Anh Nguyễn Văn Lập, thôn Sông Lô 4, xã An Tường (TP Tuyên Quang) mạnh dạn đầu tư nuôi vịt trời, bước đầu thu được kết quả tốt.
Trong lễ tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giai đoạn 2012 - 2016 của Hội Nông dân xã An Tường, mô hình kinh tế hội viên Nguyễn Văn Lập ở thôn Sông Lô 4 được đánh giá là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu. Ít ai biết rằng, để có được thành công như hôm nay, anh Lập đã trải qua rất nhiều khó khăn với các nghề nông nghiệp, từ thả cá, nuôi vịt bầu, nuôi lợn nái rồi chuyển qua lợn thịt, nuôi bò thương phẩm, nuôi vịt trời.
Anh Lập cho biết, năm 2014, khi đang tìm hướng phát triển kinh tế hiệu quả, nhân duyên đã đưa anh đến với mô hình chăn nuôi vịt trời. Một lần tình cờ xem trên kênh VTV2 của Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu về mô hình thuần hóa và nuôi vịt trời hoang dã tại tỉnh Bắc Giang.
Anh tìm đến gia đình nuôi vịt trời để tìm hiểu, anh được biết, vịt trời là giống dễ nuôi, không cần chăm sóc cầu kỳ, chỉ cần có diện tích mặt nước lớn, không gian rộng là có thể nuôi được, giá trị kinh tế khá cao. Thấy có thể phù hợp với điều kiện mình đang có, anh Lập mạnh dạn mua 40 con giống về nuôi thử nghiệm.
Trong quá trình nuôi, được sự quan tâm, khuyến khích và hỗ trợ của Hội Nông dân xã An Tường, anh đã được tín chấp vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT đầu tư vào chăn nuôi và xây dựng lò ấp trứng với mong muốn nuôi đàn vịt trời ở quy mô lớn. Từ số giống 40 con, đến nay anh đã nhân đàn và duy trì nuôi vịt trời gần 4.000 con với 200 con vịt giống.
Năm 2015, anh cung cấp ra thị trường khoảng 1 vạn con vịt thương phẩm, riêng từ đầu năm 2016 đến nay anh bán trên 8 nghìn vịt cung cấp chủ yếu cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh Hà Giang, Hà Nội, Vĩnh Phúc. Cùng với thế mạnh chăn nuôi vịt trời, anh Lập còn chăn nuôi cá, lợn nái giống, gà, bán vịt giống với tổng thu nhập khoảng 500 triệu đồng năm 2015.
Gia đình anh Hoàng Văn Dũng, thôn Tân Tạo, xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang) cũng thành công từ việc nhanh nhạy chuyển đổi khu đất của gia đình anh chỉ khoảng 1 ha và sau thuê lại những mảnh vườn nhỏ của bà con sản xuất không thường xuyên để quy hoạch thành vườn cây ăn quả của gia đình, đưa tổng số diện tích lên trên 2 ha.
Với diện tích này, anh phân làm 3 khu, một phần lớn trồng 1.000 gốc chanh tứ mùa, phần còn lại trồng 400 gốc bưởi và 100 gốc ổi lai lê. 100 gốc ổi này đã cho anh thu hoạch 2 năm nay, 1 sào ổi có thể cho thu nhập 20 triệu đồng mỗi năm, gấp 5 lần so với trồng ngô trên cùng 1 diện tích. Vườn bưởi trồng được gần 2 năm tuổi, vườn chanh tứ mùa sai thành từng chùm quả.
Theo anh Dũng đang là mùa nên giá chanh cũng không cao, bán tại vườn được khoảng 7-8 nghìn đồng/kg. Nhưng hết vài tháng mùa chanh ta, anh có thể bán đến 25 nghìn đồng/kg tại vườn. Thu nhập từ chanh tứ mùa và ổi đủ vốn để anh có thể đầu tư chăm sóc 400 gốc bưởi đang phát triển.
Ông Lê Xuân Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Tuyên Quang cho biết, đến nay, các cấp hội đã duy trì hoạt động của 53 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ trên 28 tỷ đồng, cho hơn 1.630 hộ hội viên. Cùng với đó, thực hiện thỏa thuận giữa Agribank Tuyên Quang với Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân thành phố cũng duy trì 80 tổ liên kết với trên 1.600 thành viên, trong đó có 235 hộ được vay theo chương trình này, số tiền 12,7 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn vay nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt với quy mô lớn và đã dần đem lại hiệu quả kinh tế, trở thành mô hình được Hội Nông dân các cấp lựa chọn để nhân rộng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã