tới nhiều đối tượng khách hàng hơn, kể cả những gia đình muốn được đưa con tìm hiểu về nông nghiệp thông qua chương trình “Một ngày làm nông dân”...
Tạ Văn Toàn cho biết: “Hướng sắp tới của dự án có thể sẽ mở rộng, đa dạng hóa hoạt động bằng cách liên kết tổ chức tham quan các làng nghề truyền thống xung quanh khu vực HUA: làng gốm sứ Bát Tràng, làng nghề mây tre đan truyền thống Phú Vĩnh - Hà Nội, làng nghề Kiêu Kị... Việc kết hợp này sẽ giúp khách có thêm góc nhìn về nông nghiệp truyền thống và hiện đại của Việt Nam, đồng thời tạo thêm thu nhập cho nông dân quanh vùng”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã