Chăn nuôi hươu đem lại thu nhập cao cho người dân Hương Sơn.
Cả huyện nuôi hươu
Huyện Hương Sơn có điều kiện tự nhiên phù hợp với sự phát triển của con hươu. Được thuần hóa từ thế kỷ 18, hươu đã gắn bó và gần như không ngừng phát triển ở Hương Sơn. Trước đây, hươu là vật nuôi “quý tộc”, nhưng từ những năm 1990 đến nay, hươu được nuôi phổ biến, không ngừng nhân rộng và trở thành vật nuôi chủ lực của địa phương.
Đặc biệt, từ năm 2006, khi BCH Huyện ủy Hương Sơn ban hành Nghị quyết 01/NQ-HU, ngày 26/3/2006 về phát triển chăn nuôi, trong đó, tập trung chỉ đạo phát triển nghề nuôi hươu, tổng đàn hươu có sự tăng trưởng chóng mặt. 6 tháng đầu năm 2007, tổng đàn hươu đã lên đến 16.000 con, tăng 43% so với thời điểm trước khi nghị quyết ra đời. Từ hiệu quả của con hươu và các cơ chế, chính sách phù hợp của huyện Hương Sơn, của UBND tỉnh, tổng đàn hươu Hương Sơn những năm gần đây không ngừng tăng trưởng. Năm 2013, tổng đàn toàn huyện đạt 30.500 con; năm 2014, đạt 33.100 con; năm 2015, đạt trên 36.000 con.
Do tính chất dễ nuôi nên hươu được nuôi ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện. Trong đó, tập trung nhiều ở các xã vùng giữa và vùng thượng. Điển hình các xã trọng điểm hươu là Sơn Quang, Sơn Lâm, Sơn Trung, Sơn Giang… mỗi xã bình quân từ 2.000-2.700 con. Mặc dù thời gian gần đây, đàn hươu có chững lại, nhưng tổng đàn vẫn ở mức gần 32.000 con (giảm 4.000 con so với 2015). Hiện nay, toàn huyện có hàng trăm mô hình nuôi quy mô trên 20 con, trong đó, 9 mô hình nuôi từ 50-100 con. Số hộ nuôi từ 4-5 con trở lên, có tới hàng chục nghìn hộ. Nhà nhà nuôi hươu, xóm xóm nuôi hươu khiến hươu thực sự gắn bó và trở thành đặc sản không lẫn lộn của Hương Sơn.
Làm giàu từ hươu
Đến thăm địa phương nuôi hươu tốp đầu của huyện, Chủ tịch UBND “xã hươu” Sơn Lâm Nguyễn Trọng Thuần, cho biết: “Hươu là vật nuôi chủ lực của xã chúng tôi từ nhiều năm nay. Hiện xã có 650/801 hộ nuôi, chiếm tỷ lệ trên 80%. Với tổng đàn lên đến 2.786 con, hươu đang chiếm khoảng 40% tổng thu nhập của địa phương. Mặc dù xã phát triển nhiều đối tượng kinh tế nhưng hươu vẫn là mũi nhọn, được người dân quan tâm nhất. Hàng trăm gia đình ở Sơn Lâm xây dựng được nhà cửa, mua sắm tiện nghi sinh hoạt, nuôi con cái ăn học trưởng thành cũng chủ yếu nhờ hươu. Toàn xã có khoảng 50 mô hình nuôi hươu cho thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Văn Nhị (xã Sơn Quang) mỗi năm thu nhập 200 triệu đồng từ nuôi hươu.
Cũng là xã tốp đầu nuôi hươu, Chủ tịch UBND xã Sơn Quang Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết: “Sơn Quang hiện có tổng đàn 2.700 con. Toàn xã có trên 200 hộ nuôi từ 5 con trở lên, trong đó có trên 20 hộ nuôi từ 20 con trở lên. Khoảng 100 hộ có thu nhập mỗi năm trên 50 triệu đồng từ hươu. Năm nay, nhân dân Sơn Quang thu được 8 tạ nhung và xuất bán 400 con hươu giống, cho thu nhập 11 tỷ đồng. Bản thân gia đình tôi, nuôi 6 con hươu đực, thu 5 kg nhung, bán được 50 triệu đồng”.
Ông Lĩnh dẫn chúng tôi đi một số hộ nuôi hươu, mặc dù quy mô không lớn nhưng hiệu quả thì rất rõ. Anh Lê Anh Tuấn (thôn Bảo Trung), nuôi 20 con, vụ vừa rồi bán 11 hươu con và trên 3 kg nhung, cho thu nhập trên 70 triệu đồng; hộ ông Nguyễn Văn Nhị (thôn Bảo Thượng), nuôi 30 con, năm nay, bán 8 hươu con và trên 20 kg nhung, thu nhập 200 triệu đồng.
Nhiều hộ dân Hương Sơn những năm gần đây đã mạnh dạn đầu tư lớn, nuôi trên 50 con, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Chị Trần Thị Hợi (thôn 10, xã Sơn Lĩnh) cho biết: “Gia đình tôi nuôi hươu từ hàng chục năm nay. Thấy hươu cho kinh tế khá nên năm 2012 chúng tôi bắt đầu đầu tư nuôi quy mô 50 con và duy trì ổn định số lượng cho đến nay. Trung bình, mỗi năm thu nhập từ bán nhung hươu và hươu giống, đạt khoảng 300-400 triệu đồng. Ở vùng rừng núi Sơn Lĩnh này, đây là một khoản thu nhập lớn mà nếu không nuôi hươu thì không thể làm gì có được”.
Trong chuyến đi này, chúng tôi ghé vào một trong những trại hươu lớn nhất huyện (100 con) của anh chị Trần Thị Tuyết, Phạm Văn Thưởng (thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung). Mặc dù mới đầu tư từ đầu năm nay, nhưng trại này có trên 50 con hươu đực đã vào tuổi cho nhung nên anh chị đang ước tính, mùa nhung tới, chỉ tính mỗi con hươu đực cho 0,7 kg, bán giá 10 triệu đồng/kg, cũng cho thu nhập lên đến 350 triệu đồng. Đó là chưa kể đến tiền bán hươu giống, nên tổng thu nhập ít nhất cũng đạt trên 400 triệu đồng ngay từ vụ đầu tiên này.
Ông Nguyễn Quang Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, cho biết: “Hươu là đối tượng nuôi cho thu nhập khá của nhân dân Hương Sơn. Năm nay, toàn huyện thu được trên 12 tấn nhung, bán khoảng 10.000 con hươu giống, cho thu nhập 150 tỷ đồng. Nhiều gia đình thực sự giàu có từ nghề nuôi hươu”.
Hươu là đối tượng nuôi phát huy hiệu quả, nhưng thực tế hiện nay, đàn hươu Hương Sơn đang bắt đầu giảm sút. Đây là điều mà lãnh đạo Hương Sơn đang cảm thấy lo lắng về tính ổn định của con nuôi chủ lực này.
Theo Báo Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã